11:03, 06/03/2015

Khúc hát sông Dinh

"Đi trăm phố vẫn thương về phố huyện/Uống nước trăm dòng vẫn thèm nước sông Dinh", câu thơ của nữ nhà thơ Phạm Dạ Thủy cứ luôn vang trong lòng mỗi khi nhớ về sông Dinh - con sông nhỏ vắt ngang qua thị trấn Ninh Hòa, tạo cảm hứng cho không ít nhà thơ, nhạc sĩ xứ Trầm Hương

“Đi trăm phố vẫn thương về phố huyện/Uống nước trăm dòng vẫn thèm nước sông Dinh”, câu thơ của nữ nhà thơ Phạm Dạ Thủy cứ luôn vang trong lòng mỗi khi nhớ về sông Dinh - con sông nhỏ vắt ngang qua thị trấn Ninh Hòa, tạo cảm hứng cho không ít nhà thơ, nhạc sĩ xứ Trầm Hương.

 

Đua thuyền Tết ở Ninh Hòa.  Ảnh:  TRẦN MINH NGỌC
Đua thuyền Tết ở Ninh Hòa


Theo nhiều người, sở dĩ gọi là sông Dinh là do thời chúa Nguyễn dinh Thái Khang đóng ở bờ sông này; cùng với tên sông, dấu tích xưa còn lại ở cái tên chợ Dinh, cầu Dinh. Với người Ninh Hòa, sông Dinh chính là ngọn nguồn của nghệ thuật; hình như ở vùng đất này ai làm thơ, viết nhạc cũng đều ít nhất một lần nhắc đến sông Dinh với niềm mến yêu vô bờ. Đã có không ít câu thơ hay viết về “con sông chảy từ buồng tim của mẹ” của những nhà thơ đất Ninh Hòa như Phạm Dạ Thủy, Đỗ Công Quý, Phạm Duy Tân, Nguyễn Tường Hoài... cũng như những khách văn ghé lại xứ này. Với cố nhà thơ Phạm Duy Tân, sông Dinh là ngọn nguồn của thi ca: Sông Dinh xanh biếc đôi bờ/Hàng tre soi bóng nghiêng thơ vào lòng (Nhớ sông Dinh). Với Phạm Dạ Thủy, sông Dinh chính là cái nôi văn hóa đã tắm mát tâm hồn bao người từ thuở “trẻ dại hồn nhiên”: Sông Dinh chảy lững lờ trong câu hát/Tắm mát một thời trẻ dại hồn nhiên/Người say quê tôi nem chua rượu bọt/Tôi say quê tôi một nhánh sông hiền (Tình quê)... Không chỉ vậy, sông Dinh còn là nơi hò hẹn, chuyên chở tình duyên của bao đôi lứa như nhà thơ Tường Hoài viết: Nghiêng đời em xuống đời anh/Hàng tre nghiêng bóng sông Dinh mơ màng/Mái chèo nghiêng xuống nhặt khoan/Tròng trành đò nhỏ nghiêng sang đôi bờ (Nghiêng xuống đời nhau) hay Dòng sông Dinh tháng ngày trôi lờ lững/Nối đôi bờ mấy nhịp cầu duyên/Cho Vĩnh Phú ngàn năm thương Mỹ Hiệp/Miếng trầu cau cho đượm thắm đôi tình (Về thăm Ninh Hòa). Cùng một dòng tâm sự ấy, Vinh Hồ gửi nỗi niềm thương nhớ người em theo dòng nước sông Dinh: Chiều chiều ra đứng bến sông/Thương người em gái má hồng Thanh Minh/Phương tôi lờ lặng sông Dinh/Phương em sông Cái lênh đênh bãi dài (Như tình thơ tím)...


Dòng sông nhỏ bé ấy không chỉ chở nặng phù sa làm nên những mùa màng tốt tươi mà còn nuôi dưỡng tâm hồn biết bao người. Sông vẫn chảy đời sông, chỉ có những người đi xa vẫn luôn không nguôi nhớ về. Trong tập tản văn Chồm hổm giữa chợ quê, từ nước Mỹ, Nguyễn Hữu Tài đã nhớ về sông Dinh với biết bao ân tình. Trên chuyến thiên hành muôn nẻo, sông Dinh ghé lại Ninh Hòa, bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới tiêu cho những thửa ruộng bạt ngàn, xanh ngát, ấp ủ trong lòng nhiều loài cá tôm để cưu mang bao cuộc đời chất phác, nuôi lớn những ước mơ tròn méo ven sông. Chỉ vài dòng văn thôi nhưng chất chứa biết bao nhiêu tình cảm mà chỉ những người lớn lên cùng dòng sông mới viết nên được.


Không chỉ thơ, sông Dinh còn là cảm hứng để nhiều nhạc sĩ viết nên những ca khúc. Người Ninh Hòa chắc chắn ai cũng biết ca khúc Ơi con sông Dinh của nhạc sĩ Hình Phước Liên với những ca từ mộc mạc trữ tình, thiết tha: Bình thường bình thường thôi, bạn ơi quê hương tôi cũng núi giăng mây, cũng lúa xanh đôi bờ. Và một dòng sông nước đầy vơi sớm tối. E ấp sông như cô gái quê tròn trăng… Bình thường bình thường thôi, như bao dòng êm trôi. Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà, là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô. Ít người biết rằng, bài hát làm rung động tâm hồn bao người ấy lại được ông viết năm chỉ vừa 26 tuổi. Lớn lên ở làng Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) nơi hạ nguồn sông Dinh, từ tuổi ấu thơ ông đã tắm mát trên dòng sông nhỏ này với những câu ca điệu hò. Từ khi bắt đầu sáng tác, chàng nhạc sĩ trẻ đã ấp ủ một ca khúc về quê hương Ninh Hòa. Khoảng năm 1981, khi ấy nhạc sĩ Hình Phước Liên công tác ở Ninh Hòa, còn vợ ông làm việc ở Nha Trang. Với suy nghĩ một ngày nào đó sẽ vào Nha Trang để ổn định cuộc sống gia đình, phải giã từ vùng đất thân yêu, lìa xa con sông Dinh yêu dấu... ông đã cảm hứng viết nên ca khúc nổi tiếng này. Cái giả định “nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà” sau này đã trở thành sự thực, nhưng tâm hồn người nhạc sĩ không bao giờ xa dòng sông của đời mình. Trong các ca khúc viết về quê hương của nhạc sĩ Hình Phước Liên luôn bàng bạc bóng hình của con sông Dinh, hay nói cách khác, hình ảnh con sông hiền hòa ấy luôn cuộn chảy trong tâm hồn ông. Một sáng tác khác cũng rất hay của nhạc sĩ Hình Phước Long (anh trai nhạc sĩ Hình Phước Liên) đó là bài Nhớ sông Dinh với những ca từ đậm tình quê hương: ... có đi là đi trăm nẻo, có vượt là vượt nghìn đèo, vẫn nhớ tới quê hương mình có dòng sông Dinh nho nhỏ, vẫn nhớ bóng tre êm đềm, nghiêng mình soi bóng sông…


Không ít lần tôi tự hỏi có gì ở con sông nhỏ bé ấy mà người Ninh Hòa ai đi xa cũng nhớ? Tại sông đẹp, đong đầy ân tình hay bởi như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn! Hỏi vậy thôi, bởi tôi biết “trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình”, dù đục dù trong cũng là dòng sông quê hương...


THÀNH NGUYỄN