Hàng trăm món đồ cổ, đồ xưa được bày bán nhân dịp năm mới. Người bán, người mua có dịp đàm đạo về nét văn hóa, những câu chuyện gắn liền với từng chiếc đĩa, cái chén hàng trăm năm tuổi, hay những vật dụng từng là tài sản quý giá của thời bao cấp…
Hàng trăm món đồ cổ, đồ xưa được bày bán nhân dịp năm mới. Người bán, người mua có dịp đàm đạo về nét văn hóa, những câu chuyện gắn liền với từng chiếc đĩa, cái chén hàng trăm năm tuổi, hay những vật dụng từng là tài sản quý giá của thời bao cấp…
Người sưu tập cùng bình luận về đồ cổ |
Nhân dịp xuân Ất Mùi 2015, ngày mùng 5 Tết, Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật Nha Trang tổ chức phiên chợ đồ xưa tại Bảo tàng tỉnh. 8 giờ sáng, các thành viên của CLB lần lượt mang theo các cổ vật, đồ xưa cũ đến trưng bày trên dãy bàn dài phía mặt tiền của bảo tàng. Trong khi nhiều người mang đến những cổ vật quý như đĩa sứ thời Minh, Thanh (Trung Quốc), đồ sứ thời Nguyễn, đồ gốm Chu Đậu, chén đĩa gốm Bát Tràng, tượng gốm Nam bộ... thì anh Lê Quang Lâm lại mang đến những đồ xưa như radio, máy đánh chữ, xe đạp, đồng hồ, phích nước có tuổi đời khá lâu năm. Giá trị của từng món đồ theo đó cũng rất đa dạng, có cái lên đến 5 - 6 triệu đồng nhưng cũng có cái chỉ 100.000 đồng.
Vượt qua lớp “màu” thời gian của những món đồ, người xem không chỉ nhìn thấy trình độ chế tác và “gu” mỹ thuật, kiểu dáng và cách trang trí, thói quen sử dụng đồ vật của người xưa, mà còn có thể nhìn thấy cả những đường nét văn hóa đã một thời vang bóng. Mỗi món đồ mang theo những câu chuyện của bản thân chúng và cả những người sở hữu chúng, trong đó có những vật đã được truyền đến 2-3 đời, cũng có đồ vật được chủ nhân sưu tầm từ vựa đồng nát. Nhiều khách du lịch đến tham quan Bảo tàng tỉnh đã rất thích thú khi được nhìn lại những vật dụng quen thuộc một thời như xe đạp pơ-giô (Peugeot), quạt tai voi, tọa đăng, bình tông... Bà Nguyễn Thu Huệ (Phương Sài, TP. Nha Trang) tình cờ đến xem đã rất thích thú với chiếc máy đánh chữ cũ nên hỏi mua. “Ngày trước tôi làm nghề đánh máy chữ nên muốn mua lại một chiếc để kỷ niệm. Bao nhiêu năm đã quen với tiếng gõ lạch cạch của chiếc máy nên nhiều khi cũng thấy thèm nghe lại âm thanh của một thời đã qua”. Anh Bùi Kim Sơn lại mua chiếc bao đựng bình tông thời chiến, vài chiếc ly sứ Bát Tràng để cầu may đầu năm. Điều đặc biệt, trong phiên chợ đồ xưa đầu năm mới, cả người bán, người mua đều muốn lấy may (hên) nên đều mua bán rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Với những món đồ có giá thành không lớn, nhiều người dùng tiền bán hàng để góp vào quỹ của CLB Cổ vật Nha Trang.
Trong phiên chợ đồ xưa, những người sưu tầm cổ vật Nha Trang cùng nhau thưởng ngoạn, giao lưu, trao đổi để thỏa mãn niềm đam mê thú chơi cổ ngoạn. Nhiều người ngoại đạo đến đây cũng rất vui khi nhìn ngắm các đồ xưa cũ, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Đào Hòa - Chủ nhiệm CLB Cổ vật Nha Trang chia sẻ: “Nhiều thành phố lớn trên thế giới có địa điểm trưng bày, giới thiệu và mua bán các loại đồ cũ như một nét văn hóa nhằm thu hút khách du lịch. Nha Trang - Khánh Hòa có số người chơi đồ cổ, đồ xưa chưa nhiều nhưng chúng tôi cố gắng tổ chức phiên chợ đồ xưa này để tạo nên điểm sinh hoạt văn hóa cho những người yêu đồ cổ, đồ xưa cùng đến mua, bán và giao lưu, gặp gỡ... Chúng tôi hy vọng, qua những hoạt động như thế này sẽ nhân rộng hơn số người quan tâm, gìn giữ di sản văn hóa”.
Ngoài phiên chợ đồ xưa được tổ chức vào đầu năm mới, hàng tháng, CLB Cổ vật Nha Trang còn tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng để các hội viên trao đổi thông tin, trao đổi hiện vật. Theo ông Đào Hòa, sau này, nếu có điều kiện, CLB sẽ tổ chức thêm nhiều phiên chợ đồ xưa, mời người chơi ở các địa phương trong, ngoài tỉnh đến giao lưu... Hy vọng, với các cuộc triển lãm về cổ vật, các phiên chợ về đồ xưa, CLB Cổ vật Nha Trang sẽ khơi dậy mạch ngầm về thú chơi công phu này trong đời sống.
THÀNH NGUYỄN