Sau Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã dành khung giờ cố định trên kênh VTV1, VTV6 để phát sóng phim truyền hình Nhật Bản. Trong tình cảnh khán giả đã quá bội thực về phim Hàn, sự trở lại của phim truyền hình Nhật chắc chắn sẽ giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn…
Sau Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã dành khung giờ cố định trên kênh VTV1, VTV6 để phát sóng phim truyền hình Nhật Bản. Trong tình cảnh khán giả đã quá bội thực về phim Hàn, sự trở lại của phim truyền hình Nhật chắc chắn sẽ giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn…
Dấu ấn Oshin
Cách đây đúng 20 năm, khi những bộ phim truyền hình Hàn Quốc vẫn còn xa lạ, người Việt đã biết đến những bộ phim truyền hình của Nhật Bản. Năm 1994, phim truyền hình Oshin (297 tập, mỗi tập 15 phút) đã tạo nên một cơn sốt thật sự. Chuyện phim nói về cuộc đời của nhân vật Oshin từ một đứa bé đi ở, chịu nhiều khổ cực, đắng cay, bằng nghị lực phi thường đã vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt. Phim đã chinh phục những khán giả của màn ảnh nhỏ Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhân vật Oshin đã trở thành một biểu tượng của phụ nữ về sự kiên nhẫn, không bao giờ bị khuất phục trong những tình huống khó khăn nhất...
Phim “Châu Nam cực” được chọn mở đầu cho loạt phim truyền hình Nhật Bản trên kênh VTV1. |
Sau phim Oshin, khán giả Việt Nam còn được thưởng thức các bộ phim khá hay đến từ xứ sở hoa anh đào như: Ngôi sao may mắn, Chuyện nữ tiếp viên hàng không. Câu chuyện về nữ tiếp viên hàng không Chiaki đã trở thành nguồn động lực và tấm gương cho giới trẻ Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, nhiều khán giả vẫn thường sử dụng câu thoại “Cố lên Chiaki” để cổ vũ ai đó khi gặp tình huống khó khăn.
Khởi đầu tốt là vậy, nhưng do không được chăm chút nên khi làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc vào Việt Nam, phim Nhật Bản đã nhanh chóng bị mất vị thế. Sau những năm 2000, khán giả Việt Nam rất ít được xem phim truyền hình của xứ sở hoa anh đào. Ký ức về phim Nhật của nhiều người chỉ dừng lại ở thời phim Oshin, Chuyện nữ tiếp viên hàng không, trong khi ai cũng biết thực tế phim Nhật đã thay đổi rất nhiều.
Sự trở lại
Sau một thời gian dài vắng bóng, phim Nhật Bản đã trở lại trên sóng truyền hình Việt Nam. Cuối tháng 9-2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) đã chính thức khởi chiếu dòng phim Nhật trên kênh HTV9 (17 giờ 30 từ Thứ sáu đến Chủ nhật hàng tuần). Sau bộ phim cổ trang Hậu cung, HTV9 liên tục gửi đến khán giả những bộ phim phản ánh đời sống đương đại của Nhật bản như: Tôi là người quản gia, Mẹ chồng nàng dâu, Tình như đám mây xa, Xuân trắng, Những bà nội trợ kiểu Nhật…
Sau HTV, với sự hợp tác của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng khởi chiếu loạt phim truyền hình Nhật Bản. Theo đó, từ tháng 10-2014 đến 4-2015, VTV liên tục trình chiếu 12 bộ phim truyền hình Nhật Bản trên sóng VTV1 (13 giờ hàng ngày) và VTV6 (19 giờ từ Thứ hai đến Thứ tư hàng tuần). Các phim được trình chiếu gồm: Châu Nam cực, Kẻ tham lam, Cánh diều đen, Đội đặc nhiệm S, Cha tôi là thần tượng, Ataru, Cô bé với những ác mộng, Sự thật của số 0, Nữ phi công, Bác sĩ thú y Dolittle... Ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, phim truyền hình Nhật Bản được chọn để phát sóng đều là những bộ phim thành công ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Phim có đề tài đa dạng, từ những phim tâm lý xã hội đến hình sự, hài hước vui nhộn và cả những bộ phim về chinh phục thiên nhiên. Để tiện cho khán giả theo dõi, VTV đã lồng tiếng cho tất cả các phim này. Sự xuất hiện của phim truyền hình Nhật Bản sẽ góp phần thay đổi thị phần phim châu Á trên sóng VTV. Hiện tại, phim Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 50% thời lượng phim nước ngoài, trong khi phim Nhật Bản chưa đến 10%.
Trong tình cảnh khán giả đã quá nhàm chán với những bộ phim truyền hình dài lê thê của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, sự trở lại của phim truyền hình Nhật Bản là một tín hiệu vui. Những ai từng theo dõi các phim Nhật được phát sóng trong thời gian gần đây có thể thấy, phim Nhật là một món ăn khác biệt với phim Hàn Quốc. Những bộ phim Nhật đề cập đến nhiều ngành nghề, đối tượng trong xã hội, nhiều góc nhìn khác nhau chứ không chỉ tập trung vào những câu chuyện tình đẫm nước mắt, những ân oán tình thù giữa các dòng họ như phim Hàn. Phim Nhật cũng có thời lượng ngắn gọn (thường nằm trong khoảng 8-14 tập), tiết tấu nhanh gọn. Đặc biệt, phim Nhật không quá chú trọng về ngoại hình diễn viên như phim Hàn Quốc, Đài Loan, mà thường chọn diễn viên phù hợp với vai diễn, càng xem càng thấy yêu thích nhân vật hơn. Có thể thấy rõ điều này qua phim Những bà nội trợ kiểu Nhật (đang phát sóng trên HTV9), đề cập đến đời sống đương đại của Nhật qua câu chuyện của các gia đình trẻ, trong đó có đề cập sâu đến cách giáo dục con cái. Trước đó, phim Xuân trắng cũng đã thu hút khán giả khi phản ánh xúc động tình cảm cha con của một người đàn ông vừa mãn hạn tù trở về. Đề cập đến phim Nhật, chị Nguyễn Thanh Hằng (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) cho biết: “Trước đây, tôi rất mê xem phim Hàn Quốc, nhưng xem mãi cũng chán. Gần đây, khi biết HTV9 có chiếu phim Nhật Bản, tôi xem thử và thấy khá hay, gần gũi với đời sống của người Việt”.
Việc VTV và HTV dành khung giờ cố định để phát sóng phim Nhật là tín hiệu vui, dù khung giờ này chưa phải là giờ đẹp như phim Hàn. Sự trở lại của phim truyền hình Nhật Bản sẽ giúp khán giả yêu thích phim truyền hình có nhiều lựa chọn, có cái nhìn sâu hơn về phim ảnh của Nhật Bản - quốc gia có nền điện ảnh phát triển hàng đầu châu Á.
XUÂN THÀNH