10:10, 11/10/2014

Nhạc sĩ Phú Quang - mãi mãi một tình yêu Hà Nội

Mấy hôm nay, đọc nhiều bài báo viết về Hà Nội, về những rộn ràng của không khí 60 năm kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014), chợt bắt gặp thông tin nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh là một trong những công dân thủ đô ưu tú.

Mấy hôm nay, đọc nhiều bài báo viết về Hà Nội, về những rộn ràng của không khí 60 năm kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014), chợt bắt gặp thông tin nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh là một trong những công dân thủ đô ưu tú. Ai cũng biết, có rất nhiều văn nghệ sĩ thể hiện tình yêu với Hà Nội, như những trang tùy bút của nhà văn Băng Sơn chẳng hạn. Hà Nội cũng đi vào âm nhạc rất nhiều, nhưng có lẽ với nhạc sĩ Phú Quang thì chẳng bao giờ che giấu tình yêu của mình với Hà Nội, trái lại, ông luôn phô bày tất cả tình cảm của mình, thể hiện với lòng tự hào của một người con nơi ấy với những đêm nhạc riêng mình về Hà Nội hai mươi mấy năm qua. "Công dân thủ đô ưu tú" - âu đó cũng là sự tri ân cho tình yêu và những cống hiến của ông với mảnh đất thủ đô.

 

"Điều giản dị" và "Nỗi nhớ mùa đông" - 2 trong số seri album "Tình khúc Phú Quang".


Tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Phú Quang mười mấy năm về trước. Nói là gặp nhưng thực chất là một khán giả ngồi xem chưong trình "Khách mời của VTV3" do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, chủ đề về các bài hát trong phim ở một sân khấu nhỏ trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh cùng với các nhạc sĩ Trần Tiến, Trần Phương...; nghe ông chia sẻ về những cảm xúc viết nhạc cho nhiều bộ phim. Có lẽ chính người nhạc sĩ ấy đã góp phần dấy lên trong tôi tình yêu với Hà Nội, bằng những bản tình ca viết về mảnh đất ngàn năm văn hiến ấy. Có thể nói, Phú Quang nhạc sĩ đặt tình yêu với Hà Nội vào từng cung thanh, nốt nhạc. Hầu như bài nào ông cũng gắn trong đó 2 từ Hà Nội hay dính dáng đến nỗi nhớ nơi ấy. Ông sáng tác và phổ nhạc rất nhiều bài hát về Hà Nội. Từ "Mơ về nơi xa lắm" (phổ thơ Thái Thăng Long), "Hà Nội ngày trở về", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Về lại phố xưa", "Em ơi Hà Nội phố" (phổ thơ Phan Vũ), 'Im lặng đêm Hà Nội", "Tôi muốn mang hồ Gươm đi", "Chiều phủ Tây Hồ"... Trong seri "Tình khúc Phú Quang" mà tôi sưu tập ngày nào, phần nhiều là các bài về chủ đề này, được thể hiện qua nhiều giọng ca như Ngọc Tân, Thùy Dung, Quang Lý, Mỹ Linh, Ngọc Anh, Hồng Nhung, Thanh Lam...Nhưng tôi vẫn thích album vol 1 "Điều giản dị" , trong đó chính bản thân ông vừa đàn vừa thể hiện một cách sâu lắng, đầy tâm trạng bài hát "Mùa thu và em" do mình sáng tác.

 

Những trải lòng của nhạc sĩ Phú Quang trên tuần san Sài Gòn Giải Phóng vào tháng 10-2000.


Với tôi, kể ra người nhạc sĩ ấy cũng thật lạ. Ông không sinh ra ở Hà Nội nhưng lại cho ta cảm giác đấy mới chính là quê hương ông chứ không phải Phú Thọ, nơi ông sinh ra. Mà cũng chẳng khó để lý giải điều đó khi gia đình ông đã có 7 đời gắn bó với Hà Nội. Ông từng ra đi, rời xa Hà Nội dễ cũng đến 20 năm để đến với thành phố mang tên Bác, rồi lại quyết định trở về, nhưng tình yêu với mảnh đất ấy thì chẳng bao giờ nguôi. Bởi trong chừng ấy năm xa Hà Nội, ít hay nhiều thì năm nào ông cũng làm một cuộc trở về, vào mùa thu, tháng 9 để tổ chức đêm nhạc của riêng mình và cũng là dành riêng cho Hà Nội. Trong những tư liệu sưu tầm về văn học, sách báo của tôi đến nay vẫn còn giữ bài viết sâu sắc của người nhạc sĩ nặng tình ấy đăng trên tuần san báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 7-10-2000. Đó là những trải lòng của ông sau chuyến trở về mảnh đất rồng thiêng để cùng với các nghệ sĩ khác thực hiện 3 đêm nhạc "Hà Nội, dấu thời gian" trong không khí Hà Nội đang rạo rực chuẩn bị cho 990 năm Thăng Long... Chỉ cần một bài viết ấy cũng gói gọn, cũng nói hộ tất cả tình cảm, tình yêu và cũng là trách nhiệm của người nhạc sĩ ấy với quê hương. Bởi như ông chia sẻ thì Hà Nội sẽ mãi mãi là nỗi nhớ thương cho những người con rời đất này đi xa như ông và cho cả những ai đã một lần trót đem lòng yêu nó. Cũng từ đấy, người ta bắt gặp những hình ảnh lung linh của một Hà Nội với đêm mùa thu, con đường Bà Triệu đẹp đến bồi hồi, với những hàng cây bàng nơi tòa Đại sứ Pháp, hay hồ Hoàn Kiếm trong đêm với Tháp Bút chọc thẳng lên trời đầy kiêu hãnh... Đọc bài viết và nghe nhạc của ông khiến người ta như biết yêu Hà Nội hơn. Khi ấy, trong hình dung của tôi, có lẽ nhạc phẩm "Hà Nội ngày trở về" đã nói lên tất cả những nhớ thương day dứt, hoài cố của ông về nơi mình từng gắn bó từ thuở nhỏ. Đấy là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông với bao ký ức, kỷ niệm, cũng là nơi bấu víu, lắng lòng, như thể vòng tay mẹ bao dung chở che đứa con xa hay san sẻ đến tận cùng trước những vui buồn tràn đến trong đời. "Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ...". Ca khúc "Về lại phố xưa" cũng cùng ở trong cái tâm trạng đó... Trong 20 năm ấy, và cả muôn đời này, nỗi nhớ trong ông vẫn thế, để mỗi năm lại làm cuộc trở về, nghe tim mình rưng rưng trong ánh hồ Gươm, để cũng là một lần trả được chút gì cho thành phố yêu thương.


Giờ thì ông không còn ở trong cái cảnh nhớ thương day dứt, để mỗi lần như thế lại quay về như một lần trả vợi bớt món nợ ân tình với vùng đất ấy. Bởi ông đã thực sự trở về sau bấy nhiêu năm dài lãng du ở mảnh đất phương Nam. Nhưng tình yêu với Hà Nội, dù ở xa hay gần, thì vẫn ăm ắp, vẹn tròn. Bằng chứng là cuối tháng 9 vừa qua ông lại tổ chức những đêm nhạc của riêng mình với tên gọi "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang", như thêm một lần nữa tri ân với mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình.  


Vậy nên, cái danh xưng công dân thủ đô ưu tú vừa mới được trao ấy cũng là để tri ân tình yêu, những cống hiến của ông với Hà Nội, và cũng có lẽ từ cái danh xưng ấy, ông mãi sẽ còn nặng nợ với Hà Nội, mãi sẽ còn trả món nợ ân tình bằng những đêm nhạc và bằng cả đời nghệ sĩ của mình.


B.T