04:10, 03/10/2014

Hoạt động văn học - nghệ thuật có nhiều khởi sắc

Nhiệm kỳ 2009 - 2014, hoạt động văn học - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng đa dạng và phong phú, các chuyên ngành phát triển đồng đều, nhiều tác phẩm có giá trị…

Nhiệm kỳ 2009 - 2014, hoạt động văn học - nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng đa dạng và phong phú, các chuyên ngành phát triển đồng đều, nhiều tác phẩm có giá trị… Trao đổi với phóng viên, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhiệm kỳ V (2009 - 2014) cho biết:


- Từ năm 2009 đến nay, hoạt động VHNT của tỉnh liên tục phát triển, đời sống văn hóa - nghệ thuật ngày càng đa dạng và phong phú. 5 năm qua, Hội đã kết nạp 63 hội viên (HV) mới, nâng tổng số HV lên 350 người.


Trong nhiệm kỳ, Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch bồi dưỡng về chính trị, tổ chức các buổi nói chuyện về tình hình thời sự trong nước và quốc tế nhằm định hướng nhận thức và sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Để phục vụ cho việc sáng tác, lãnh đạo Hội đã ưu tiên dành kinh phí tổ chức 12 chuyến đi thực tế cho HV đến các căn cứ địa cách mạng, các di tích lịch sử tại nhiều địa phương trong toàn quốc. Hội VHNT đã phối hợp với các Nhà sáng tác thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thành công trại sáng tác với sự tham dự của 75 HV, tạo điều kiện thuận lợi để hàng chục HV các chuyên ngành tham gia nhiều trại sáng tác do các cơ quan Trung ương tổ chức. Các chi hội chuyên ngành đã chủ động tổ chức nhiều nhóm đi thực tế ở các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh và ở một số địa bàn khác trong nước, tổ chức sinh hoạt giới thiệu tác phẩm… góp phần tạo không khí văn nghệ rất sôi động.

 


Hội VHNT cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện VHNT tại Nha Trang và tham gia đầy đủ các kỳ triển lãm, liên hoan nghệ thuật do Trung ương tổ chức ở khu vực và toàn quốc như: Hội thi sân khấu, Liên hoan âm nhạc, Liên hoan ảnh nghệ thuật, Triển lãm mỹ thuật…


- Được biết, thời gian qua, Hội có nhiều công trình sáng tác, nghiên cứu đoạt giải thưởng cao. Ông có thể giới thiệu một số giải thưởng mà HV đã đạt được?


- Nhiệm kỳ qua, nhiều công trình sáng tác, nghiên cứu có quy mô lớn tiếp tục được Hội tập hợp, đầu tư xuất bản, phổ biến, trong đó có nhiều công trình được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, trong 2 năm 2009 và 2010, hưởng ứng cuộc thi sáng tác về đề tài“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy phát động, hàng trăm HV đã tham gia và nhiều người được trao thưởng. Trong 2 năm 2012 và 2013, hưởng ứng cuộc thi báo chí và sáng tác ca khúc về chủ đề “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa”, đã có trên 70 HV tham gia, trong đó nhiều người được tặng giải thưởng cao. Đặc biệt, Giải thưởng VHNT Khánh Hòa 5 năm lần thứ 2 (2006 - 2011) được tiến hành vào năm 2011 đã trao 6 giải A, 12 giải  B, 13 giải C cho các tác giả, nhóm tác giả có những tác phẩm VHNT xuất sắc.  


Từ sau Đại hội lần thứ V, Tạp chí Nha Trang tiếp tục được nâng cao chất lượng về nội dung cũng như hình thức và đã xuất bản định kỳ mỗi tháng một kỳ. Hội VHNT tỉnh cùng Tạp chí Nha Trang đã phối hợp tổ chức thành công cuộc thi bút ký năm 2010 và cuộc thi thơ năm 2011, qua đó đã trao gần 20 giải thưởng cho các tác giả đạt giải. Từ đầu năm 2013, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Tạp chí Nha Trang được tách ra khỏi Văn phòng Hội, trở thành một đơn vị báo chí hạch toán độc lập, được tăng thêm biên chế, nhờ đó tạp chí hoạt động ngày càng chất lượng hơn.


- Hoạt động của các chuyên ngành đã đạt được hiệu quả như thế nào, thưa ông?


- 5 năm qua, các chuyên ngành: Văn học, Văn nghệ dân gian, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh…đều có những thành tựu khá nổi bật. Cụ thể, các HV của chuyên ngành Văn học đã xuất bản 135 cuốn sách về nghiên cứu - phê bình, tiểu thuyết, bút ký, truyện ký, hồi ký, thơ, truyện dịch. Năm 2011, 5 nhà văn: Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Cao Linh Quân, Phong Nguyên, Xuân Tuynh đã đạt Giải thưởng VHNT Khánh Hòa 5 năm (giai đoạn 2006 - 2011). HV ở chuyên ngành Sân khấu đã có nhiều công trình nghiên cứu, lý luận và kịch bản, nổi bật là các công trình như: “Mịch Quang - kịch bản & hồi ký”; “Nghệ thuật múa qua một cách nhìn” (tác giả Văn Học); nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức với “Tác phẩm chọn lọc”… Trong các kỳ hội diễn, các nghệ sĩ đã giành được 17 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc. Đặc biệt, Chi hội Sân khấu đã có 1 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (nghệ sĩ Thu Hà) và 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (Nhật Lệ, Bích Vương và Kim Khiêm).


Chuyên ngành Văn nghệ dân gian đã hoàn thành nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian có chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn, góp phần thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Tiêu biểu như: Văn nghệ dân gian Khánh Hòa - Tuyển tập 2005 - 2010; Người Ninh Hòa kể chuyện xưa (Võ Triều Dương); Ninh Hòa - Những mảnh ghép văn hóa dân gian (Đỗ Công Quý), Khảo sát đình làng xã Vĩnh Trung; Lịch sử - văn hóa Khánh Hòa (Ngô Văn Ban)…


Lĩnh vực âm nhạc cũng rất sôi nổi. Nhạc sĩ Tố Hải đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; nhạc sĩ Hình Phước Long được tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có những tác phẩm xuất sắc viết về Trường Sa. Ngoài ra, 4 nhạc sĩ và 1 biên đạo múa được nhận Giải thưởng VHNT tỉnh Khánh Hòa 5 năm (giai đoạn 2006 - 2011).


Hai chuyên ngành Mỹ thuật - Nhiếp ảnh cũng có nhiều nét khởi sắc. Tại các triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các họa sĩ của Khánh Hòa đã giành được nhiều giải thưởng cao. Các họa sĩ đã tổ chức 10 cuộc triển lãm cá nhân trong và ngoài nước; tham gia 6 cuộc triển lãm chung tại nước ngoài; tham gia các cuộc triển lãm toàn quốc, khu vực… Lĩnh vực nhiếp ảnh hoạt động rất sôi nổi, phong trào sáng tác, tổ chức triển lãm ảnh không ngừng được đẩy mạnh. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Khánh Hòa có khá nhiều tác phẩm được triển lãm tại các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao…


- Thời gian tới, Hội VHNT tỉnh sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của VHNT tỉnh?


- Nhiệm kỳ tới, Hội VHNT tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động về mọi mặt, trong đó chú trọng phát huy tiềm năng nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật của từng cá nhân, xây dựng và cho ra đời ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị cao. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi sẽ tập trung các biện pháp: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, phối hợp chặt chẽ với các Hội chuyên ngành Trung ương, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh; tổ chức các buổi tọa đàm nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, các cuộc du khảo về nguồn nhằm tạo điều kiện cho HV tiếp cận và sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng với nội dung hướng về biển, đảo của quê hương. Đồng thời, Hội tận dụng các nguồn lực để kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, trong đó có phối hợp với các ngành tổ các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác về các đề tài mang tính chuyên ngành, chuyên đề để vừa góp phần đáp ứng nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa tạo nên sự đa dạng trong hoạt động VHNT của tỉnh… Hội cũng sẽ chú trọng đến công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng VHNT, đặc biệt là các tài năng trẻ; lập website cho Tạp chí Nha Trang để mở rộng đối tượng độc giả, mạng lưới cộng tác viên…


- Xin cảm ơn ông!

X.T (Thực hiện)