Với "Chiến thắng bằng mọi giá", nhà sử học Cecil B.Currey (Mỹ) đã khẳng định thuyết phục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thiên tài, một trong những vĩ nhân của mọi thời đại.
Với “Chiến thắng bằng mọi giá”, nhà sử học Cecil B.Currey (Mỹ) đã khẳng định thuyết phục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thiên tài, một trong những vĩ nhân của mọi thời đại.
. Thiên tráng ca về Đại tướng
Cách đây vừa tròn 1 năm, muôn triệu người dân Việt đã rơi lệ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần (ngày 4-10-2013). Trước đó, tháng 8-2013, nhân dịp 103 năm ngày sinh của Đại tướng, Nhà xuất bản Thế giới và Công ty sách Thái Hà đã ấn hành cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá của sử gia người Mỹ Cecil B.Currey, thiên tráng ca về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong hơn 450 trang sách, Cecil B.Currey đã dựng lại một cách sinh động những chặng đường lịch sử mà Đại tướng đã trải qua, từ khi còn là cậu bé ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến khi tham gia cách mạng, trở thành vị Tổng tư lệnh quân đội kiệt xuất của Việt Nam. Trong cuốn sách này, việc khắc họa, làm nổi bật những sự kiện lịch sử tiêu biểu, những bước ngoặt trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sử gia Cecil B.Currey đã có những phân tích sắc sảo, trả lời câu hỏi “Vì sao Võ Nguyên Giáp lại trở thành một thiên tài quân sự thế kỷ XX”... Sau khi dành nhiều dung lượng để phân tích về chiến dịch Điện Biên Phủ, về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, ông đã dành hẳn chương cuối “Một sự đánh giá” để đánh về tài năng quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đó, ông khẳng định Đại tướng là thiên tài quân sự vĩ đại thế kỷ XX và một trong những vĩ nhân của mọi thời đại.
Điều khiến người đọc thích thú với tác phẩm đó là sử gia người Mỹ đã không thần thánh hóa Đại tướng khi đề cập đến cả những chiến thắng lẫy lừng và cả những thất bại của Đại tướng. Theo Cecil B.Currey, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có tư duy xuất sắc, giàu óc sáng tạo; có tài chiến đấu một cách khôn khéo và đánh thắng kẻ địch nổi trội hơn, đa dạng hơn. Tri thức quân sự của Đại tướng được tích lũy trong thực tế, chứ không phải trong các viện hàn lâm quân sự. Sau những thất bại ở những trận chiến nhỏ, tướng Giáp luôn rút ra kinh nghiệm để đi đến thắng lợi lớn lao cuối cùng. “Một chiến lược gia bậc thầy là người có thể vượt qua những thảm họa tiềm ẩn, rút ra bài học sau những lần thất bại. Tướng Giáp là con người không hề thiếu những cách làm như thế”; “Những thử thách mà tướng Giáp phải vượt qua khiến ông đã trở thành bậc thầy về chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Ông sáng tạo một kiểu chiến tranh mà cả Pháp lẫn Mỹ không thể đánh thắng... Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”, sử gia người Mỹ viết. Trong tác phẩm này, Cecil B.Currey cũng đã làm sáng tỏ một số góc khuất trong cuộc đời của Đại tướng, người mà theo ông là đã “dành hết lòng yêu thương cho đất nước” và “sau đó là lòng trung thành của ông đối với Đảng Cộng sản”; “suốt cuộc đời, nghị lực của ông hướng về hai mục đích ấy”.
. Tình cảm lớn lao của sử gia người Mỹ
Cho đến nay, Chiến thắng bằng mọi giá là cuốn sách vẽ trọn vẹn nhất về chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi các tập hồi ký đã xuất bản của Đại tướng chủ yếu nói về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước qua các thời kỳ. Kỳ lạ thay, cuốn hồi ký toàn diện, được viết một cách khá trung thực và khách quan ấy lại được viết bởi một sử gia người Mỹ - đất nước đã từng thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Điều gì đã khiến Cecil B.Currey bỏ công tìm sử liệu để dựng nên chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nếu như không phải là lòng thôi thúc đi tìm sự thật về một con người nổi tiếng, là sự ngưỡng mộ với một thiên tài quân sự mà một người viết sử chân chính luôn muốn được tiếp xúc, viết nên. Trong cuốn sách của mình, sử gia người Mỹ cho biết ông đã nảy sinh ý định viết cuốn sách này khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng, trả lời phỏng vấn vào tháng 12-1988. Để viết Chiến thắng bằng mọi giá, tác giả đã đọc nhiều tài liệu về Việt Nam xuất bản bằng tiếng Anh; các văn kiện chính thức của Chính phủ; tài liệu của tình báo Pháp, Mỹ...; gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều người Việt Nam biết rõ tướng Giáp. Ông phỏng vấn những người Mỹ từng dính líu đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam để nghe họ đánh giá về người đã đánh thắng mình. Và hữu ích nhất, ông đã được Đại tướng cung cấp nhiều thông tin (dù còn hạn chế) qua thư từ. “Trên các trang viết, ông kể cho tôi nghe về gia đình, dòng tộc, quê hương, về những năm tháng đi học, về niềm say mê chủ nghĩa cộng sản từ rất sớm, về chuyện ông bị kết án tù, chuyện ông làm nghề báo - lòng căm thù thực dân Pháp khôn nguôi, ý chí quyết tâm đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam”, Cecil B.Currey kể lại. Không khó để nhận ra, đằng sau những dòng chữ ấy là tình cảm lớn lao của tác giả dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu có điều gì để không thích ở cuốn sách này thì chính là ở nhan đề của nó. Cecil B.Currey đặt tên cho cuốn tiểu sử về Đại tướng là Chiến thắng bằng mọi giá, nhưng cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như trong sách tác giả đã viết trong các trận chiến, Đại tướng đã không cố gắng giành thắng lợi bằng bất cứ giá nào, luôn hướng đến chiến thắng với sự hy sinh, tổn hại ít nhất. Bởi như Thượng tướng Trần Văn Trà từng nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một vị tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc giọt máu của mỗi chiến binh”.
THÀNH NGUYỄN