05:10, 16/10/2014

Bức tranh toàn cảnh về văn chương nữ Việt Nam đương đại

Với hơn 20 thiên truyện, tuyển tập đã hội tụ sự góp mặt của thế hệ nhà văn nữ xuất hiện vào cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX.

Với hơn 20 thiên truyện, tuyển tập đã hội tụ sự góp mặt của thế hệ nhà văn nữ xuất hiện vào cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX

Nối tiếp tuyển tập Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay, tuyển tập Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay là một tập hợp tinh tuyển từ đời sống văn học nữ đa dạng và phong phú, hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về văn chương nữ Việt Nam đương đại với những truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho các phong cách khác nhau và cách tiếp cận nghệ thuật độc đáo từ góc nhìn riêng của giới nữ.

 


Với hơn 20 thiên truyện, tuyển tập đã hội tụ sự góp mặt của thế hệ nhà văn nữ xuất hiện vào cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX: Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Trần Thùy Mai, Lý Lan, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Lập Em cho đến thế hệ mới xuất hiện từ giữa thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI với Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Phạm Thị Điệp Giang, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy.

Bên cạnh hai dòng chảy đó là sự hợp lưu của các nhà văn nữ hải ngoại xuất sắc: Mai Ninh, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Thuận, Trần Thị Ngh. Ta có thể chới với trong cảm giác đầy “Mơ hồ quyến rũ” của Trần Thanh Hà, đau đớn với những trớ trêu trong số phận khác nhau của một “Nhà có ba chị em” (Võ Thị Xuân Hà), thổn thức với những xúc cảm có thật trong cuộc sống hôn nhân với “cơn mưa cuối mùa” và chính ta lại thắp sáng hi vọng về một ngày mai với sự khởi đầu mới cùng “Sông Hậu xuôi về” (Nguyễn Lập Em), “Chim trời day dứt” (Dương Thụy) hay “Nào ta cùng lãng quên” (Nguyễn Thị Thu Huệ). Tất cả chúng ta, dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, tâm trạng nào cũng đều tìm được cho mình một tiếng nói đồng âm, một sự sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu với tất cả những gì thuộc về người phụ nữ.

Là một người say mê với “không gian văn học Việt Nam đương đại”, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã kì công tuyển chọn những họa tiết độc đáo, mới lạ, giàu có năng lượng sáng tạo nhất trong bức khảm văn chương nữ Việt Nam sinh động, là tiếng nói của phái nữ viết về/vì chính mình. Đọc, cảm nhận Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay và thấy rằng phụ nữ mãi và luôn luôn là những người cần yêu thương, chở che nhưng chính họ cũng tràn đầy sức mạnh, là nơi trở về sau tất cả để bao dung, vỗ về và tha thứ.

Tuyển tập do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc tháng 10 năm 2014.

 

Theo VOV