Ngày 6-4, bác sĩ Kiều Xuân Cư đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh về một người trí thức lịch lãm, một bác sĩ hết lòng vì người nghèo vẫn còn mãi.
Ngày 6-4, bác sĩ (BS) Kiều Xuân Cư đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh về một người trí thức lịch lãm, một BS hết lòng vì người nghèo vẫn còn mãi.
Chiến sĩ cách mạng kiên trung
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về khoa cử ở xã Diên An (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), từ nhỏ, ông Kiều Xuân Cư đã được gửi đi học trường Tây. Năm 1936, ông về Nha Trang phụ người anh họ mở hiệu sách Hướng Nhật ở đường Graffeil (nay là đường Thống Nhất, TP. Nha Trang). Được tiếp xúc với những trí thức yêu nước, tiếp nhận sách báo tiến bộ, chàng thanh niên Kiều Xuân Cư dần có cảm tình với cách mạng. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, người thanh niên ấy đã hòa mình vào dòng người đi cướp chính quyền vào ngày 19-8.
Giặc Pháp quay trở lại miền Nam, quân và dân Nha Trang đã đứng lên chiến đấu bảo vệ chính quyền non trẻ. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm tuyên truyền viên, vận động lính Nhật đang chiến đấu cho quân đội Pháp để họ không khủng bố, bắt bớ đồng bào. Khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, quân ta phải lui về tứ thôn Đại Điền (huyện Diên Khánh), ông được tổ chức phân công ở lại hoạt động nội thành để nắm bắt tin tức.
Trong thời gian hoạt động ở nội thành (giai đoạn 1946 - 1952), ông tham gia đường dây tình báo của cách mạng, đã nhiều lần bị địch bắt, đối mặt với cái chết. Lần đầu tiên vào năm 1946, ông Cư bị địch bắt vì nghi ngờ dính líu đến vụ nổ lựu đạn tại nhà ăn dành cho hạ sĩ quan ở Nha Trang. Sau 2 ngày bị giam ở đồn Khố Đỏ, lính lê dương đã đem ông cùng 8 người nữa đi bắn. Hố chôn tập thể đã được đào, may sao có sự can thiệp của Linh mục Nguyễn Văn Sồ ở nhà thờ Ngọc Hội nên ông mới được tha. Năm 1949, tình báo của ta lấy được báo cáo cuối năm của Tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải gửi Quốc trưởng Bảo Đại, ông Cư chuyển tài liệu ra căn cứ Hòn Thị (thị xã Ninh Hòa). Giặc Pháp càn quét, thu được tài liệu nên điều tra và đã lần ra “mắt xích” Kiều Xuân Cư. Tuy bị đòn roi của kẻ thù nhưng ông Cư không hề khai báo. Quá giận giữ nên tên Tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải đã ra lệnh (bằng tiếng Pháp): “Cho chúng vượt ngục!” (tức là đưa đi bắn). May sao, viên chánh tòa Nha Trang điện sang bảo phải đưa ra Tòa xét xử theo luật định. Nhờ gia đình bỏ tiền đút lót nên dù bị tội “vận chuyển tài liệu cho cách mạng”, ông cũng chỉ bị xử 2 năm tù. Năm 1952, tình báo của ta lấy được kế hoạch hành quân Atlanta, vợ chồng ông Cư đã chuyển tài liệu ra cho căn cứ ở Hòn Thị. Khi giặc Pháp vây ráp ở Hòn Thị và thu được quyển vở ghi công văn đến, công văn đi, trong đó có ghi về kế hoạch Atlanta, địch đã nghi ngờ về một đường dây tình báo nội thành của ta. Sau đó, một liên lạc viên tình báo bị bắt đã khai ra đường dây vận chuyển tài liệu. Một lần nữa, ông Kiều Xuân Cư lại bị bắt, chịu tra khảo. Vụ án được đưa vào Sài Gòn xét xử. Ông Cư bị tuyên án với tội danh “phản bội Tổ quốc” nằm ở khung hình phạt từ 5 năm tù đến tử hình. Sau khi bị tuyên án, ông Cư bị tù ở Khám Lớn, rồi chuyển sang nhà lao Chí Hòa, nhà lao Hạnh Thông Tây. Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, ông và nhiều đồng chí được trao trả ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)...
BS Kiều Xuân Cư trong lần ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tôi còn nhớ, khi kể chuyện mình đối mặt với cái chết, ông vẫn cứ điềm nhiên như không. “Mình đã là gì đâu, nhiều người còn hy sinh mất mát rất nhiều. Hoạt động cách mạng không ai suy tính gì, chỉ mơ đến ngày độc lập...”, ông nói.
Không chỉ hoạt động cách mạng, BS Kiều Xuân Cư còn có nhiều duyên nợ với báo chí. Khi báo Thắng (tiền thân của Báo Khánh Hòa) ra đời ở chiến khu Hòn Dữ, huyện Khánh Vĩnh vào đầu năm 1947, ông đã tham gia phát hành báo ở nội thành Nha Trang, gửi báo Thắng đến tay những người làm trong chính quyền của Pháp và ngụy quyền, thu thập tin tức phản hồi. Tiệm sách của vợ chồng ông Kiều Xuân Cư đã cung cấp giấy, mực charbonel in báo Thắng và báo Trait d’Union. Sau này, khi bị đi tù ở Sài Gòn, ông cùng những người bạn tù của mình đã làm báo viết tay để khích lệ nhau như những tờ báo: Nhà ngục - tiếng nói Liên đoàn tù nhân Chí Hòa (ra đời tháng 1-1954), tập văn nghệ Lửa đấu tranh (tháng 8-1954), tập thơ Căm thù... Cho đến những năm cuối đời, BS Kiều Xuân Cư vẫn giữ những tư liệu này.
Tấm lòng ở lại
Tập kết ra Bắc, theo học Đại học Y Hà Nội, ông trở thành một BS nha khoa. Suốt mấy chục năm công tác ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cũng như khi về công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, BS Kiều Xuân Cư luôn hết mình với bệnh nhân, giữ đúng lời dạy “lương y như từ mẫu” của Bác Hồ.
BS Kiều Xuân Cư còn là người sưu tập tem có tiếng. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là bộ tem về kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài tem, ông có rất nhiều tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Sau khi nghỉ hưu (năm 1989), ông tham gia sáng lập Hội Ái mộ Yersin, rồi lập Hội Từ thiện Trầm Hương. Ông dồn hết tâm sức cho hoạt động từ thiện như: vận động tiền giúp bệnh nhân nghèo mổ mắt, phẫu thuật sứt môi - hở hàm ếch; xây nhà tình nghĩa. Ông cùng các cộng sự của mình đã lội suối đi vào tận bản làng hẻo lánh, xa xôi để chụp ảnh, ghi chép tỉ mỉ từng hộ nghèo để làm hồ sơ gửi các kiều bào ở Mỹ, Úc, Canada... xin hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa. Khi có tiền, đích thân ông lựa chọn nhà thầu vì muốn những ngôi nhà tình nghĩa phải thật chất lượng. Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng 33 căn nhà cho đồng bào hai thôn Hòn Dù và A Xây (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh), dù tuổi cao, ông cùng BS Trần Lâm Cao vẫn thường xuyên có mặt để kiểm tra tiến độ. Từng theo chân BS Cư đi làm từ thiện, điều mà tôi nhận ra ở ông chính là một tấm lòng thiện nguyện. Ông không chỉ giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn nhất thời, mà còn để ý xem thế hệ sau có bị ảnh hưởng gì hay không. Ông âm thầm, lặng lẽ làm việc như cây cổ thụ tỏa bóng mát cho đời...
Giờ đây, BS Kiều Xuân Cư đã đi xa, nhưng tấm gương, tấm lòng của ông với người nghèo sẽ còn được nhớ mãi. Nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: “Với tôi, BS Kiều Xuân Cư là một người bạn lớn. Anh là người trí thức chân chính, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người thầy thuốc tận tâm, giàu lòng thương yêu người nghèo. Anh mất đi nhưng tấm lòng của anh sẽ còn được nhớ mãi ”.
XUÂN THÀNH