06:04, 02/04/2014

Mang tiếng hát đến Trường Sa

Với mỗi người lính Trường Sa, tiếng hát của các ca sĩ luôn là món quà ý nghĩa nhất mà đất liền gửi tặng. Suốt hơn 30 năm qua, các thế hệ ca sĩ ở Khánh Hòa đã đến với mảnh đất đầu sóng, cất lên tiếng hát của mình để làm ấm lòng người lính đảo. Với họ, được hát ở giữa trùng khơi là một niềm vinh dự…

Với mỗi người lính Trường Sa, tiếng hát của các ca sĩ luôn là món quà ý nghĩa nhất mà đất liền gửi tặng. Suốt hơn 30 năm qua, các thế hệ ca sĩ ở Khánh Hòa đã đến với mảnh đất đầu sóng, cất lên tiếng hát của mình để làm ấm lòng người lính đảo. Với họ, được hát ở giữa trùng khơi là một niềm vinh dự…


Ca sĩ của Trường Sa


Người nhiều duyên nợ với Trường Sa nhất chính là ca sĩ Anh Đào, giọng hát gắn liền với ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long. Cuối năm 1982, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có quyết định tách quần đảo Trường Sa từ tỉnh Đồng Nai sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh. Đầu năm 1983, tỉnh tổ chức đoàn công tác đi nhận bàn giao, ca sĩ Anh Đào cùng ca sĩ Hồng Vũ đã theo đoàn đi biểu diễn phục vụ lính đảo. “Hồi đó, chúng tôi đi bằng tàu chở nước nên rất chậm. Suốt mấy ngày lênh đênh trên biển mới đến được đảo nên ai cũng rất mệt. Thế nhưng, khi nhìn thấy những người lính đảo với nước da đen sạm, quần áo loang lổ vệt muối trắng vì giặt bằng nước biển ra đón đoàn, mọi mệt mỏi đều tan biến” - ca sĩ Anh Đào nhớ lại. Khi tàu vào Trường Sa Lớn, chị không đợi đến tối mới biểu diễn, mà về tận các phòng, các điểm chốt để hát phục vụ chiến sĩ. 30 năm đã qua, nhưng bây giờ nhắc lại, chị vẫn nhớ như in những bàn tay đen chắc, thô ráp của lính đảo cứ như níu kéo chẳng muốn rời khi bắt tay, đặc biệt là khi đoàn công tác giã từ đảo ra về.

 

Ca sĩ Thanh Thanh cùng nhạc sĩ Xuân An hát trên mâm pháo ở đảo Phan Vinh năm 1988. Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI
Ca sĩ Thanh Thanh cùng nhạc sĩ Xuân An hát trên mâm pháo ở đảo Phan Vinh năm 1988.


Năm 1988, chiến sự xảy ra ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, tình hình biển đảo rất căng thẳng. Bộ Quốc phòng tổ chức đoàn công tác ra Trường Sa để động viên lính đảo. Khi ngành Văn hóa thông báo có chuyến đi Trường Sa, nhiều người viện lý do con nhỏ, đau ốm để thoái thác. Ca sĩ Anh Đào cùng ca sĩ Thanh Thanh, nhạc sĩ Xuân An đã nhận trách nhiệm đi ra “điểm nóng”. Suốt chuyến đi, nhạc sĩ Xuân An với cây ghi-ta thùng cùng hai nữ ca sĩ Anh Đào, Thanh Thanh đã hát hết mình để phục vụ lính đảo. Họ về tận chốt, lên trên mâm pháo để hát cho chiến sĩ nghe. Nhiều khi để giấu đi cảm xúc, các chị phải vừa khâu áo cho chiến sĩ vừa hát; nhưng nhìn những người lính đen sạm vì nắng gió đang ngây người “uống” từng lời hát, chị lại nghẹn lời... Ở đảo Nam Yết, khi vừa hát xong, vào nghỉ ở nhà chỉ huy, chị mới biết Chính trị viên phó Lê Quang Vinh đang bị ốm. Anh thều thào: “Nghe nói văn công ra, tôi mong suốt cả tháng nay, nhưng tuần này sốt quá, không ra được”. Chị lau mặt cho anh, hát cho anh nghe, vừa hát lại vừa khóc... Sau chuyến đi Trường Sa lần ấy, chồng chị đã yêu cầu chị chuyển ngành; nhưng cứ nghĩ đến tình cảm những người lính dành cho mình nên chị đã không thể dứt bỏ nghiệp hát, đành để hạnh phúc dở dang. Năm 2002 và 2004, dù đã khá lớn tuổi, ca sĩ Anh Đào vẫn xung phong đi Trường Sa. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân 2004, cầu truyền hình được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, chị lại được ăn Tết cùng lính đảo. Với ca sĩ Anh Đào, nhiệt huyết vì Trường Sa luôn nguyên vẹn. Mỗi khi nhắc đến Trường Sa, chị lại xúc động, lại nhớ lần viếng mộ ở Nam Yết, nhớ lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở vùng biển Cô Lin... và biết bao kỷ niệm cùng những người lính đảo. Với những cống hiến của mình, chị được nhiều người yêu mến gọi là “ca sĩ của Trường Sa”.


Luôn mong được ra Trường Sa


Thuộc thế hệ đi sau Anh Đào, Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Liên, ca sĩ Thế Quang... cũng đã 3 lần đi biểu diễn ở Trường Sa. Kỷ niệm với Trường Sa có nhiều, nhưng điều khiến Ngọc Liên xúc động nhất là hình ảnh những người lính ngâm mình dưới nước đưa đoàn công tác vào đảo, là lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì Trường Sa ở vùng biển Cô Lin... Vất vả, say sóng, đen sạm vì nắng gió... không là gì cả đối với các nghệ sĩ, bởi tất cả đều hiểu rõ được đến Trường Sa là một vinh dự. Kỷ niệm nhớ nhất chính là lần được hát cùng các em nhỏ ở Trường Sa Lớn vào năm 2008. “Hôm đó, khi vừa lên đảo, tôi đã tỏa về các nhà dân, tập hợp các em nhỏ để tập hát cho các em. Đến tối, khi chương trình văn nghệ diễn ra, tất cả đã ngỡ ngàng khi tôi và các em thiếu nhi cùng hát bài Cho con rất ăn ý. Đây là lần đầu tiên các em nhỏ tham gia trong chương trình văn nghệ ở Trường Sa”, nghệ sĩ Ngọc Liên nhớ lại. Ở các đảo chìm như: Cô Lin, Tiên Nữ..., vì di chuyển khó, đoàn chỉ mang theo một cây ghi-ta để đệm hát. “Chúng tôi thường hát những ca khúc sôi nổi như: Hát về anh, Nối vòng tay lớn. Tiếng hát của người từ đất liền hòa vào tiếng hát những chàng lính trẻ rất vui. Hát xong, nhiều khi tặng đàn luôn cho anh em chiến sĩ...”, ca sĩ Thế Quang kể.  


Trong số những ca sĩ trẻ ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nguyễn Vũ Linh Ngọc đang giữ kỷ lục về số lần đi biểu diễn ở Trường Sa. Về đoàn năm 2008, đến nay, cô ca sĩ gốc Phan Rang này đã 4 lần đi phục vụ ở đảo xa. Hỏi chuyện, Linh Ngọc cho biết: “Lần đầu tiên đi đảo (năm 2009) em rất bỡ ngỡ, lo lắng vì hay bị say sóng. Thế nhưng ra đến đảo mới thấy những vất vả của mình chẳng là gì so với lính đảo. Tình cảm nồng ấm mà quân và dân Trường Sa dành cho các nghệ sĩ đã tiếp thêm tinh thần cho em và các đồng nghiệp”. Sau lần ấy, nữ ca sĩ của Hải Đăng đã xung phong đi phục vụ ở Trường Sa thêm 3 lần nữa. Năm 2013, khi con đầu lòng mới 5 tháng tuổi, Linh Ngọc vẫn xung phong đi biểu diễn ở Trường Sa.  


Những ngày này, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đang tích cực tập luyện để chuẩn bị đi biểu diễn ở Trường Sa. Người được đi lần đầu háo hức, người đã có kinh nghiệm cũng hồi hộp không kém; bởi với họ, được đi biểu diễn ở Trường Sa luôn là vinh dự, cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ ở xứ Trầm Hương. Các ca sĩ Đặng Hiếu, Trọng Khải (đều đã 2 lần đi biểu diễn ở Trường Sa)... vẫn đang ráo riết tập luyện chuẩn bị cho lần đi này. “Ngoài những bài hát “tủ”, chúng tôi còn có nhiều bài hát khác để giao lưu với lính đảo” - Đặng Hiếu bày tỏ.


Những năm qua, biết bao lớp nghệ sĩ của Khánh Hòa đã đến với Trường Sa. Với họ, được viết về Trường Sa, hát ở Trường Sa là một vinh dự. Cái tinh thần tất cả vì Trường Sa đã thấm nhuần và không ít người đã xem Trường Sa là máu thịt.


XUÂN THÀNH