10:04, 08/04/2014

Hướng về đất Tổ linh thiêng

Từ ngày 4-4, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã bắt đầu và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 9-4 tới với sự tham dự của 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ ngày 4-4, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã bắt đầu và sẽ kéo dài cho đến hết ngày 9-4 tới với sự tham dự của 4 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Ngay từ trước khi Lễ hội Đền Hùng chính thức được bắt đầu, chúng tôi đã thực sự cảm nhận được không khí lễ hội tại vùng đất Tổ, tâm trạng háo hức của du khách thập phương, đồng bào cả nước khi đổ dồn về đây hành hương, thắp nén nhang thơm tri ân công đức tổ tiên.


Quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc


Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức trong 6 ngày (từ ngày 5 đến 10 tháng 3 âm lịch). Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng di sản “Hát Xoan ở Phú Thọ” và di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”... Bên cạnh đó, các nghi thức truyền thống như lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương... vẫn sẽ được tổ chức.


Sáng 5-4 (tức ngày 6-3 âm lịch) trên đỉnh núi Sim và núi Vặn thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. Trước điện thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, với lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, các đại biểu và đông đảo đồng bào đã dâng hương hoa bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao của Đức Quốc Tổ đã có công khởi dựng cơ đồ, cầu mong Đức Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn. Tiếp đó, tại đền Mẫu Âu Cơ, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014 tổ chức lễ dâng hương hưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ với lễ vật gồm 100 bánh chưng, bánh dày, trầu cau, hoa quả... là lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ Âu Cơ. Sau đó là phần tế nữ do các cô gái trong trang phục truyền thống thực hiện. Sau lễ tế, các đại biểu cùng đông đảo du khách đã dâng hương tưởng nhớ Mẫu Âu Cơ có công khai thiên lập quốc.

 

Dâng hương tại lễ hội.
Dâng hương tại lễ hội.


Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng vương 2014 cho biết: “Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ theo truyền thống là để nhớ về nguồn gốc của dân tộc. Điều này thể hiện tình nghĩa đồng bào của dân tộc và giáo dục tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang chuẩn hóa những nghi lễ thờ cúng và dâng hương để làm cơ sở và chuẩn mực cho không chỉ Phú Thọ mà đồng bào cả nước và những nơi thờ cúng Lạc Long Quân, Âu Cơ và Vua Hùng có nghi lễ chung trang trọng, thể hiện sự thành kính với tổ tiên”.


Bên cạnh đó, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng 2014 cũng khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - cội nguồn đất Tổ”. Qua đó góp phần quan trọng trong việc giữ gìn quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; quá trình hoàn thành kế hoạch trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...


Cùng với các triển lãm là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về miền quê di sản”, kết nối liên tục từ quá khứ đến hiện tại với 3 phần, gồm: Đất Tổ cội nguồn, Về miền quê di sản và Rạng ngời đất Tổ. Chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Phú Thọ, đặc biệt là hai di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Nhiều nét mới


Mùa lễ hội năm nay, ngoài việc duy trì những chương trình trong phần lễ, phần hội như truyền thống, tỉnh Phú Thọ cũng lồng ghép nhiều nét mới, trong đó, điểm nhấn là phần nghi thức sinh hoạt cộng đồng gắn với chủ thể nhân dân - rước kiệu dâng lễ vật của các địa phương vùng ven di tích. Tại các địa phương - nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương - cũng sẽ tự tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tại tất cả 73 điểm di tích, cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tại Đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng (từ 7 giờ ngày 10-3 năm Giáp Ngọ) theo nghi lễ truyền thống chung.


Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du khách hành hương về với nguồn cội, từ nhiều tháng trước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tiến hành tu bổ, tôn tạo cảnh quan, trồng bổ sung hoa, cây cảnh tại khu vực sân trước cổng đền chính; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bảo đảm chất lượng một số hạng mục công trình kịp thời phục vụ lễ hội...


Bên cạnh đó, để bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, Khu di tích đã bố trí các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại các đền chùa thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về dâng hương thực hành các nghi lễ tín ngưỡng theo truyền thống của dân tộc và quy định của Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn các hiện tượng bán hàng rong, mê tín, bói toán, cúng và đốt vàng mã trong khu vực di tích...


Với sự chuẩn bị chu đáo, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014 hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.


G.C (Tổng hợp)