10:04, 03/04/2014

Hệ thống thiết chế văn hóa ở Khánh Sơn: Vừa thiếu, vừa yếu

Vừa thiếu, vừa yếu là thực trạng chung của hệ thống thiết chế văn hóa ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) hiện nay. Đây thực sự là vấn đề nan giải của huyện để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Vừa thiếu, vừa yếu là thực trạng chung của hệ thống thiết chế văn hóa ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) hiện nay. Đây thực sự là vấn đề nan giải của huyện để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.


Hoạt động chưa đồng bộ


Đến thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp), chúng tôi được già làng Cao Sa Nhân dẫn đến ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Raglai mà ông đã đứng ra vận động người dân trong thôn chung tay xây dựng. Qua 10 năm tồn tại, đây là nơi sinh hoạt của người dân trong thôn vào mỗi dịp lễ, Tết, những ngày vui của làng. “Trước đây, tôi thấy bà con thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, nên đã bàn với mọi người góp công, góp của xây dựng ngôi nhà này. Thấy được tâm huyết của dân làng, huyện hỗ trợ thêm một phần kinh phí, bà con mừng lắm...”, già làng Cao Sa Nhân cho biết.


Được xây dựng từ năm 2004, với diện tích 100m2, tận dụng nguyên vật liệu có sẵn nên chi phí làm ngôi nhà khi ấy chỉ hết khoảng 10 triệu đồng. Qua thời gian sử dụng, nhiều bộ phận của ngôi nhà đã mục nát và đã được sửa chữa 1 lần với chi phí 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện trạng ngôi nhà đang bị xuống cấp, cầu thang lên nhà mục gãy, mái tranh dột nát... Bên trong nhà, ngoài những tấm bằng công nhận làng văn hóa được treo trên vách, không có “nội thất” nào khác.


Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, đến thời điểm này, huyện đã đầu tư 34 thiết chế văn hóa. Trong đó, cấp huyện có 3 công trình gồm Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Thư viện huyện, Nhà thi đấu đa năng; cấp xã có 2 công trình: Nhà văn hóa (NVH) xã Ba Cụm Nam, NVH xã Sơn Lâm (toàn huyện có 8 xã, thị trấn); cấp thôn có 29 công trình (toàn huyện có 30 thôn, tổ dân phố) gồm 24 nhà sinh hoạt cộng đồng và 5 nhà dài truyền thống. Xem xét một cách kỹ lưỡng, đa số các điểm sinh hoạt văn hóa mới chỉ được đầu tư xây dựng bên ngoài, còn thiếu trang thiết bị như hệ thống âm thanh, bàn ghế... Ngay Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động vẫn chưa đồng bộ, trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên còn hạn chế. Thực trạng này khiến nội dung, hình thức các buổi sinh hoạt dành cho thanh thiếu niên trở nên kém hấp dẫn, không thu hút được bạn trẻ tham gia. Còn với các NVH xã, thị trấn, về số lượng mới chỉ có 2 cái, nhưng chỉ có NVH xã Ba Cụm Nam đi vào hoạt động, còn NVH xã Sơn Lâm xây từ năm 2012 đến nay vẫn để vậy; các xã, thị trấn khác thậm chí chưa có NVH. Thực trạng trên cho thấy các hoạt động văn hóa không được diễn ra thường xuyên, liên tục; chất lượng và hiệu quả chưa cao.

 

Ngôi nhà dài truyền thống ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) đang bị xuống cấp.
Ngôi nhà dài truyền thống ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) đang bị xuống cấp


Cần nguồn kinh phí lớn


Đến nay, huyện Khánh Sơn vẫn chưa có nhà thiếu nhi, nên các chương trình, nội dung hoạt động thuộc chức năng của nhà thiếu nhi lâu nay vẫn do Huyện đoàn đảm nhiệm. Mỗi năm, các em thiếu nhi được tham gia các hoạt động vào dịp 1-6, rằm Trung thu và một số ít hoạt động vui chơi khác. Còn khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi toàn huyện mới chỉ có 1 điểm là công viên thiếu nhi xã Sơn Bình. Khu vui chơi này được xây dựng từ năm 2002, diện tích hơn 2.300m2, có 4 cầu trượt, 2 đu quay, tổng vốn đầu tư 240 triệu đồng. Tuy nhiên, các thiết bị trò chơi quá ít, đơn điệu và đã bị xuống cấp nên các em thiếu nhi không vào đây chơi. Hiện tại, xã Sơn Bình đã giao khu công viên này cho Trường Mầm non Vành Khuyên của xã quản lý, sử dụng.


Với hiện trạng như thế, để có thể hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một vấn đề nan giải của huyện Khánh Sơn. “Sơn Bình là một trong những xã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đạt được 11 tiêu chí. Trong số 8 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Tiêu chí này rất khó hoàn thành vào năm 2015”, ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết. Theo dự kiến đầu tư của xã Sơn Bình, đến năm 2018, xã sẽ tiến hành xây mới các công trình: NVH xã, NVH 2 thôn Liên Bình, Xóm Cỏ; nâng cấp NVH thôn Kô Lak. Theo ông Phạm Văn Hợp - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, việc triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện tuy nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, nhưng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cấp trên nên các thiết chế văn hóa trên địa bàn ít được đầu tư xây dựng. “Để đạt được tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, cần một nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực của địa phương có hạn, lại phải tập trung ưu tiên cho các hạng mục công trình trọng điểm nên theo dự báo của chúng tôi, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khó có thể hoàn thành tiêu chí này theo đúng tiến độ đề ra”, ông Phạm Văn Hợp chia sẻ.


Nhân Tâm