10:03, 07/03/2014

Nhà thơ Hoàng Cầm - Tình này xin xẻ làm đôi

Nhắc đến nhà thơ Hoàng Cầm, người ta không thể không nhắc đến bài thơ "Bên kia sông Đuống" được đưa vào chương trình sách giáo khoa THPT, cũng như hình tượng chiếc lá Diêu Bông trong bài thơ cùng tên, niềm cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này.

Nhắc đến nhà thơ Hoàng Cầm, người ta không thể không nhắc đến bài thơ “Bên kia sông Đuống” được đưa vào chương trình sách giáo khoa THPT, cũng như hình tượng chiếc lá Diêu Bông trong bài thơ cùng tên, niềm cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này. Đó cũng là 2 mạch cảm xúc chính của thơ Hoàng Cầm - mối tình si dại với người chị được viết hoa, và vùng quê Kinh Bắc luôn nặng tình trong tác phẩm của ông.


Hơn chục năm trước, tôi như ngẩn ngơ trước tứ thơ rất lạ trong một bài thơ viết theo thể tự do rất khoáng đạt: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/Chị đi tìm/Đồng chiều/Cuống rạ/- Chị bảo: Đứa nào tìm được lá Diêu Bông/Từ nay ta gọi là chồng... Chính cái ngẩn ngơ ấy đã khiến tôi “bỏ” Xuân Quỳnh mà chọn Hoàng Cầm - tác giả của những câu thơ ấy - cho luận văn tốt nghiệp của mình. 6 tháng “ăn ngủ” với thơ Hoàng Cầm, nghiền ngẫm cả gần 160 bài, từ nội dung cho đến nghệ thuật... nhưng cuối cùng, đọng lại vẫn không ngoài những gì người ta hay nói và biết về ông - một thi sĩ đa tình và người con nặng tình của vùng quê Kinh Bắc.


Vì thơ là tinh túy cõi thật người


Trong bài “Đôi dòng tâm tưởng về thơ”, Hoàng Cầm từng chiêm nghiệm rằng, thơ là tinh túy cõi thật người. Có lẽ vì cõi tinh túy ấy mà trên thi đàn chẳng ai như Hoàng Cầm, 2 bài thơ để đời của ông: “Bên kia sông Đuống” và “Lá Diêu Bông” đều có “nguồn gốc” kỳ lạ rất giống nhau: từ một giọng đọc nhỏ nhẹ của ai đó vẳng đâu bên tai trong những đêm thanh vắng, cứ thế ông ghi lại, từ đó mà bật lên thành thơ - một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Có lẽ vì thế mà ông chọn cho thơ mình thể loại tự do là phần lớn, để cho ngòi bút tự tuôn chảy theo mạch cảm xúc không ngừng nghỉ.

 


Có thể nói, cái tinh túy ấy đã giúp ông đứng vững trên thi đàn mà không cần nhìn lại loạt tác phẩm khác của ông, trong đó có cả kịch thơ nổi tiếng: Hân Nam quan, Kiều Loan. Có lẽ chưa có bài thơ nào như “Lá Diêu Bông”, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đến thế, đến nhạc sĩ Trần Tiến cũng lấy hình ảnh lá Diêu Bông đưa vào trong ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” nổi tiếng. Liên quan đến bài thơ này lại có giai thoại rằng, có cô giáo dạy văn nghỉ hưu sớm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Hồ Chí Minh) lấy tên Diêu Bông đặt cho quán của mình. Sau đó, chuyện đến tai Hoàng Cầm, ông nhờ bạn đến xem thử. Thế là cô giáo ấy làm hẳn một bài thanh minh với Hoàng Cầm rằng cô không phải muốn lợi dụng cái tên bài thơ mà là do thông cảm với người trong cuộc. Hay với bài thơ “Bên kia sông Đuống”, thơ đã dài, xuất xứ của nó cũng dài đến 4-5 trang. Đây là bài thơ tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được nhiều nhà viết văn ưa thích và bình luận, trong đó có bài bình sâu sắc của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (tác phẩm “Bình luận văn học”, Nhà xuất bản Khánh Hòa). Tất cả những gì tinh túy nhất của ông là ở đấy cả. Thế mới có hẳn cuốn sách “Hoàng Cầm - nhà văn trong nhà trường” (Nhà xuất bản Giáo dục) nói về các tác phẩm nổi bật của ông, trong đó có cả xuất xứ ra đời, đến các câu chuyện giai thoại do người trong cuộc kể.


Âu đó cũng là điều đáng để ông tự hào khi có đến 2 bài thơ để đời được độc giả nhớ tới.


Chị một bên và quê hương một bên

 


Thực ra, trong thơ Hoàng Cầm vẫn có một mảng thơ tình với chủ thể anh - em, nhưng hầu như người ta chỉ nhớ đến cái giấc mơ đi tìm chiếc lá hư hư thực thực của gã trai 12 tuổi với người chị viết hoa và một trái tim yêu đến mê đắm quê hương. Hai mạch cảm xúc ấy luôn bàng bạc, phảng phất trong suối nguồn thơ ấy và cũng là cuộc đời ông. Mối tình chị - em ấy, Hoàng Cầm cách điệu nó bằng cách viết hoa trong tác phẩm của mình. Đâu chỉ có bài “Lá Diêu Bông”, 2 hình tượng viết hoa em và chị được ông nhắc đi nhắc lại nhiều. Ở tập thơ 99 tình khúc (Nhà xuất bản Văn học 1999), ông đưa hẳn thời 1 - Chị và em ở đầu tập, với 10 bài: Chị em xanh, Cây tam cúc, Cỏ Bồng Thi, Quả vườn ổi, Gọi đôi, Nước sông Thương... Một hình tượng chị đã được nghệ thuật hóa, lý tưởng hóa: Chị bảo/- Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông/Từ nay ta gọi là chồng (Lá Diêu Bông). Còn em tượng trưng cho nỗi khắc khoải của tâm hồn thi sĩ: Em mười hai tuổi đi tìm Chị/Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/đi… ngày tháng lụi/tìm không thấy/Dải yếm lòng trai mãi phất cờ (Quả vườn ổi); Ù ù gió thổi/Em vọng ai đâu mà hóa đá (Cỏ Bồng Thi)... Cũng ở tập này, ngay trang đầu tiên, ông đề rằng “thành kính dâng lên những hồn người đã gợi ra những nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu trong tập thơ”, bên dưới là 13 cái tên phụ nữ - niềm cảm hứng trực tiếp cho thơ ông từ năm 1934 đến 1992. Chỉ là, lá Diêu Bông lại là bi kịch ngàn đời của con người, là mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Chính ông đã chỉ ra mâu thuẫn đó, vì đó là thứ lá chỉ có trong tưởng tượng của nhà thơ, mang một hàm ẩn khác. Em của thuở mười hai cứ mải miết đi tìm, tìm được rồi Em cầm chiếc lá/đi đầu non cuối bể/gió quê vi vút gọi/Diêu Bông hời… ới... Diêu Bông…

 

Hoàng Cầm (1922 - 2010) tên thật là Bùi Tằng Việt, quê huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Lá Diêu Bông, Bên kia sông Đuống, Tình khúc 99, Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc (thơ), Hận Nam quan, Kiều Loan (kịch thơ)… Ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Ngoài mối tình trong tâm tưởng ấy, người đọc không thể không nhắc tới cái nôi văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Ngoài “Bên kia sông Đuống” đã nổi tiếng, vùng quê Kinh Bắc cứ hiện lên lấp lánh trong nhiều bài thơ, nổi bật là trường ca Tiếng hát quan họ, mà ngay từ đầu ông viết rằng: Tôi người làng quan họ/Quê mẹ bên này sông/Cách quê cha một dòng sông nước trắng (Khúc 1). Quả thực, đọc thơ ông, ta như bắt gặp những vẻ đẹp lấp lánh của một vùng quê cổ kính và nho nhã. Ông không tả thực một vùng quê trong thực tế mà thể hiện một nền văn hóa Kinh Bắc bất tử trong tâm tưởng ông. Từ hội hè đình đám truyền thống: Hội Gióng, hội Phù Khê, thi đánh đu, thi hát đúm; đến những làng nghề truyền thống: gạch Bát Tràng, tranh Đông Hồ, phẩm Huệ, the Hà Đông, những đặc trưng của khói Yên Thế, sương cầu Lim, váy Đình Bảng. Chẳng hạn: Về đây/ta đón xuống lòng tay ấm lạnh giếng thơi/vắt giọt giọt mồ hôi từ tóc rậm vua Hùng thứ nhất/vắt giọt giọt sữa dâng từ ngực vồng Trưng Triệu ra quân/xõa mái tóc người con gái quê gội hương nhu/vắt giọt giọt trăng hè xuống sân đất trắng/tiếng võng ru con đi mãi bốn nghìn năm tiếng hát Bát Tràng thu… (Gọi men). Cả đến cuộc sống bình dị của làng quê với tất cả hương sắc của nó: nào rặng tre, cây đa, bến sông, ổ rơm, nào ngô lúa, sân hội tháng giêng, tiếng hát quan họ... Hầu như bài nào ông cũng khơi dậy cái gì đó rất Kinh Bắc, như ám ảnh, như khơi nguồn cho mạch cảm xúc của thơ ông. Trong loạt bài thơ Đêm Thổ, Đêm Mộc, Đêm Kim, Đêm Thủy, Đêm Hỏa, ông cũng bắt đầu lần lượt bằng: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc, Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc, Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt... Có cảm giác như tâm hồn thi sĩ vượt qua khoảng cách không gian và thời gian về tìm làng xóm quê hương, đánh thức dậy một đời sống đã xa ở bên con sông Đuống. Nói Hoàng Cầm hoài cổ cũng chẳng có gì là lạ, như kiểu thi sĩ Trần Dần gọi ông là “nhà tân cổ điển”. Chính vì vậy mà nhiều người nhận xét rằng thơ Hoàng Cầm chính là một điệu quan họ, mang giọng điệu quan họ từ trong bản chất, ông như đã nhập hồn thơ mình vào chiều sâu văn hóa Việt...


Còn ông thì nhận mình là thi sĩ đa tình. Nói như lý lẽ của ông, nếu không có cái đa tình ấy thì cũng không có lá Diêu Bông, không có thơ Hoàng Cầm. Thế nên, cũng xin cảm ơn cái đa tình ấy, để người đời sau còn nhớ đến hình ảnh một gã trai cầm chiếc lá Diêu Bông đem theo mối tình si dại của mình gọi chị nơi đầu non cuối bể...


B.T