04:02, 18/02/2014

Lính đảo làm thơ

Những bài thơ có thể gieo vần chưa chuẩn, nối nhịp chưa hay, nhưng càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi sự mộc mạc, chân chất trong tâm hồn của những người đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Những bài thơ có thể gieo vần chưa chuẩn, nối nhịp chưa hay, nhưng càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi sự mộc mạc, chân chất trong tâm hồn của những người đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.


Đến các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những tờ báo tường được thực hiện công phu và treo trang trọng tại hội trường hoặc phòng đọc sách của đảo. Trong mỗi tờ báo tường có đủ các thể loại: xã luận, châm ngôn, truyện cười, ca khúc... và đặc biệt không thể thiếu những vần thơ. Thơ của những người lính Trường Sa được làm ngẫu hứng, có thể là khi đang bồng súng đứng gác, cũng có khi là phút giải lao trong giờ huấn luyện, hay những lúc lao động, sinh hoạt cùng đồng đội. Các anh làm thơ về quê hương, biển, đảo, mùa xuân, tình yêu, niềm tin son sắt với Đảng, Bác Hồ, hay đơn giản hơn là về chính cuộc sống của các anh trên đảo. Thiếu tá Trịnh Công Lý - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn cho biết: “Thơ ca đối với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa vừa là người bạn, vừa là phương tiện để giãi bày tâm sự, làm vui cuộc sống, vừa là tiếng lòng của mỗi người”.


Đọc thơ của những người lính Trường Sa, người ta thấy được ý chí, quyết tâm bảo vệ biển, đảo của mỗi người. Trường Sa Tổ quốc của ta/Vì bao thế hệ mà ra sức bền/Giữ cho đất nước bình yên/Cho mùa xuân mới đoàn viên mọi nhà, (Mùa xuân dâng Đảng của tác giả Thanh Tú - đảo Sinh Tồn). Đây cũng là tâm nguyện của những người lính hôm nay trước nhiệm vụ được Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao cho. Người lính hải quân lần đầu ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, giữa biển trời mênh mông ngày đêm rì rào tiếng sóng vỗ, bỗng có những giây phút hướng về đất liền, và hình ảnh người mẹ hiền thân yêu lại hiện ra trong tâm tưởng: Mẹ sinh con trên bờ cong chữ S/Bài hát ru theo tiếng võng đò đưa/Lời mẹ êm thiết tha tình biển gọi/Võng tròng trành theo nhịp tàu đong đưa (Mẹ ơi biển gọi - tác giả Anh Vũ, đảo Sinh Tồn). Có người lính khi nhận nhiệm vụ ở Trường Sa vẫn không quên lời dặn dò: Ba đi công tác Trường Sa/Con nghe lời mẹ chăm bà, chăm ông/Trường Sa xa giữa biển Đông/Nhưng gần trong một tấm lòng nước Nam (Tặng con yêu - tác giả Hữu Thường, đảo Nam Yết).

 

Báo tường - nơi in những vần thơ của người lính Trường Sa.
Báo tường - nơi in những vần thơ của người lính Trường Sa.


Đến với đảo xa, gắn bó lòng mình với đảo nên mọi cảnh vật, sinh hoạt trên đảo đã thấm vào trái tim người lính, trở thành nỗi nhớ, niềm thương. Một tiếng chuông chùa nơi đảo nhỏ gợi cảm giác yên bình, thân thuộc để các anh viết nên những dòng thơ giàu suy tư. Tiếng chuông trên đảo Sinh Tồn/Mang mang cõi Phật, muôn muôn cõi Người/Mênh mông biển, bao la trời/Mái chùa thân thuộc mặn đời hiện ra/Trường Sa bỗng hóa quê nhà/Cầu kinh tiếng mõ gần xa sớm chiều (Chuông chùa - sáng tác Mai Tuyền, đảo Sinh Tồn). Những hình ảnh trong thơ của người lính Trường Sa thật gần gũi nhưng rất sinh động. Những bông mướp vàng, bông muống biển trắng, ngọn mùng tơi từ hoạt động tăng gia sản xuất cũng đi vào thơ thật tự nhiên: Trập trùng sóng, trập trùng mây/Giữa bao la biển, ô hay lòng mình/Cũng vàng hoa mướp rung rinh/Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/Mùng tơi ra với Trường Sa/Lá xanh quấn quýt như là đợi em… (Làng đảo - sáng tác Hoàng Văn Hùng, cụm chiến đấu 2, đảo Song Tử Tây).


Đề tài tình yêu cũng vô cùng phong phú, sinh động trong thơ của những người giữ đảo. Đó có thể là niềm thương về mối tình học trò chưa dám ngỏ: Lính đảo nói rằng lính đảo thương/Một cô bạn học buổi tan trường/Mắt như tiên nữ sa trần thế/Mái tóc vương mềm thơm thoảng hương (Tình yêu lính đảo - một chiến sĩ ở Phân đội 85, đảo Sinh Tồn). Khi tình yêu đến, người lính cũng có những ước mong thật giản dị, nhưng cũng rất lãng mạn: Ước gì em đến Trường Sa/Mùa hoa bàng nở la đà hương bay/Gốc bàng vuông tay trong tay/Lắng nghe tiếng sóng mê say tự tình (Viết dưới cây bàng vuông - sáng tác Vũ Lâm Thao, cụm chiến đấu 1, đảo Song Tử Tây). Nơi đảo xa, người lính gửi lòng mình vào trong những hình ảnh thân thuộc của đảo: Anh muốn gửi cho em hoa lá Trường Sa/Cây phong ba, hoa bàng vuông trắng tím/Cây của đảo hiên ngang muôn trùng sóng/Hoa dịu dàng như em ở hậu phương (Gửi em - sáng tác Lâm Tình, đảo Song Tử Tây). Trong tình yêu của người lính đã có sự hòa chung giữa tình yêu lứa đôi với tình yêu quê hương. Những tình cảm ấy đã cùng hun đúc nên quyết tâm hành động của mỗi người chiến sĩ: Tuổi thanh xuân đến với đảo xa/Nơi cửa ngõ tuyến đầu Tổ quốc/Có tình em mùa xuân bên cột mốc/Có cả tình quê trên mỗi đảo xa (Tình yêu biển đảo - sáng tác Vũ Hải, đảo Sinh Tồn)...


Đọc những vần thơ của lính đảo Trường Sa, chúng tôi cảm nhận các anh không chỉ bản lĩnh, vững vàng trong nhiệm vụ canh gác biển, đảo quê hương mà trong mỗi người, tâm hồn vẫn luôn lãng mạn, lạc quan yêu đời.


NHÂN TÂM