Tình trạng thiếu vắng phim nghệ thuật lâu nay vốn không phải là mới đối với điện ảnh Việt. Nhất là tại Liên hoan phim 18 vừa qua, số lượng phim đông đảo nhưng phim nghệ thuật thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tình trạng thiếu vắng phim nghệ thuật lâu nay vốn không phải là mới đối với điện ảnh Việt. Nhất là tại Liên hoan phim 18 vừa qua, số lượng phim đông đảo nhưng phim nghệ thuật thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điều đó chỉ ra thực trạng hiện nay dòng phim nghệ thuật của Việt Nam đang ngày một cạn dần, thiếu dần và yếu dần. Câu hỏi đặt ra là, bây giờ ai làm phim nghệ thuật, và phim nghệ thuật dành cho ai xem?
Diễn viên kỳ cựu Nguyễn Chánh Tín từng thẳng thắn chia sẻ: “Bây giờ, việc làm phim nghệ thuật nằm ngoài khả năng của phần lớn các nhà làm phim tư nhân, bởi vì một lý do rất đơn giản là vốn đầu tư lớn trong khi khó thu hồi vốn. Hiện tại, mỗi bộ phim cần phải đầu tư khoảng 5 - 10 tỷ đồng, một con số khổng lồ, nói đúng hơn là cả một gia tài đối với bất cứ ai. Làm phim nghệ thuật cầm chắc khả năng thu hồi vốn khó khăn hơn nhiều so với làm phim thương mại, cho nên phim thương mại, giải trí vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà làm phim tư nhân”.
Theo diễn viên Chánh Tín, làm phim nghệ thuật đầu tư tiền cao quá, rạp thì không đủ chiếu. Một khi đầu ra khó khăn thì nhà làm phim phải tính toán, cân nhắc kỹ càng để có thể đầu tư tiếp, nuôi sống được những bộ phim về sau. Chính vì thế, chất lượng phim cũng không bằng ngày xưa, và ngày càng chạy theo thị hiếu bình thường của khán giả, dần dà mất đi tính nghệ thuật. Những nhà làm phim dũng cảm nhất cũng phải phối hợp giữa hai loại nếu có khả năng, chứ không hoàn toàn theo phim nghệ thuật. Làm một bộ phim thua là mất đến 5 - 7 tỷ đồng. Người ta thấy mình làm phim thua lỗ đến 5 - 7 tỷ đồng cũng không ai dám đầu tư. Đời người để dành được 5 - 7 tỷ đồng đâu phải chuyện đùa.
Một cảnh trong phim “Đường đua”. |
Chia sẻ về vấn đề kinh phí cao, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, gần đây đã chuyển sang làm nhà sản xuất, cho biết: “Hiện nay, gần như mới chỉ có Nhà nước đầu tư làm phim nghệ thuật, còn tư nhân gần như đứng ngoài, có tham gia cũng rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Nếu như mỗi bộ phim thương mại của điện ảnh tư nhân làm, được đầu tư đến 25 tỷ đồng (như Thiên mệnh anh hùng), thì phim nghệ thuật được Nhà nước đầu tư thấp hơn số đó rất nhiều. Với những phim chúng tôi làm, thường chỉ được đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ đồng là nhiều, trừ những phim đặt hàng lớn, như Điện Biên Phủ. Chỉ tính riêng tiền làm kỹ xảo, đã không thể đủ xoay xở với chừng đó tiền. Như thế, dù làm phim kiểu gì chúng ta cũng thua”. Ông nói thêm: “Về mặt con người, tôi thấy thực ra hệ thống các hãng phim Nhà nước vẫn đang còn quản lý được một đội ngũ tương đối tốt trong vòng từ 5 - 10 năm nữa, nhưng sau đó, tôi hoàn toàn nghi ngờ. Hệ thống phát triển của chúng ta phải theo hình kim tự tháp, phải có mũi nhọn, bây giờ chúng ta đang theo hình chữ nhật. Hình chóp đi nhanh, sâu và xa hơn rất nhiều. Hệ thống đào tạo của chúng ta hiện nay đang rất rộng nhưng thiếu đỉnh. Mà yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một bộ phim nghệ thuật”.
Hiện tại, hệ thống rạp ở trong nước cũng phát triển không đồng đều. Các thành phố lớn, trung tâm có khá nhiều rạp đạt tiêu chuẩn, nhiều lựa chọn cho khán giả. Tuy nhiên ở nông thôn, các vùng sâu vùng xa, hệ thống rạp gần như “ngủ quên”. Những năm gần đây, mặc dù đã phần nào thâm nhập được vào hệ thống các rạp chiếu lớn, phim Việt cũng vẫn phải khá khó khăn, trầy trật khi “chiến đấu” với hàng loạt phim nhập khẩu hấp dẫn hơn cả về mặt hình thức, nội dung lẫn cách thể hiện. Cuộc chiến không cân sức giữa phim nội và phim ngoại vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày, hàng giờ ngoài rạp. Trong bối cảnh đó, khó khăn của phim nghệ thuật càng tăng lên.
Đúng như Nguyễn Chánh Tín nói, làm phim nghệ thuật đã vất vả, việc tìm đầu ra lại còn vô cùng khó khăn và rất dễ gây nản lòng bất cứ nhà làm phim kiên trì nào. Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy là một thí dụ. Được giới thiệu, PR khá tốt trước khi ra rạp, tuy nhiên các suất chiếu của Đường đua khá thưa vắng, và bộ phim nhanh chóng rời khỏi lịch chiếu của các rạp một cách lặng lẽ.
Ít ra, Đường đua còn ra đến rạp. Nhiều bộ phim nghệ thuật khác hầu như rơi vào tình trạng “làm xong, xếp kho”. Lạc lối của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang hoàn thành từ năm 2012, giành giải Cánh diều bạc 2012 và Bông sen bạc 2013, nhưng vẫn chật vật tìm lối ra rạp. Nhiều phim khác, thậm chí được đầu tư đình đám và được đánh giá cao cả trong truyền thông lẫn giới chuyên môn, như: Đừng đốt, Mùi cỏ cháy... gần như chỉ được chiếu miễn phí trong các dịp tuần phim, tuyên truyền...
Mới đây nhất, Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được đánh giá là có nhiều tiến bộ so với những phim cùng thể loại khác, vừa giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim 18. Bùi Tuấn Dũng thổ lộ rằng, anh sẽ cố gắng để đưa được bộ phim ra rạp. Tuy nhiên, ai cũng biết, phía sau mong muốn đó là cả một chặng đường dài, đầy ắp những khó khăn...
TUYẾT LOAN (Nhân dân)