Tôi từng có dịp gặp và trò chuyện với Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương - người thể hiện rất thành công nhân vật A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ. Chàng A Phủ năm xưa giờ đã hơn 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng nét cường tráng, đẹp trai ngày nào vẫn còn hiển hiện trên vóc dáng vạm vỡ và đôi mắt lấp lánh…
Tôi từng có dịp gặp và trò chuyện với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Phương - người thể hiện rất thành công nhân vật A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ. Chàng A Phủ năm xưa giờ đã hơn 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng nét cường tráng, đẹp trai ngày nào vẫn còn hiển hiện trên vóc dáng vạm vỡ và đôi mắt lấp lánh…
A Phủ trong tôi
Đến bây giờ, tôi không nhớ mình đã xem phim Vợ chồng A Phủ (kịch bản Tô Hoài, đạo diễn Mai Lộc) bao nhiêu lần, chỉ nhớ rằng lần đầu tiên xem phim là vào một ngày Tết rét mướt từ khi còn rất nhỏ. Từ ngày ấy, tôi đã yêu mến chàng A Phủ gan dạ dám đánh lại con nhà quan. Lớn lên chút nữa, tôi lại hiểu thêm ý tứ mà những người làm phim đã gửi gắm qua cặp đôi nhân vật A Phủ - Mỵ, 2 cá nhân đại diện cho lớp người bị áp bức bóc lột dưới chế độ thực dân phong kiến, đã phản kháng một cách mạnh mẽ. Cùng với đó, những thước phim về trò chơi dân gian, tiếng sáo Mèo dìu dặt với những lời ca tha thiết ân tình của “Bài ca trên núi” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) qua tiếng hát của nghệ sĩ Kiều Hưng đã gieo vào lòng tôi tình yêu đất và người Tây Bắc. Lòng tôi vẫn thầm mơ một ngày nào đó sẽ lên Tây Bắc để ngắm ruộng bậc thang, nghe đồng bào kể chuyện về A Phủ... Thế nhưng, khi điều đó chưa thành hiện thực, tôi đã được gặp “A Phủ”! Đó là khi NSND Trần Phương - người đóng vai A Phủ - vào Nha Trang làm giám khảo tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 28.
Cảnh phim “Vợ chồng A Phủ”. |
Hơn 50 năm đã qua, chàng A Phủ năm xưa nay mái đầu đã bạc trắng. Nhắc lại chuyện xưa, NSND Trần Phương hào hứng hẳn lên, ký ức lại hiện về như một cuốn phim quay chậm. “A Phủ là vai diễn đầu tiên trong đời làm phim của tôi...”. Nghe ông nói mà tôi sững cả người bởi không ngờ một vai diễn ấn tượng đến vậy lại là vai đầu tay của một người nghệ sĩ. Nhưng rồi, khi nghe ông kể chuyện làm phim mới thấy thành công ấy không hề là sự ăn may. Làm phim Vợ chồng A Phủ (năm 1961), đoàn làm phim đã mất hơn nửa năm để chuẩn bị. Để có kinh nghiệm diễn xuất, đạo diễn Mai Lộc đã dẫn ông và Đức Hoàn (người đóng vai Mỵ) lên bản Tà Sùa (Bắc Yên, Sơn La), nơi xảy ra câu chuyện Mỵ - A Phủ để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người Mông. “Là con gái Hà Nội nhưng chị Đức Hoàn cũng phải lên nương làm lụng, hàng ngày phải đi gùi nước xa hàng mấy cây số đường rừng về bản. Một thời gian sau, nhìn chị giống như cô gái Mông, từ cách đi cho đến điệu bộ ăn nói hàng ngày...”, nghệ sĩ Trần Phương kể.
Riêng chàng diễn viên Trần Phương lại được nhà văn Nguyễn Tuân “truyền nghề” bằng những gợi ý rất tinh tế. Chuyện là khi gặp Trần Phương cùng đoàn làm phim đi thực tế, nhà văn họ Nguyễn hỏi: “Cậu hiểu gì về A Phủ?”. Bị hỏi bất ngờ, Trần Phương trả lời đầy tính sách vở: “A Phủ là một người dân nô lệ sống dưới ách áp bức thực dân phong kiến, anh đã đứng dậy giải phóng mình và đồng bào”. Nhà văn Nguyễn Tuân cười và bảo: “Đấy là cách hiểu của nhà chính trị. Chú mày chỉ cần biết thằng A Phủ đi làm nương như thế nào, thổi khèn như thế nào, tán gái như thế nào, tại sao dáng đi người cứ bổ về phía trước... để người Mông xem không thấy chú mày diễn rởm thôi”. Câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân đã gợi mở cho Trần Phương cách hóa thân vào nhân vật. Hàng tháng trời, ông tập cưỡi ngựa không yên, tập làm nương... đến bầm dập cả người. Nhờ vậy, ông vào vai A Phủ rất “ngọt”, phim quay xong ông đã trở thành một chàng trai người Mông thực thụ...
Lối rẽ vào nghề...
Dường như Trần Phương sinh ra để làm nghệ sĩ, dù gia đình ông không có ai theo nghệ thuật. 16 tuổi, Trần Phương (tên thật là Trần Đức Phương) rời trường học ở quê nhà Thái Nguyên, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, Trường Văn nghệ nhân dân thành lập tại chiến khu Việt Bắc, anh thanh niên Trần Phương là một trong những học viên đầu tiên. Theo học chèo, kịch nói… nhưng ông lại trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam. Mọi chuyện diễn ra cứ như là có bàn tay sắp đặt của tạo hóa. Hết làm A phủ, Trần Phương tiếp tục ghi dấu ấn với khán giả qua các vai diễn trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như Vai Khoa - chồng Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu, Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Tiệp trong Ngày lễ thánh…
Điện ảnh luôn cần những gương mặt mới, trong khi ông lại ngày càng có tuổi, hơn nữa trong con người Trần Phương luôn có khát khao được làm những bộ phim theo ý thích của riêng mình, nên ông đã rẽ ngang làm đạo diễn. Sau khi làm phó cho đạo diễn Trần Vũ 2 bộ phim (Những người đã gặp, Chuyến xe bão táp), chàng A Phủ chính thức xung trận với phim Mưa rơi trên thành phố dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Phim khá thành công, nhưng phải đến Tội lỗi cuối cùng (giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5) ông mới khẳng định vững chắc vị thế đạo diễn của mình. Nói cách khác, với phim Tội lỗi cuối cùng, Trần Phương đã thoát khỏi cái bóng của A phủ, để khoác lên mình một chiếc áo mới - đạo diễn Trần Phương. Hết ra Bắc lại vào Nam, ông lăn lộn trên phim trường quần quật chẳng khác nào A phủ làm nương. Chàng A Phủ tỏ ra rất mát tay trong việc làm phim, từ những phim đỉnh cao như Tội lỗi cuối cùng cho đến những phim mang hơi hướng thị trường do ông đạo diễn như Đằng sau vụ án Hồ Con Rùa, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống… đều rất ăn khách.
Trong câu chuyện của mình, ông nhắc đến các đạo diễn đàn anh như Mai Lộc, Trần Vũ… với một niềm kính trọng, bởi chính họ là thầy dạy của anh trên trường quay; ông nhắc đến các bạn diễn cùng thời như Trà Giang, Lâm Tới, Đức Hoàn. Đặc biệt, ông nói nhiều nghệ sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những người bạn chơi với nhau từ lúc làm phim Tội lỗi cuối cùng. Ông nhớ về kỷ niệm thật khó quên khi đi thực tế ở trại tù tại Long Khánh, Đồng Nai. Ở trại giam ấy, đoàn làm phim gặp một nữ tù nhân là dân anh chị khét tiếng Sài thành. Ngay lần gặp đầu tiên, nữ tù nhân đã làm mọi người “ớn lạnh” bởi vẻ mặt lạnh lùng, ăn nói bất cần đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (người viết nhạc phim) trò chuyện, hát cho nữ tù nghe để cô cởi mở hơn. Từ câu nói “Nhớ đời quá anh Sơn ạ” của nữ tù này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc “Đời gọi em biết bao lần”, một trong những ca khúc nhạc phim hay trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
“Ngựa chạy mãi cũng phải chồn chân”, bây giờ A phủ đã gần như “rửa tay gác kiếm”. Nhìn lại con đường đã đi qua, ông cũng kinh ngạc với chính mình bởi những việc mình đã làm được. “Đam mê cứ cuốn mình đi, nhiều khi nhìn lại cũng thấy mình liều thật”, ông cười hóm hỉnh. Trong ánh mắt của ông một chút gì đó tiếc nuối, bởi nhiệt huyết thì vẫn tràn trề nhưng sức khỏe đã không còn cho phép ông rong ruổi trên con đường nghệ thuật. Điều làm ông hạnh phúc nhất là đến hôm nay nhiều người vẫn nhớ đến vai A Phủ, gọi mãi thành quen, lắm khi ông mặc nhiên xem mình là A Phủ - chàng A Phủ của làng phim!
XUÂN THÀNH