Đã gần 20 năm qua, nhưng ký ức về những bộ phim đầy tính nhân văn của điện ảnh Nga Xô viết vẫn còn vẹn nguyên.
Đã gần 20 năm qua, nhưng ký ức về những bộ phim đầy tính nhân văn của điện ảnh Nga Xô viết vẫn còn vẹn nguyên.
Trong một lần trò chuyện về nước Nga, ông Nguyễn Đình Thảng - Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa cứ xuýt xoa khen ngợi những bộ phim Liên Xô (cũ) như: Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, Chiến tranh và hòa bình, Bình minh nơi đây yên tĩnh, Người thứ 41... Dường như, thế hệ của ông, ai cũng mang trong mình tình cảm tốt đẹp về nước Nga. Và xứ sở bạch dương xa xôi bỗng trở nên gần gũi qua những thước phim, những trang sách thấm đẫm nhân văn. Ông Thảng tâm sự, đến giờ ông vẫn nhớ hình ảnh anh lính Alyosha Skvortsov trong phim Bài ca người lính (kịch bản và đạo diễn Grigori Chukhrai) bởi nó có chút gì đó gần gũi với những người lính Việt Nam. Một người lính anh hùng thay vì nhận huân chương đã xin được nhận phần thưởng là về thăm mẹ để sửa lại mái nhà cho mẹ. Nhưng những biến cố trên đường đi đã khiến quỹ thời gian cạn dần, để rồi khi gặp được mẹ cũng là lúc anh phải nói lời chia tay để tiếp tục ra mặt trận. Xen giữa mối tình mẫu tử ấy, còn có mối tình trong sáng của Alyosha và cô gái Shura mà anh đã gặp trên đường đi…
2 nhân vật chính của phim Người thứ 41, một trong những bộ phim Nga được nhiều người yêu thích. |
Cũng là một bộ phim chiến tranh, Khi đàn sếu bay qua (đạo diễn Mikhail Kalatozov, chuyển thể từ kịch nói Những người sống mãi của Viktor Rozov, giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 1958) lại không diễn tả cái khốc liệt của chiến trường mà đi sâu vào cuộc sống của người ở hậu phương. Mối tình thời chiến của Venonica và Boris; hình ảnh Venonica cô đơn giữa một thế giới đầy khói lửa bom đạn, bố mẹ bị chết vì quân Đức dội bom lại còn bị hiểu lầm là đã phản bội Boris, khiến người xem mềm lòng. Nhưng, vượt trên cả sự đau thương ấy là một niềm tin về ngày mai. Boris hy sinh ở mặt trận, nhưng trong lòng Veronica anh vẫn sống mãi như lời người bạn của anh đã khẳng định họ không bao giờ quên những người đã mãi mãi ra đi trong chiến tranh.
Đặc biệt, nhiều khán giả nhắc đến phim Người thứ 41 (đạo diễn Grigory Chukhrai chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Boris Lavrebnyov) như một trong những bộ phim giàu tính nhân văn nhất của điện ảnh Liên Xô (cũ). Nữ chiến sĩ Hồng quân Maruitka áp giải sĩ quan bạch vệ Govarukhi Otrok bằng đường biển. Chuyến đi gặp phải bão lớn, 2 người dạt vào hoang đảo và giữa họ dần nảy sinh tình yêu. Đến khi người yêu chạy về chiếc tàu bạch vệ đang tiến lại gần đảo, Maruitka đã nổ súng… Dưới góc nhìn của đạo diễn Grigory Chukhrai, lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Liên Xô (trước đây), người lính bạch vệ được diễn tả dưới nhiều góc nhìn khác nhau, không phiến diện, áp đặt. Người nữ chiến sĩ hồng quân đã chọn lý tưởng, tổ quốc thay vì tình yêu nhưng đạo diễn đã không tước đi quyền làm người của cô. Khi Govarukhi Otrok gục xuống, Maruitka đã chạy đến xốc thi thể của viên sĩ quan bạch vệ ôm chặt trong lòng và khóc nức nở… Người thứ 41 không chỉ thành công ở Liên Xô mà còn có tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Tại Liên hoan phim Cannes 1957, phim này đã được trao giải thưởng đặc biệt “Kịch bản độc đáo và giàu chất thi ca”.
20 năm trở lại đây, các rạp chiếu trong nước gần như vắng bóng phim Nga. Những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, người thích phim Nga chỉ tìm được đôi chút hương vị thoảng qua khi Đài Truyền hình Việt Nam chiếu lại những bộ phim mấy mươi năm về trước. Nhiều người Việt vẫn không ngớt lời ngợi ca chất nhân văn của điện ảnh Nga Xô viết, nhưng không ít người tự hỏi những bộ phim Nga hiện nay như thế nào?
Năm 2012, điện ảnh Nga đã trở lại với bộ phim Mật mã Dytalov. Đáng tiếc, bộ phim hợp tác với Hollywood và nặng về tính giải trí ấy đã không chiếm được tình cảm của khán giả bởi nó thiếu chất Nga truyền thống. Dẫu vậy, những người yêu mến phim Nga vẫn tin rằng nền điện ảnh đã sản sinh ra những nhà đạo diễn trứ danh như: Sergei Bondarchuk, Grigory Chukhrai, Mikhail Kalatozov, Nikita Mikhalkov, VI.Menshov… sẽ trở lại với khán giả Việt!
Những năm gần đây, khoảng trống về văn hóa Nga đang dần được san lấp bằng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, mà nổi bật nhất là việc tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. Năm nay, Những ngày văn hóa Nga sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 15-11 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Chiếu phim, triển lãm tranh, ca múa nhạc. Trong dịp này, nhiều tác phẩm điện ảnh Nga đương đại sẽ được trình chiếu như: Những bà mẹ, Cây Giáng sinh, Cha tôi là Baryshnikov, Mẹ sẽ luôn bên con, Bạn trai tôi là Thiên thần, Hổ trắng, Gián điệp… Hy vọng, với lượng khách Nga đến Nha Trang ngày càng nhiều, rồi đây Nha Trang - Khánh Hòa sẽ là một điểm đến mới của hoạt động này!
XUÂN THÀNH