09:11, 05/11/2013

Cần chú trọng mảng văn hóa biển

Ngành Văn hóa cần chủ động đề xuất việc xây dựng đề cương sơ bộ về việc trưng bày của bảo tàng để có kế hoạch sưu tầm tư liệu, nhất là tư liệu về văn hóa biển.

Ngành Văn hóa cần chủ động đề xuất việc xây dựng đề cương sơ bộ về việc trưng bày của bảo tàng để có kế hoạch sưu tầm tư liệu, nhất là tư liệu về văn hóa biển.


Văn hóa biển là chủ đạo


Khánh Hòa là một trong những địa phương có kinh tế biển phát triển, có nhiều ngành nghề truyền thống gắn với biển, dấu ấn văn hóa biển đậm đặc trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống đang từng ngày phát triển, nhiều cách thức đánh bắt truyền thống đang dần biến mất nhường chỗ cho những đội tàu thuyền hiện đại. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã kêu gọi Khánh Hòa cần phải xây dựng các bảo tàng quy mô hiện đại để bảo tồn văn hóa biển.


Tại hội thảo về “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” năm 2011, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) từng đề nghị Khánh Hòa sớm xây dựng bảo tàng văn hóa biển, thành lập viện nghiên cứu văn hóa biển. “Cùng với việc phát triển ngành kinh tế du lịch biển, nâng cấp bảo tàng sinh vật biển ở Viện Hải dương học, việc xây dựng một bảo tàng văn hóa biển và viện nghiên cứu văn hóa biển chắc chắn sẽ nhanh chóng biến Khánh Hòa trở thành thủ đô văn hóa biển” - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm bày tỏ. Cũng tại hội thảo này, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cũng đề xuất ý kiến xây dựng bảo tàng văn hóa biển quốc gia ở miền Trung mà Khánh Hòa là địa điểm rất khả quan. Theo ông, bảo tàng biển không chỉ lưu dấu về lịch sử khai thác và chinh phục biển của người Việt, mà còn là môi trường giáo dục niềm tự hào về việc gìn giữ chủ quyền biển, đảo, truyền thống văn hóa biển của người Việt nói chung, cư dân Khánh Hòa nói riêng.

 

1
Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa có nhiều hiện vật về văn hóa tiền sơ sử, nhưng rất thiếu hiện vật về văn hóa biển.


Với cái nhìn dè dặt hơn, những người làm văn hóa ở Khánh Hòa cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu tỉnh xây dựng bảo tàng tổng hợp, trong đó chú trọng việc trưng bày văn hóa biển, lấy văn hóa biển làm trung tâm. “Nếu có được bảo tàng về văn hóa biển là quá tốt, nhưng tôi nghĩ trong tình hình hiện nay rất khó đủ lực để vừa làm bảo tàng tỉnh vừa xây dựng bảo tàng văn hóa biển. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu tỉnh đầu tư xây dựng một bảo tàng tổng hợp có quy mô hiện đại, trong đó ưu tiên mảng văn hóa biển”, ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch bày tỏ.


Như vậy, dù là bảo tàng văn hóa biển riêng biệt hay bảo tàng tổng hợp, văn hóa biển vẫn giữ vị trí trung tâm trong nội dung trưng bày của Bảo tàng Khánh Hòa trong tương lai.


Cần chuẩn bị ngay từ bây giờ


Hiện Bảo tàng tỉnh có khoảng 10.000 hiện vật, trong đó giá trị nhất vẫn là các hiện vật về văn hóa tiền sơ sử được khai quật từ di chỉ khảo cổ Xóm Cồn, Hòa Diêm, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên... Thế nhưng, ở lĩnh vực văn hóa biển, các hiện vật của bảo tàng còn rất mỏng.


Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, năm 2003 khi tiến hành dự án xây dựng bảo tàng mới, Bảo tàng tỉnh đã lập đề cương sơ bộ nội dung trưng bày (gồm 5 mảng: Địa lý tự nhiên, văn hóa tiền sơ sử, dân tộc học, lịch sử, văn hóa biển) và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chấp thuận, do dự án xây dựng bảo tàng tạm ngưng nên không thể triển khai các bước tiếp theo. Bây giờ, muốn sử dụng phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy mô của bảo tàng mới. Hiện nay, dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, hàng năm Bảo tàng tỉnh vẫn chủ động điều tra, nắm bắt thông tin để khi cần thiết có thể bắt tay ngay vào việc lên đề cương, sưu tầm hiện vật để trưng bày.


Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cũng cho biết, bảo tàng rất muốn có một kế hoạch dài hơi về việc sưu tầm tư liệu để chuẩn bị cho bảo tàng mới. Bởi việc chuẩn bị trước tư liệu (hiện vật, hình ảnh, video clip) luôn là điều cốt lõi, được ưu tiên trên hết trong quá trình chuẩn bị xây dựng một bảo tàng, vì giá trị của một bảo tàng chính là ở giá trị của hiện vật chứ không phải ở quy mô công trình kiến trúc.


Thiết nghĩ, để không rơi vào tình trạng bị động, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành Văn hóa lập đề cương trưng bày cho bảo tàng trong tương lai để có hướng sưu tầm hiện vật, nhất là mảng văn hóa biển, đảo. Đương nhiên, Bảo tàng tỉnh trong tương lai cũng không thể thiếu các tư liệu về Trường Sa.


XUÂN THÀNH