11:10, 11/10/2013

Niềm đam mê với tuồng

Chưa đầy 10 tuổi, cuộc sống của Thu Hà đã gắn cùng sân khấu. Trong những câu chuyện về đời, về nghề với Thu Hà, tôi nghe ra một nhiệt huyết, đầy đam mê và trách nhiệm. Chính những điều ấy đã tạo nên một phong cách rất riêng của người Nghệ sĩ Nhân dân này.

Chưa đầy 10 tuổi, cuộc sống của Thu Hà đã gắn cùng sân khấu. Trong những câu chuyện về đời, về nghề với Thu Hà, tôi nghe ra một nhiệt huyết, đầy đam mê và trách nhiệm. Chính những điều ấy đã tạo nên một phong cách rất riêng của người Nghệ sĩ Nhân dân này.

 


Ngay tại Liên hoan trích đoạn tuồng hay tổ chức ở Huế năm 1993, quá cảm kích trước nghệ sĩ tuồng Thu Hà, nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang viết tặng một bài thơ, trong đó có hai câu: “… Con ai trời đúc nên tài/Ban ngày gái đẹp tối trai anh hào…”. Chỉ chừng đó thôi đã nói lên rất nhiều về tính cách, tài năng của cô gái vốn mê hát bội từ thuở nhỏ. Tại liên hoan này, Thu Hà đoạt Huy chương Vàng vai kép Võ Chu Du trong vở “Tam khí Chu Du” và đoạt luôn giải đặc biệt dành cho diễn viên nữ đóng vai nam xuất sắc với vai kép đỏ Đồng Kim Lân trong vở “Sơn Hậu”.


Trong ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh, cách biển Nha Trang không xa, tôi ngồi nghe Thu Hà bồi hồi kể thật nhiều, những câu chuyện về đời, về nghề. Ở đó, có thể nghe ra một nhiệt huyết, đầy đam mê và trách nhiệm. Mới 9 tuổi, cuộc sống của Thu Hà đã gắn với sân khấu theo gánh tuồng của ba, mẹ nuôi là Nghệ sĩ Ưu tú Bốn Hảo, rồi có cả Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy. Hàng đêm, nấp sau cánh gà, cô bé say mê học nghe, học hát, học diễn; để rồi không lâu sau đó được “dạ” một cách đầy sung sướng trong các vai quân sĩ. Nghệ sĩ Ưu tú Bốn Hảo đã dìu dắt con gái mình những bước đi thật cơ bản, vững chắc của nghề ngay từ hồi còn rất nhỏ. Và, chính từ nền tảng này, Thu Hà đã “bay” lên.


Ở tuổi 17, Thu Hà đã tạo được nhiều ấn tượng trong giới mê tuồng, hát bộ Nha Trang với vai Lã Bố trong vở “Lã Bố hý Điêu Thuyền”. Đam mê như một ngọn lửa. Và tha phương là con gió. Cuộc đời và sân khấu ngày ngày đốt nóng trong Thu Hà một tình yêu nghệ thuật tuồng vô bờ bến. Ăn cũng thấy như mình đang hát. Ngủ cũng thấy như mình đang hát. Cuộc sống cơm áo bộn bề không thể làm nhụt chí một Thu Hà vừa rất thanh nhã, đoan trang trong các vai đào cũng lại rất oai hùng, dữ dội trong các vai kép.

1
1


Từ nhỏ, Thu Hà đã tỏ ra có duyên với các vai… kép. Còn bé thì đóng kép con vai Tấn Lực, lớn lên lại đóng kép vai Phạm Công trong cùng một vở tuồng “Phạm Công Cúc Hoa”. Sau các vai Chu Du, Đồng Kim Lân, liên tục những vai kép như Sơn Tinh trong vở “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, rồi Nguyễn Uông trong “Sóng dậy Lê triều”… đã khẳng định một tài năng Thu Hà đa phong cách và hào hoa. Không chỉ nổi danh với các vai kép, Thu Hà cũng rất điệu đàng trong các vai đào. Có thể kể như Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”; Cúc Hoa trong “Phạm Công Cúc Hoa”; Thoại Ba, Hồ Nguyệt Cô trong “Tiết Giao đoạt ngọc”; đào tướng Chung Vô Diệm trong “Chung Vô Diệm”; đào tướng Bùi Thị Xuân trong “Nữ tướng Tây Sơn”… Đạt được những điều ấy, có lẽ do Thu Hà đã sống hết mình trong từng vai diễn; đau đáu cho từng số phận nhân vật. Tôi nói Thu Hà không diễn, mà sống cùng nhân vật của mình chính là vì vậy. “Khi nhận vai, tôi phải tìm hiểu rất kỹ nội dung của vở, hoàn cảnh sống và tích cách của nhân vật để có những cảm xúc thật, tương đồng với nhân vật”, Thu Hà bộc bạch.


Không chỉ thành công trong hầu hết các vai kép, các loại đào trên sân khấu hát bội, Thu Hà có khả năng rất tốt trong sự thể hiện hài hòa các phong cách như tuồng cung đình, tuồng xứ Quảng, tuồng Bình Định… Thể loại nào, Thu Hà cũng mặn mòi, vừa có nghề, vừa có tình.


Năm 1991, như một duyên phận, Thu Hà được tuyển vào Nhà hát Tuồng Khánh Hòa (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa). Ký ức nhiều người trong Nhà hát bấy giờ còn ghi nhận có một Thu Hà vừa bỡ ngỡ lại vừa rất tự tin; táo bạo trong cách diễn và say mê trong tập luyện. Trước nay, Thu Hà sống với những gánh tuồng, như đi biển trên những chiếc ghe. Nay, Nhà hát Tuồng như một con tàu mạnh mẽ và vững chãi. Con tàu chở Thu Hà, và chính Thu Hà cũng góp chút sức mọn của mình cùng anh chị em nghệ sĩ đẩy con tàu đi lên phía trước, dẫu có nhiều giông gió.

 Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch khẳng định: “Vai trò của nghệ sĩ Thu Hà trong đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nha Trang cũng như tại Nhà hát Tuồng Khánh Hòa là rất lớn. Tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ này đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong nhiều thế hệ học trò, diễn viên”.


Rồi, có một dạo, bẵng đi tới 10 năm, kể từ 1999, người ta không thấy Thu Hà trên sân khấu. Dân “ghiền” tuồng thẫn thờ nhớ Thu Hà với những nét duyên khó phai trong những vai diễn, cả đào lẫn kép. Thì ra, Thu Hà đang làm một công việc mà mình rất thích từ hồi còn thơ bé, đó là làm cô giáo, dạy các lớp diễn viên tuồng ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Khánh Hòa.


“Vui, có vui, mà buồn, cũng buồn lắm!”. Thu Hà nói vui vì mình được làm công việc mình yêu thích, góp phần truyền lưu ngọn lửa nghề cho các em, các cháu hôm nay. Còn buồn vì có quá ít các em học tuồng. Trước thực tế đó, Thu Hà luôn đau đáu với câu hỏi: Rồi ai sẽ là người truyền giữ ngọn lửa tuồng truyền thống? Cho nên, Thu Hà đem hết sức mình truyền nghề cho lớp trẻ.


Thu xếp được công việc giảng dạy, gần đây, người ta lại được chiêm ngưỡng tài năng Thu Hà trong những vai đào thương, đào bi như Dương Ngọc trong vở “Huyền thoại Mẹ xứ sở”; cô Tấm trong “Nhân quả”… Bây giờ, hàng năm, tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar, trong những thời khắc thiêng liêng của tế chính, hình tượng người mẹ xứ sở huyền thoại do Thu Hà đóng vai lại được tái hiện, trào dâng cảm xúc.


Bây giờ, mỗi tuần vài tối, Thu Hà lại cùng anh chị em chân hia, tay giáo, đi diễn tuồng bên… đường phố. Người ta lại bắt gặp một Thu Hà khóc cười trong những hóa thân nhân vật và thân thiết hướng dẫn khán giả làm thử các động tác múa kiếm, vuốt râu, cưỡi ngựa… trong nghệ thuật tuồng truyền thống.


Nhìn khán giả, có cả khách nước ngoài, trầm trồ, thích thú có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà.


PHONG NGUYÊN