15 năm qua (1998 – 2013), kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ban hành Nghị Quyết Trung ương 5 về “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, giới văn nghệ sĩ của tỉnh Khánh Hòa
15 năm qua (1998 – 2013), kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ban hành Nghị Quyết Trung ương 5 về “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, giới văn nghệ sĩ của tỉnh Khánh Hòa (với 355 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật) đã đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển sự nghiệp văn hóa văn nghệ tại Khánh Hòa; nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật của người dân.
Ngay sau khi Nghị Quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở lớp tập huấn quán triệt trong Ban Chấp hành (BCH) và hội viên của hội. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của từng chuyên ngành nghệ thuật, BCH Hội đã xây dựng, đề ra kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa: “Có thể khẳng định rằng, hoạt động văn học nghệ thuật tại Khánh Hòa từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đến nay liên tục phát triển với hình thức đa dạng, phong phú. Phong trào sáng tác, nghiên cứu luôn được đẩy mạnh. Mỗi năm, hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại, nhiều chuyên ngành được xuất bản, triển lãm, dàn dựng hoặc phổ biến dưới các hình thức khác nhau, trong số đó không ít tác phẩm đã đạt giải thưởng do Trung ương trao tặng”. |
Một trong những điểm mạnh của lực lượng văn nghệ sĩ trong tỉnh là việc tham gia các phong trào sáng tác, nghiên cứu. Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại, nhiều chuyên ngành được xuất bản, triển lãm, dàn dựng hoặc phổ biến dưới các hình thức khác nhau, trong số đó không ít tác phẩm đã đạt giải thưởng do Trung ương trao tặng.
Đối với Chuyên ngành Văn học, bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động như kỷ niệm các ngày lễ lớn cũng như phục vụ những nhiệm vụ chính trị, Chi hội Văn học đã đóng vai trò nòng cốt trong việc giao lưu, giới thiệu các hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh đến với bè bạn gần xa. Cùng với nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí, 15 năm qua, anh chị em trong Chi hội đã có trên 300 tác phẩm được xuất bản thành sách, với sự đa dạng về thể loại, như : nghiên cứu phê bình, tiểu thuyết, tập bút ký, truyện ký, hồi ký, tập thơ, tập truyện dịch…Trong đó, một số tác phẩm đã được tặng giải thưởng qua các cuộc thi do các báo, tạp chí tổ chức.
Đối với chuyên ngành Sân khấu, cùng với việc sáng tác gần 40 kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh; dàn dựng hàng chục tác phẩm sân khấu, hội viên trong Chi hội Sân khấu đã có nhiều công trình nghiên cứu, lý luận và kịch bản được xuất bản; mỗi năm tham gia thực hiện hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, tại các cuộc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Hội viên thuộc Chi hội sân khấu đã liên tục đạt nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.
Đối với Chuyên ngành Âm nhạc, chi hội Âm nhạc đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác; giúp các đơn vị dàn dựng nhiều chương trình tham gia phục vụ các sự kiện chính trị, liên hoan, hội thi, hội diễn, các lễ hội ở Trung ương cũng như tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên và tại địa phương, trong đó có các tiết mục, chương trình đạt giải cao với nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Mỗi năm Chi hội có gần 100 tác phẩm (chủ yếu là ca khúc, khí nhạc, nhạc múa) được sáng tác, công bố. Trong số đó, nhiều tác phẩm đã giành giải cao qua các cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương tổ chức.
Đối với Văn nghệ dân gian, đây là chuyên ngành có số hội viên ít nhất trong các Chi hội, tuy nhiên, 15 năm qua, anh chị em ở Chi hội luôn thể hiện tinh thần say mê, tâm huyết với sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến vốn văn hóa - văn nghệ dân gian ở địa phương. Chi hội có 30 công trình nghiên cứu, trong đó một số đã được đăng báo hoặc được xuất bản thành sách, nhiều công trình đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng giải thưởng.
Về Chuyên ngành Mỹ Thuật, cùng với việc tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị, các cuộc triển lãm, anh chị em trong Chi hội Mỹ thuật liên tiếp trong những năm qua đã tổ chức hàng chục cuộc triển lãm cá nhân, hoặc triển lãm chung và đều đặn tham gia tất cả các cuộc triển lãm mỹ thuật Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như triển lãm mỹ thuật toàn quốc với số lượng và chất lượng tác phẩm ngày càng cao.
Đối với Chuyên ngành Nhiếp ảnh, bên cạnh việc tổ chức thường xuyên các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, trong quá trình thực hiện NQ TƯ 5 (Khóa VIII), phong trào sáng tác của Chi hội Nhiếp ảnh đã không ngừng được đẩy mạnh. Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm ảnh được đăng tải, giới thiệu trên báo chí, tại các cuộc triển lãm cũng như được công bố dưới nhiều hình thức khác, trong đó, có khá nhiều tác phẩm triển lãm tại khu vực, toàn quốc và các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao….. Đặc biệt, đến nay Khánh Hòa đã tổ chức triển lãm ảnh đến lần thứ 17; đồng thời, lực lượng nhiếp ảnh của tỉnh liên tục tham dự đầy đủ tất cả các cuộc liên hoan khác do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Khánh Hòa là đơn vị liên tục có tác phẩm dành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Đồng tại các Liên hoan này.
15 năm với những thành quả đạt được, Hội văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa có thể tự hào là một trong những Hội Văn nghệ địa phương mạnh và phát triển toàn diện của cả nước, như đánh giá của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam vừa qua. Hy vọng, trên bước đường sắp tới, các văn nghệ sĩ của hội sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa.
Thu Giang