Những ngày qua, hàng ngàn người đã đến chùa Long Sơn (TP. Nha Trang) để được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh của lịch sử, chụp lại cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân. Những bức ảnh của nhà báo Malcolm Browne từng gây chấn động toàn cầu 50 năm trước vẫn còn nguyên giá trị.
Những ngày qua, hàng ngàn người đã đến chùa Long Sơn (TP. Nha Trang) để được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh của lịch sử, chụp lại cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân. Những bức ảnh của nhà báo Malcolm Browne từng gây chấn động toàn cầu 50 năm trước vẫn còn nguyên giá trị.
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963 - 2013), triển lãm ảnh Ngọn lửa và trái tim thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Triển lãm có khoảng 100 tấm ảnh ghi lại cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân và phong trào Phật giáo đấu tranh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Loạt ảnh của nhà báo Malcome Browne chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám), Sài Gòn ngày 11-6-1963 từng gây chấn động toàn cầu 50 năm trước đã làm người xem lặng đi vì xúc động. Từng tấm ảnh nối tiếp như thước phim quay chậm làm sống lại thời khắc lịch sử đó (cảnh ngồi thiền giữa đường, tự tay châm lửa đốt, ngọn lửa bao trùm làm nên ngọn đuốc sống, cảnh phật tử nằm dưới bánh xe cảnh sát, xe cứu hỏa bảo vệ việc tự thiêu…). Nhìn bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức trong ngọn lửa bốc cao vẫn ngồi thiền, tay chắp trước ngực, người xem không khỏi kính phục. Có mặt tại triển lãm, ông Nguyễn Văn Thông (nhân viên của chính quyền Ngô Đình Diệm, 1 trong 3 người đã chụp được ảnh tự thiêu) nhớ lại: “Không ai nghĩ là ngài tự thiêu, đến khi ngọn lửa bùng lên bao trùm lấy thân ngài, mọi người mới sững sờ nhận ra sự việc. Lửa bao trùm thân ngài nóng đến mức chiếc can đựng xăng để gần đó mềm nhũn đổ xuống, nhưng ngài vẫn tĩnh tại ngồi thiền, thản nhiên đón nhận cái chết. Khi lửa gần tàn, thân đã cháy đen, ngài vẫn gật đầu về hướng Tây mấy lần như lạy Phật rồi mới bật ngửa ra chứ không ngã sấp xuống”.
Tấm ảnh của tác giả Malcolm Browne từng gây chấn động thế giới. |
Cùng với loạt ảnh về những giờ phút cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức, triển lãm còn có nhiều bức ảnh về phong trào Phật giáo đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo ở Huế, Sài Gòn... Người xem bắt gặp nhiều tấm hình ghi lại cảnh phật tử ở Huế, Sài Gòn biểu tình, tuyệt thực đòi tự do tôn giáo; cảnh đưa tang các phật tử đã tử vì đạo khi bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp trong cuộc biểu tình ở Đài Phát thanh Huế ngày 7-5-1963; hình sư cô Thích Nữ Diệu Quang (thế danh Ngô Thị Thu Minh) tự thiêu tháng 8-1963 tại Ninh Hòa. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày sách ảnh Cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo Việt Nam (scan mỗi trang sách thành 1 tấm ảnh) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất xuất bản, ghi lại các giai đoạn của phong trào Phật giáo chống lại chính quyền họ Ngô ở miền Nam Việt Nam.
Nhiều phật tử trẻ tuổi đến xem triển lãm “Ngọn lửa và trái tim”. |
Loạt ảnh của Malcolm Browne về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã đoạt giải World Press Photo năm 1963 và giải Pulizer năm 1964 dành cho báo chí. Bức ảnh gây xúc động đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy phải thốt lên: “Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế!” Mới đây, trong danh sách các ảnh thời sự vĩ đại nhất mọi thời đại, do báo New Statesman (Anh) công bố, bức ảnh này được xếp thứ 2 (bức ảnh phóng viên Nick Út chụp cô bé 9 tuổi Kim Phúc bị phỏng do bom napalm xếp đầu danh sách). |
Điều ngạc nhiên, tại triển lãm Ngọn lửa và trái tim, không chỉ người lớn tuổi mà ngay cả lớp trẻ cũng quan tâm đến sự kiện này. Nhiều bạn trẻ đã dùng máy ảnh, điện thoại chụp lại các bức ảnh để mang về cho người thân, bạn bè xem. Trong ánh mắt của họ đều thể hiện sự kính phục trước hành động của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Phật tử Lê Quốc Cường (thị trấn Diên Khánh, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) bày tỏ: “Tôi đã từng xem ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên mạng Internet. Đây là lần đầu tiên tôi được xem toàn bộ ảnh về diễn biến quá trình tự thiêu của ngài… nên rất xúc động. Trong hoàn cảnh Phật giáo bị đàn áp, ngài đã hy sinh thân mình vì sự tồn vong của đạo pháp và hòa bình của dân tộc là một điều hết sức thiêng liêng”. Nhiều người tâm sự rất xúc động khi đọc “Lời nguyện tâm huyết” của Hòa thượng Thích Quảng Đức trước lúc “vì pháp thiêu thân”. Bà Nguyễn Thị Phượng (huyện Diên Khánh) bày tỏ: “Trước lúc ra đi, ngài mong muốn “Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt’, “đất nước thanh bình, quốc dân an lạc” và nhắn nhủ với Tổng thống Ngô Ðình Diệm nên “lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”… Toàn văn bức thư không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, trá như vậy”.
Đến với triển lãm lần này, người xem không khỏi tự hào về Hòa thượng Thích Quảng Đức - người con của quê hương Khánh Hòa. Những giọt nước mắt tiếc thương vẫn không ngừng rơi dù ngay trong giờ phút linh thiêng ấy hay trong triển lãm ngày hôm nay. Tuy 50 năm đã trôi qua nhưng trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn còn đó. Tên tuổi của ngài khi dùng thân mình thức tỉnh tình yêu thương, lòng từ bi cao cả, lương tri của con người vẫn mãi được lưu truyền.
XUÂN THÀNH