07:05, 10/05/2013

Phim truyện truyền hình đề tài truyền thống, lịch sử: Hiếm và khó

Khi phương thức làm phim xã hội hóa (cả điện ảnh lẫn truyền hình) đang chiếm ưu thế, không một nhà sản xuất nào chịu đầu tư làm phim về đề tài truyền thống, lịch sử. Lý do thì ai cũng biết: vừa tốn tiền, mất thời gian lại nhạy cảm và dễ đụng chạm. Vì thế giờ đây, phim truyện truyền hình về mảng đề tài này ngày càng hiếm.

Khi phương thức làm phim xã hội hóa (cả điện ảnh lẫn truyền hình) đang chiếm ưu thế, không một nhà sản xuất nào chịu đầu tư làm phim về đề tài truyền thống, lịch sử. Lý do thì ai cũng biết: vừa tốn tiền, mất thời gian lại nhạy cảm và dễ đụng chạm. Vì thế giờ đây, phim truyện truyền hình về mảng đề tài này ngày càng hiếm.


Đánh liều mới làm phim lịch sử


Lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của ta có nhiều nhân vật, nhiều sự kiện rất hay, nếu đưa lên phim chắc chắn hấp dẫn và thu hút không thua gì các phim “sử Tàu” - nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định. Ông từng là tác giả kịch bản của 2 bộ phim đề tài lịch sử nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử Thiên đô nói về Vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn. Hiện nay, ông đang được VTV đặt hàng viết kịch bản cho phim truyền hình dài 30 tập về Tô Hiến Thành.


Gặp nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn lúc ông đang viết Thái sư Trần Thủ Độ, chúng tôi thấy ông hào hứng lắm. Đến lúc ông viết Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn, mới bắt tay viết, còn thấy ông tinh thần hăng hái, đến cuối chặng đường, khi phim phải dời ngày phát sóng, ai hỏi ông về phim này lại thấy ông ỉu xìu. Bây giờ, đến kịch bản Tô Hiến Thành, ông bảo: “VTV đặt hàng, tôi lỡ nhận lời rồi nên ráng viết cho xong. Vì tôi biết nhà đài đặt hàng nghĩa là phim chắc chắn có đầu ra, chứ nhìn tình hình phát sóng mấy phim lịch sử bây giờ thấy nản quá”.


Quả có thế, nhìn lại để thấy, giờ đây nhà sản xuất nào có “máu liều” mới dám đầu tư làm phim đề tài lịch sử. Động đến các nhân vật lịch sử sẽ rất khó vì thế nào cũng bị “mổ xẻ” đúng - sai; rồi bối cảnh, trang phục là một vấn đề quá lớn và quá khó; tiền đầu tư, công sức bỏ ra thì nhiều, khả năng phim được lên sóng, thu hồi vốn là... hên - xui.

 Cảnh trong phim “Huyền sử Thiên đô”.
Cảnh trong phim “Huyền sử Thiên đô”.


Đến nay, sau 3 năm hoàn thành, bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa được lên sóng. Phim Đường tới thành Thăng Long xem như... vô vọng, không biết khi nào mới có thể phát sóng! Coi như mấy chục tỷ đồng/phim ra đi, không hẹn ngày trở lại. “Giờ chỉ nhắc đến “phim lịch sử” thôi, nhà sản xuất đã sợ, nói gì đến đầu tư sản xuất” - một nhà sản xuất cám cảnh.


Hiếm phim đề tài truyền thống cách mạng


Phim lịch sử khó nhưng còn có thể “né” gọi chệch là thể loại dã sử nếu có bị bắt bẻ độ xác thực, tính hư cấu. Nhưng đề tài truyền thống cách mạng thì không thể lơ mơ. Sự kiện, nhân vật lịch sử chỉ có thể đổi tên, nhưng mức độ nói được, làm được đến đâu, trên quan điểm phải được quán triệt rõ ràng. Thêm vào đó, phim đề tài này thường ít nhiều có dính dáng đến súng ống, đạn dược, cháy nổ (do quân đội quản lý)... Mà vấn đề này chỉ có cơ quan Nhà nước, cụ thể là các hãng phim Nhà nước mới có đủ tư cách pháp nhân, đủ mối quan hệ để đoàn phim nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ phía quân đội. Vậy nên, với những dự án làm phim này, các đài truyền hình (HTV, VTV) đều sản xuất dưới hình thức hợp tác với Hãng phim Giải Phóng, Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng Phim truyện 1.


Đây vẫn là mảng đề tài “độc quyền” dành cho hãng phim Nhà nước; các hãng phim tư nhân dù có được giao cũng không đủ “tầm” để nhận làm. Bởi thế thời gian qua mới có: Đường Hồ Chí Minh trên biển, Huyền thoại 1C... có cả máy bay trực thăng, tàu chiến, xe tăng rất hoành tráng, đem lại cho khán giả cảm nhận đúng không khí thời chiến.


Tuy nhiên, sản xuất những bộ phim thể loại này, nhà sản xuất cũng “ê ẩm”. Tuy được HTV hỗ trợ kinh phí (400 triệu đồng/tập thay vì chỉ 180 triệu đồng như các bộ phim thông thường), nhưng “thời gian quay 1 tập cũng mất 4, 5 ngày (nếu suôn sẻ), cảnh lớn có khi cả tuần, mà thời gian chuẩn bị cho những cảnh ấy còn dài hơn cả thời gian quay cả bộ phim” - ông Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng chia sẻ.
Làm phim đã cực, khi đem phim đi duyệt còn lo lắng, phập phồng hơn. Nếu có chi tiết, nhân vật, sự kiện “nhạy cảm”, thế nào cũng phải cắt. Mới đây, bộ phim Thời gian không chờ đợi do TFS sản xuất, đang phát sóng 17 giờ 30 mỗi ngày trên HTV9, đã phải cắt mất 3 tập cũng vì một số cảnh, thoại hơi “nhạy cảm”.


Giờ đây, mảng phim truyện đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng đang trở thành “của hiếm” vì đủ thứ khó khăn, hạn chế khi sản xuất và phát sóng. Trong khi đó, nhu cầu khán giả và nhiệm vụ của các đài truyền hình là không thể thiếu mảng phim này.


Theo SGGP