Lễ hội Tháp bà Ponagar (diễn ra từ ngày 29-4 đến 2-5) đã thu hút hàng chục ngàn khách hành hương về tham dự. Tại lễ khai mạc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Tháp bà Ponagar là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Tháp bà Ponagar (diễn ra từ ngày 29-4 đến 2-5) đã thu hút hàng chục ngàn khách hành hương về tham dự. Tại lễ khai mạc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Tháp bà Ponagar là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Náo nức trẩy hội
Ngày 30-4 (tức 20-3 âm lịch), Sở VH-TT-DL tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp bà Ponagar. Hàng chục ngàn khách hành hương từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh... và các địa phương trong tỉnh đã tập trung về khu di tích Tháp bà Ponagar (TP. Nha Trang) để dự lễ.
Tuy 8 giờ sáng lễ khai mạc mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm, khách hành hương đã tập trung về sân khấu chính để đón chờ, xem đoàn nghệ thuật dân gian Chăm biểu diễn các màn dân ca, dân vũ mừng lễ hội. Trên tháp, đồng bào Chăm về từ hôm trước đã bày biện lễ vật dưới chân các tháp chính để cúng tế, cảm tạ công đức của người mẹ xứ sở. Ngay sau màn hát múa, Ban tổ chức đã đánh trống khai hội, làm lễ đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Tháp bà Pongar là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rước bằng lên tháp chính. Hàng ngàn người đã chen chân ở sân tháp chờ vào dâng hương lên mẫu. Những bộ lễ phục rực rỡ của khách hành hương người Việt (Kinh), những trang phục truyền thống của đồng bào Chăm cùng tiếng nhạc rộn ràng, lễ vật nhiều màu sắc đã làm sáng bừng không khí vui tươi của lễ hội. Ông Đàng Năng Kỳ (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Năm nào tôi cũng về dự lễ hội Tháp bà Ponagar để tưởng nhớ công ơn của Mẫu, cầu mong Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Năm nay, càng vui hơn khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Hàng ngàn khách hành hương chen chân đứng chờ vào tháp dâng hương. |
Trong những ngày diễn ra lễ hội, Tháp bà Ponagar luôn tấp nập khách hành hương và du khách. Ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, lễ hội năm nay có khoảng 60.000 lượt khách, trong đó có hơn 100 đoàn khách hành hương đăng ký với Ban tổ chức vào dâng hương, hát múa để cảm tạ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu. Theo truyền thống, lễ hội Tháp bà Ponagar được tổ chức với nhiều nghi lễ tôn nghiêm: lễ mộc dục, lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu “Quốc thái, dân an”, lễ tế cổ truyền, dâng hương lễ Mẫu, lễ hoàn kinh, cúng ngọ... Đêm 29-4, Ban tổ chức đã làm lễ cầu siêu và thả 12.000 hoa đăng trên sông Cái.
Hòa quyện vẻ đẹp văn hóa Việt - Chăm
Bên cạnh yếu tố tâm linh, lễ hội Tháp bà Ponagar còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của 2 dân tộc Việt (Kinh) - Chăm. Những ngày lễ, các đoàn khách hành hương người Việt, người Chăm thay nhau biểu diễn các màn hát múa ngợi ca công đức của bà mẹ xứ sở. Không cần sân khấu cầu kỳ, những nghệ nhân người Chăm luôn đem lại không khí rộn ràng bởi tiếng trống Ghinăng, Paranưng, đàn Kanhi réo rắt; hòa cùng tiếng nhạc là những điệu múa quạt, múa lu truyền thống... cùng vũ điệu Apsara huyền diệu. Xen giữa những màn dân ca, dân vũ là những màn hát văn, múa bóng đậm chất linh thiêng của người Việt... Sân khấu luôn chật kín người xem. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã diễn vở tuồng “Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ” để phục vụ khách hành hương. Tất cả tạo nên không khí vui tươi, chan hòa tình cảm, đó là nét văn hóa truyền thống không thể trộn lẫn với một lễ hội nào khác.
Sở VH-TT-DL làm lễ rước bằng công nhận Lễ hội Tháp bà Ponagar Di sản văn hóa phi vật thể lên tháp. |
Trong không khí rộn ràng của lễ hội, các nghệ nhân người Chăm còn trình diễn nghệ thuật làm gốm và dệt thổ cẩm. Nhiều du khách lần đầu đến với lễ hội đã ngạc nhiên khi chứng kiến kiểu làm gốm không cần bàn xoay của nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận), xuýt xoa trước vẻ đẹp của những tấm thổ cẩm Chăm với những hoa văn độc đáo... Chị Nguyễn Thanh Hương (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đến Nha Trang nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự lễ hội Tháp bà Ponagar. Lễ hội có nhiều nét văn hóa truyền thống rất độc đáo cần lưu giữ”.
XUÂN THÀNH