11:05, 04/05/2013

Cần sự chung tay, hợp sức

Các địa phương thiếu phòng đọc; cán bộ được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm không mặn mà với việc nhận sách, phục vụ bạn đọc... là những khó khăn của ngành Thư viện trong việc luân chuyển sách về cơ sở.

Các địa phương thiếu phòng đọc; cán bộ được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm không mặn mà với việc nhận sách, phục vụ bạn đọc... là những khó khăn của ngành Thư viện trong việc luân chuyển sách về cơ sở.


Thiếu phòng đọc


Những năm gần đây, Thư viện tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh việc luân chuyển sách về cơ sở, góp phần nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn, miền núi. Bà Nguyễn Thị Xuân Hà - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Thư viện tỉnh cho biết: Hiện nay, Thư viện thực hiện việc luân chuyển sách về 76 điểm (trường học, trạm biên phòng, nhà cộng đồng, thư viện xã, bưu điện văn hóa xã - BĐVHX); số sách phục vụ cho việc luân chuyển hơn 56.000 bản, gồm nhiều thể loại như: văn học, lịch sử, pháp luật, truyện thiếu nhi... Việc luân chuyển sách được thực hiện định kỳ 2 tháng/lần, mỗi điểm khoảng 200 đầu sách.


Trong khi các điểm luân chuyển sách về trường học phát huy hiệu quả khá rõ nét, thì các điểm đọc sách phải thông qua chính quyền xã lại gặp khá nhiều khó khăn vì thiếu phòng đọc. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có một số ít xã có thư viện như: Cam Hiệp Nam (Cam Lâm), Diên Lộc (Diên Khánh); các điểm BĐVHX không phát huy được hiệu quả nên thường xuyên đóng cửa. Vì thế, ngành Thư viện gần như đã ngừng chuyển sách về điểm BĐVHX mà chuyển sách sang trung tâm học tập cộng đồng, nhưng chỉ một số nơi có cán bộ hưu trí tâm huyết thì hoạt động này mới có hiệu quả. Việc đưa sách về trụ sở UBND xã cũng gặp trở ngại do các xã không mấy mặn mà. “Do không có thư viện nên chúng tôi phải để nhờ sách ở phòng cán bộ xã, nhưng các cán bộ được phân công kiêm nhiệm trông coi tủ sách cũng không mặn mà với việc nhận sách, mở cửa cho người dân đến đọc sách. Hơn nữa, người dân cũng e ngại đến trụ sở UBND xã để mượn sách”, bà Hà nói. Ngay cả các địa phương có thư viện hoạt động cũng chưa hết khó khăn bởi không có kinh phí, cán bộ phải kiêm nhiệm nên thường chỉ mở cửa 1 buổi/ngày.


Bên cạnh khó khăn về phòng đọc, hiện nay, việc luân chuyển sách về cơ sở đang thiếu kinh phí để bổ sung nguồn sách. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hà, những năm trước, kinh phí dành cho việc mua sách luân chuyển của Thư viện tỉnh khoảng 130 triệu đồng/năm, nhưng từ năm 2012 đã bị cắt nên không có kinh phí để mua thêm sách mới. Hiện tại, những địa điểm có lượng bạn đọc lớn như: Diên Lộc, Cam Hiệp Nam, một số độc giả phản ánh có dấu hiệu trùng sách.


Cần sự chung tay

Nếu được đầu tư, Bưu điện văn hóa xã có thể trở thành điểm đọc sách hiệu quả. (Trong ảnh: Một độc giả đến Bưu điện Văn hóa xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh mượn sách)
Nếu được đầu tư, Bưu điện văn hóa xã có thể trở thành điểm đọc sách hiệu quả. (Trong ảnh: Một độc giả đến Bưu điện Văn hóa xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh mượn sách)


Theo lãnh đạo Thư viện tỉnh, để nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn và miền núi, chính quyền các xã cần quan tâm hơn đến việc xây dựng điểm đọc sách; tận dụng các điểm BĐVHX, nhà cộng đồng để làm điểm đọc sách của xã. “Ngành Thư viện rất muốn đẩy mạnh văn hóa đọc ở nông thôn và miền núi, nhưng muốn vậy phải có sự chung sức của các địa phương, bởi chúng tôi có sách nhưng không thể có phòng đọc và người trông coi”, bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh bày tỏ. Bên cạnh đó, các xã cần chọn lựa người trông coi tủ sách. “Việc bố trí, sắp xếp người quản lý tủ sách, phòng đọc phải là những người giàu nhiệt huyết; có thể chọn đối tượng là cán bộ đã nghỉ hưu, yêu sách, mê sách và hết lòng vì sự nghiệp văn hóa đọc của người dân trong vùng”, bà Trà gợi ý.


Đồng thời, để xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn cần xây dựng nguồn sách phong phú, chọn lựa sách phù hợp với đối tượng độc giả từng vùng. Mới đây, khi đi thực tế tại các điểm BĐVHX ở Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận thấy, lượng sách ở các điểm này không chỉ ít mà còn có một số sách không phù hợp với trình độ của người dân nơi đây, chẳng hạn như cuốn “Xúc tiến xuất khẩu của Chính phủ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại BĐVHX Giang Ly. “Đưa sách về miền núi nên lựa chọn những sách phù hợp như: về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh... chứ những sách về kinh tế vĩ mô, người dân không thể tiếp nhận được”, chị Lê Thị Lan - nhân viên BĐVHX Giang Ly bày tỏ.


Thiết nghĩ, để nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn và miền núi, chính quyền các địa phương cần phối hợp với ngành Văn hóa tận dụng tối đa phương thức luân chuyển sách từ các thư viện đến tủ sách cơ sở, phát huy các nguồn tài trợ sách từ chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương cần kêu gọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ sách, báo để các phòng đọc thường xuyên có lượng sách mới, phù hợp với điều kiện ở nông thôn và mỗi vùng. Điều quan trọng không kém là chính quyền ở các địa phương cần phát động phong trào đọc sách, báo trong người dân, xem đây là tiêu chí quan trọng trong việc bình xét gia đình văn hóa.


NHẬT LỆ