Một trong những việc quan trọng của ngành Điện ảnh trong năm 2013 là hoàn thành thông tư về đấu thầu kịch bản điện ảnh để Nhà nước đầu tư vốn. Khi một bộ phim Nhà nước được đầu tư theo lối cạnh tranh liệu sẽ là cánh cửa mở hay khép đối với các hãng phim?
Một trong những việc quan trọng của ngành Điện ảnh trong năm 2013 là hoàn thành thông tư về đấu thầu kịch bản điện ảnh để Nhà nước đầu tư vốn. Khi một bộ phim Nhà nước được đầu tư theo lối cạnh tranh liệu sẽ là cánh cửa mở hay khép đối với các hãng phim?
Lựa chọn phim tốt để đầu tư
Lâu nay, phim có vốn Nhà nước được đầu tư theo phương thức “chỉ định” đặt hàng các hãng theo tiêu chí đề ra từ trước. Thời gian gần đây, do nguồn vốn Nhà nước gặp nhiều khó khăn nên số lượng phim được rót vốn cũng giảm dần, vài năm gần đây chỉ vỏn vẹn có 1 phim mỗi năm. Khi đưa vào thực hiện, có phim thành công, có phim không được như mong đợi, để lại nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận và người xem.
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hiện nay, Cục đã soạn thảo xong và đang đệ trình lên Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự thảo thông tư đấu thầu kịch bản điện ảnh đặt hàng đối với phim có vốn đầu tư của Nhà nước (Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách). Theo đó, khi cần xây dựng một bộ phim phục vụ mục đích tuyên truyền cụ thể nào đó, Cục sẽ đưa ra yêu cầu, tiêu chí về nội dung, đề tài, mục đích tuyên truyền… tới tất cả các hãng kể cả Nhà nước và tư nhân, đồng thời mời họ xây dựng dự án, gửi đến tranh thầu. Dự án phải được xây dựng gần như một bộ phim trên giấy, nghĩa là có đầy đủ kịch bản, nội dung, những yếu tố kỹ thuật khác như: kinh phí, nhân lực, kế hoạch làm phim… Đại diện của các hãng sẽ phải thuyết trình về dự án của mình để chứng minh đó là dự án tốt nhất trước Hội đồng liên ngành. Hội đồng sẽ lựa chọn dự án nào phù hợp nhất, khả thi và có cách thức tổ chức sản xuất ổn nhất để rót vốn.
Bà Ngô Phương Lan cho biết, các hãng phim muốn tham gia đấu thầu phải xây dựng được một dự án phim gần như hoàn chỉnh trên giấy, và Hội đồng đấu thầu hoàn toàn tôn trọng tính sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ cũng như những đặc thù về sáng tạo của điện ảnh. Cũng theo bà Lan, lâu nay, Cục Điện ảnh vẫn muốn đầu tư phim truyện nhựa theo lối đặt hàng những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh, cách mạng, theo hướng nguồn từ Cục. Việc này sẽ giúp cho cách đi của ngành Điện ảnh rành mạch hơn.
Cơ hội hay thử thách cho các hãng phim Nhà nước?
Đối với các hãng phim Nhà nước, thay vì thụ động chờ đợi đơn đặt hàng và vốn rót từ Cục Điện ảnh, thì nay phải thay đổi hoàn toàn phương thức làm phim. Đây là thách thức không nhỏ đối với bộ máy vốn vận hành theo kiểu cũ, tuy nhiên cũng là cơ hội lớn để các hãng phim Nhà nước xốc lại, thay đổi theo xu hướng của điện ảnh hiện đại.
Tuy nhiên, thay đổi như thế nào vẫn còn là điều khá lúng túng đối với những hãng phim Nhà nước như: Hãng phim truyện 1, Hãng phim truyện Việt Nam, hay Hãng phim Giải Phóng. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (Hãng phim truyện Việt Nam) bày tỏ: “Hiện nay, các hãng phim Nhà nước đang bị đặt trong tình thế này: bao nhiêu năm nay được bao cấp, bây giờ đột ngột đưa ra một quyết định, buộc vừa phải nghĩ đến một vấn đề vĩ mô rất lớn, vừa phải nghĩ chuyện nuôi cái gì, ăn cái gì. Vì thế, việc thay đổi đòi hỏi phải có một tiến trình đúng. Muốn đẩy các hãng phim Nhà nước ra thị trường thì phải trang bị một hệ thống đầy đủ, theo phần lớn các mô hình trên thế giới là một hãng phim phải có đầu ra, có rạp, thậm chí có hệ thống nhà hàng, khách sạn kinh doanh phim và là một tổ hợp liên đới với nhau mới tồn tại được. Đằng này, một hãng phim không có đầu ra, mỗi lần sản xuất phim lại phải đi xin xỏ, nhờ rạp cho chiếu phim này, phim kia thì làm sao tồn tại được. Theo tôi, hiện nay, chúng ta đang khó khăn ở chỗ lúng túng trong lựa chọn một mô hình do cơ chế đặt ra”.
Đạo diễn Vương Đức (Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam) thẳng thắn: “Anh em nghệ sĩ vẫn có thể thành những con thiêu thân vì điện ảnh, nhưng để làm được phim thì vẫn cần phải có những chính sách tài chính phù hợp cho điện ảnh. Tôi mong là bất cứ chính sách cơ chế nào ra đời cũng là để giúp các nghệ sĩ nhanh chóng có những tác phẩm nghệ thuật thực sự giá trị”.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay, các hãng phim Nhà nước hầu hết đều sở hữu những điều kiện tốt về mặt nhân lực, kỹ thuật, và cũng đã quen “chinh chiến” khá nhiều khi phần đông các nghệ sĩ, nhà làm phim đang đi “đánh thuê” cho nhiều hãng tư nhân. Điều quan trọng là, đối với Thông tư về đấu thầu kịch bản điện ảnh nói trên, các hãng Nhà nước sẽ biến đó thành cơ hội hay thách thức còn tùy thuộc vào bản lĩnh và sự nhạy bén của từng hãng. Người được lợi luôn là khán giả khi được thưởng thức những tác phẩm chất lượng cao.
Theo Nhân dân Online