03:04, 02/04/2013

Người gieo suối nguồn yêu thương

Nhớ đến nhà văn Võ Hồng, người đọc nhớ đến những trang văn đầy chất thơ, thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương… Văn của ông nhẹ nhàng, không có những ngôn từ đao to búa lớn nhưng lại có sức sống lâu bền. Tình yêu con người bàng bạc trong từng câu từng chữ, khi gấp sách rồi lòng vẫn còn xao động.

Nhớ đến nhà văn Võ Hồng, người đọc nhớ đến những trang văn đầy chất thơ, thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương… Văn của ông nhẹ nhàng, không có những ngôn từ đao to búa lớn nhưng lại có sức sống lâu bền. Tình yêu con người bàng bạc trong từng câu từng chữ, khi gấp sách rồi lòng vẫn còn xao động.

Tuy đã biết nhà văn Võ Hồng bệnh nặng từ lâu, nhưng khi nghe tin ông ra đi vào chiều 31-3, tôi không khỏi xúc động. Giây phút nghe tin “Người về đầu non”, tôi lại nhớ đến lần may mắn theo họa sĩ Thanh Hồ gặp ông tại nhà riêng vào tháng 9-2006.

Thời điểm ấy, nhà văn vẫn lặng lẽ sống một mình trong căn nhà nhỏ nép mình bên con phố Hồng Bàng (TP. Nha Trang). Mỗi khi có ai đó muốn gặp ông, chỉ cần rung cái chuông làm bằng lon sữa bò phát ra tiếng kêu leng keng là ông có mặt để đón khách. Hôm chúng tôi đến, cái “chuông sữa bò” ấy đã không còn, nhà văn cũng không ra mở cửa mà thay vào đó là người học trò, người nữ thư ký riêng của ông. Sau một lần bạo bệnh cách đó vài tháng, nhà văn Võ Hồng gần như không bước chân ra ngoài. Sợi dây nối ông với thế giới sinh động bên ngoài là vài cuốn tạp chí, báo mà người nhà mua cho ông. Căn phòng nhỏ trên gác của ông thường xuyên khép hờ để tránh gió, ở đó là một thế giới riêng của ông với tủ sách ố vàng, những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian. Ảnh của bà Diệu Báu, người vợ đã sớm lìa xa ông và ba người con còn ở tuổi ấu thơ mà ông thường nhắc đến trong câu chuyện về đời mình được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Có cảm tưởng như hàng ngày, ông vẫn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ vui buồn cùng với bà ấy.

 Nhà văn Võ Hồng.
Nhà văn Võ Hồng.

Nghe người nhà báo có người quen đến thăm, nhà văn Võ Hồng liền ra tiếp khách dù bước chân vẫn còn yếu. Hôm ấy, ông mặc một chiếc áo sơ mi tay dài, đầu đội mũ len che kín 2 tai để tránh gió. Nghe họa sĩ Thanh Hồ nhắc lại chuyện cũ, ông lặng im chìm vào hồi tưởng. Nhắc đến chuyện viết văn, nhà văn Võ Hồng cho biết: “Trí nhớ của tôi đã bị loãng rồi nên hầu như không viết nữa, thỉnh thoảng đọc sách cho đỡ buồn, nhưng vẫn hay quên lắm”. Tôi nhận ra trong giọng nói của ông có sự khát khao được viết của một người cầm bút, dù suốt một đời theo nghiệp văn chương, ông đã cần mẫn như con tằm nhả đến những sợi tơ cuối cùng “dệt” nên những trang văn làm rung động lòng người. Nhà văn Võ Hồng nói một cách nhỏ nhẹ: “Tôi mong ước sẽ có một nhà xuất bản nào đó tập hợp 3 tác phẩm Một bông hồng cho cha, Nghĩ về mẹ, Nửa chữ cũng là thầy thành một cuốn sách mỏng để làm quà tặng cho học sinh trong những ngày tựu trường để gieo vào lòng các em những suối nguồn yêu thương”. Cuộc trò chuyện không dài, nhưng ấn tượng về một nhà văn lớn, rất khiêm nhường với cái chắp tay xá chào lúc từ biệt khiến tôi nhớ mãi.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Võ Hồng đã làm trọn thiên chức của một nhà văn với 8 tiểu thuyết và truyện dài, hơn 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký. Nhắc đến văn của ông, độc giả không quên những tác phẩm như: Hoài cố nhân, Con suối mùa xuân, Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Trầm mặc cây rừng, Vết hằn năm tháng, Nhánh rong phiêu bạt, Một bông hồng cho cha... Văn xuôi của Võ Hồng không có những câu chuyện lắt léo, thay vào đó là những chuyện rất bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn rất thu hút bởi giọng văn luôn nhỏ nhẹ nhưng không kém phần sâu sắc. Văn của ông luôn thấm đẫm tình người, những vùng quê nghèo khó, những con người lam lũ luôn được nói đến với giọng văn trìu mến, bao dung. Cảm tưởng như tất cả những gì hiện ra dưới ngòi bút của ông, trước khi thành mực chảy thấm vào trang sách đã chảy qua trái tim nhân hậu, hết mực yêu thương con người và quê hương đất nước của ông.

Đọc văn của Võ Hồng, có cảm giác như ông đang đi gieo những suối nguồn yêu thương. Các nhân vật của ông dù là “phản diện” cũng được miêu tả rất độ lượng và thường quay về làm người tốt. Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong viết: “Tâm hồn Võ Hồng như được đúc bằng khối thủy tinh trong suốt tình thương, không chịu nổi những va chạm mạnh nên đôi khi lên án cái ác cũng ngọt ngào”. Sự nhân từ ấy có thể dẫn đến những hạn chế về mặt văn chương, nhưng phản ánh đúng tính cách của một nhà giáo - nhà văn, luôn muốn mọi người hướng thiện. Giữa cuộc sống xô bồ, nhiều người tìm về những trang văn của ông để tìm thấy một sự thảnh thơi. Nhiều người nhận xét, đọc những trang văn của Võ Hồng luôn cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi vào tâm hồn nhưng kỳ diệu thay, sau nỗi buồn ấy là sự thanh thản, bình tĩnh tiếp nhận chứ không phải bi lụy. Bởi đó là những trang văn được viết ra từ sự trải nghiệm của cả một đời người, của một tâm hồn yêu cuộc sống.

Giờ đây, nhà văn Võ Hồng - người viết những trang văn thấm đẫm tình người ấy đã về với cõi vĩnh hằng. Người nhà cho biết, khi ra đi, gương mặt ông rất thanh thản như đi vào giấc ngủ, bởi cuộc đời ông không có gì phải tiếc nuối. Nhà văn Võ Hồng đã “về đầu non” nhưng bạn đọc vẫn luôn nhớ đến ông. Nhiều người vẫn tìm “gặp” nhà văn mỗi ngày bằng việc vào trang web www.vohong.de  để đọc tác phẩm của ông.

XUÂN THÀNH