12:04, 27/04/2013

Gieo rộng tình yêu Trường Sa

Chiều 26-4, tại Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Minh Ngọc tổ chức triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu”. Anh cho biết, mình tổ chức triển lãm này là để “trả nợ” Trường Sa, cũng là để công chúng, nhất là lớp trẻ hiểu và thêm yêu Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiều 26-4, tại Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Minh Ngọc tổ chức triển lãm ảnh “Trường Sa thân yêu”. Anh cho biết, mình tổ chức triển lãm này là để “trả nợ” Trường Sa, cũng là để công chúng, nhất là lớp trẻ hiểu và thêm yêu Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.  


- Thưa NSNA Trần Minh Ngọc, từ đâu anh có ý định tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa?


- Tôi có may mắn từng 2 lần đi Trường Sa (năm 2006 và 2012) nên có rất nhiều kỷ niệm với vùng biển đảo này. Trong các chuyến đi ấy, tôi đã thực hiện một số bài viết và phóng sự ảnh về Trường Sa, phản ánh cuộc sống của quân và dân Trường Sa, tình cảm sâu nặng giữa đất liền với đảo xa... Dẫu vậy, tôi vẫn luôn cảm thấy mình mắc nợ Trường Sa quá nhiều.

Phong cảnh đảo Sinh Tồn.
Phong cảnh đảo Sinh Tồn.


Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc và báo chí viết về Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa trên khắp cả nước. Là một nhà báo - NSNA, đồng thời là một công dân của Khánh Hòa, tôi tự thấy mình phải có nghĩa vụ đóng góp điều gì đó trong đợt phát động này, cũng là để “trả nợ” Trường Sa nên tôi tổ chức triển lãm này. Nhiếp ảnh không nằm trong loại hình mà tỉnh đã phát động, nhưng tôi nghĩ nó cũng có sức tác động không kém các tác phẩm báo chí, âm nhạc. Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng leo thang, có nhiều hành động gây hấn trên biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. Tôi muốn qua triển lãm này sẽ góp phần đánh thức tình yêu biển, đảo trong các tầng lớp cán bộ, nhân dân; giúp công chúng hiểu thêm về đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở ngoài đảo... để từ đó thêm yêu Trường Sa

 

- Ở triển lãm này, anh chọn cách “kể chuyện” Trường Sa như thế nào?

 Lên thăm đảo Đá Nam.
Lên thăm đảo Đá Nam.

 

Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật “Trường Sa thân yêu” của NSNA Trần Minh Ngọc được tổ chức tại Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang từ ngày 26-4 đến 1-5. Triển lãm có 70 bức ảnh khổ 50x70cm, ngoài ra, tác giả còn phóng thêm 10 ảnh khổ lớn (2 ảnh 70x200cm, 8 ảnh 70x100cm) để trưng bày ở phía công viên bờ biển đường Trần Phú, Nha Trang. Triển lãm được bố trí như một phóng sự ảnh toàn cảnh về Trường Sa, nhất là cuộc sống của quân và dân trên đảo.

- 70 tác phẩm ở triển lãm lần này, tôi đã chú ý sắp xếp theo trình tự hành trình đến với Trường Sa. Mở đầu cho chuyến đi đầy ân tình đến Trường Sa bao giờ cũng là hình ảnh về buổi tiễn đưa trên bến cảng, ở đó có những giọt nước mắt nhớ thương, những cái vẫy tay của người vợ, người yêu của những người lính đảo... cũng chính là tình cảm sâu nặng giữa đất liền với đảo xa. Tiếp đó, tôi bố trí loạt ảnh ghi lại cảnh những chuyến tàu cập đảo đưa khách lên thăm các đảo; phong cảnh của đảo nhìn từ xa và nhìn từ trên cao. Người xem sẽ thấy sự đổi thay của Trường Sa qua hình ảnh những cây tua bin điện gió vươn thẳng trên bầu trời, mái chùa cong cong hòa trong màu xanh cây lá của Trường Sa, những căn nhà mái ngói đỏ tươi của người dân trên đảo... Từ cái nhìn toàn cảnh, tôi dẫn dắt người xem đến với những khuôn hình trung và cận cảnh ghi lại hoạt động của chiến sĩ và người dân trên đảo như: một buổi duyệt binh kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa, các chiến sĩ tuần tra lúc chiều về, lính trẻ bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền, cảnh các em nhỏ học hành và hồn nhiên vui đùa trên đảo. Triển lãm đương nhiên không thể thiếu hình ảnh về lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Trường Sa, trong đó có 64 người lính đã hy sinh trong cuộc chiến giữ chủ quyền ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Những tấm ảnh này nhắc nhở mọi người không quên về cuộc chiến ngày ấy. Câu chuyện về Trường Sa sẽ khép lại với hình ảnh về tình gắn kết giữa quân dân trên đảo và những cái vẫy tay, lời hát nặng ân tình đất liền với đảo xa lúc chia tay.


- Những khoảnh khắc nào ấn tượng nhất với anh trong những ngày ở Trường Sa có mặt ở triển lãm này?


- Mỗi lần đến Trường Sa tôi luôn có những cảm xúc khác nhau. Lần đầu tiên là sự lạ lẫm, đến lần thứ hai là sự ngỡ ngàng, vui mừng khi nhìn thấy sự đổi thay của Trường Sa. Khi tàu đang tiến vào đảo Song Tử Tây, tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh những tua bin điện gió kiêu hãnh vươn lên trời cao, xa xa phía sau là mái chùa cong cong thân thương như một làng quê yên bình của người Việt. Cầm máy ảnh thu vào ống kính toàn cảnh hòn đảo xanh giữa trùng khơi sóng nước mà lòng tôi tràn ngập niềm tự hào.


Bức ảnh Lính đảo cần mưa lại có một hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt. Khi ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đang cất cao tiếng hát Mưa đi mưa đi đảo nhỏ chờ mưa/Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa trên đảo Sinh Tồn Đông, bất ngờ trời đổ mưa rào giữa cái nắng tháng Tư. Tôi liền cầm máy ảnh chạy ra ngoài chụp lại cảnh trời mưa, bất ngờ nhìn thấy một anh lính trẻ đang nối ống dẫn nước mưa vào bể nước ngầm để phục vụ cho sinh hoạt. Đó là một khoảnh khắc hết sức may mắn.


Hôm đoàn công tác rời đảo Trường Sa Lớn, mọi người trong đảo ra sát cầu cảng để tiễn đoàn.


Từ trên tàu nhìn về phía đảo, tôi thấy Thượng tá Đinh Văn Hải (Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn) và nhà sư Thích Ngộ Thành nắm chặt tay nhau cùng hướng về phía đất liền nên liền bấm máy ghi lại khoảnh khắc ấy. Tôi đặt tên cho bức ảnh là Sát cánh bên nhau vì Trường Sa bởi dường như giữa họ đã có một sự cam kết ngầm với nhau sẽ hết lòng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của đất mẹ Việt Nam... Còn rất nhiều hình ảnh xúc động khác mà tôi không thể kể hết, và cũng nên để cho công chúng tự xem và cảm nhận.


- Được biết, sau triển lãm lần này, anh sẽ tặng một số ảnh cho các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang?

Diễu binh kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa.
Diễu binh kỷ niệm ngày giải phóng Trường Sa.

 

Trong lễ khai mạc, NSNA Trần Minh Ngọc đã ủng hộ quỹ “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi Trẻ 5 triệu đồng.

- Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo không phải ngày một ngày hai, mà có thể kéo dài qua nhiều thế hệ nên mình phải tuyên truyền, nuôi dưỡng tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ. Nơi thanh, thiếu niên tập trung đông nhất chính là trường học, vì vậy, tôi muốn tặng ảnh cho các trường học để ngày ngày học sinh có thể nhìn thấy hình ảnh Trường Sa. Hình ảnh ấy sẽ in sâu vào lòng các em, gieo vào lòng các em tình yêu, biển đảo, Trường Sa và sẽ theo các em đi suốt cuộc đời. Tôi tin sau này lớn lên, dù sinh sống ở đâu, làm bất cứ công việc gì, các em vẫn sẽ nhớ về đất nước, nhớ về Trường Sa. Và mỗi khi cần, các em sẽ sẵn sàng dâng hiến tuổi trẻ của mình cho Trường Sa, cho đất nước.


Ý tưởng là vậy, nhưng vì điều kiện nên tôi chỉ có thể tặng ảnh cho một số trường: Trung học Phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng, 2 trường Trung học Cơ sở Thái Nguyên và Nguyễn Hiền, 2 trường Tiểu học Lộc Thọ và Phước Tiến (mỗi trường 1 tấm ảnh khổ 70x100cm), những con chim đầu đàn của ngành Giáo dục ở Nha Trang. Tôi sẽ đề nghị các trường treo ảnh ở nơi dễ nhìn thấy nhất, để các em có thể nhìn thấy Trường Sa mỗi ngày.


- Xin cảm ơn nghệ sĩ!

 

--------------------------------------------------------------

Xem thêm một số tác phẩm tại triển lãm:

 

Tiễn các cán bộ, chiến sĩ lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ

 

Thăm đảo Trường Sa Đông

 

Nhìn từ xa, đảo Trường Sa lớn xanh tươi

 

Hoàng hôn trên Hải Đăng ở đảo Đá Tây C

 

Lính đảo nhận quà đất liền

 

Mắt đảo

 

Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại vùng đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao

 

Đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn

 

Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Thủy tổ của Hải Quân nhân dân Việt Nam) trên đảo Song Tử Tây

 


XUÂN THÀNH (Thực hiện)