08:04, 29/04/2013

Di tích Lỗ Đất trên bán đảo Cam Ranh

Thành phố Cam Ranh có nền văn hóa lâu đời đến hàng ngàn năm, qua khai quật di chỉ Xóm Cồn đã phát hiện nhiều rìu đá, chum sành do người tiền sử sinh sống nơi đây chế tạo nên.

Từ vị trí quân sự quan trọng


Thành phố Cam Ranh có nền văn hóa lâu đời đến hàng ngàn năm, qua khai quật di chỉ Xóm Cồn đã phát hiện nhiều rìu đá, chum sành do người tiền sử sinh sống nơi đây chế tạo nên. Vịnh Cam Ranh là một trong ba hải cảng tự nhiên tốt nhất thế giới do có đủ các yếu tố cơ bản: độ sâu, chiều rộng, chiều dài và đặc biệt nằm trong vùng ít gió bão. Một dải cát trắng phau, rộng mênh mông với trữ lượng 500 triệu tấn, tỷ lệ si-li-cat trên 99% để chế biển hàng thủy tinh cao cấp, nằm giữa biển Đông và vịnh Cam Ranh, gọi là bán đảo Cam Ranh. Trên bán đảo Cam Ranh nhìn về phía núi Phụng Hoàng có một hồ nước ngọt rất lớn không bao giờ cạn gọi là Cam Hồ.


Do có nhiều đặc điểm thuận lợi về tự nhiên, bán đảo Cam Ranh trở thành vị trí quân sự rất quan trọng mà các thế lực thực dân, đế quốc trên thế giới luôn dòm ngó, hòng chiếm giữ, đặt thủ phủ để đánh nước ta và các nước Đông Dương. Từ năm 1965, Mỹ đổ quân lên bán đảo Cam Ranh, tiến hành xây dựng một căn cứ hùng hậu với một trung tâm huấn luyện hải quân, Bộ Tư lệnh biên phòng, căn cứ tiếp vận tác chiến điện tử, sây bay cấp 1 có thể sử dụng cho tất cả các loại máy bay hiện đại, Trung tâm Market-Time huấn luyện người nhái, nuôi cá heo, nhiều hệ thống ra-đa, đài báo điện tử, cáp ngầm viễn thông, hàng rào kẽm gai, chông mìn… để bảo vệ căn cứ. Đặc biệt, đế quốc Mỹ đã xây dựng tại khu vực Lỗ Đất trên bán đảo Cam Ranh một khu an dưỡng cách biển Đông 100m, phía Tây giáp sân bay. Lỗ Đất là khu an dưỡng của giặc lái, sĩ quan Mỹ và có nhiều kho chứa nhiên liệu, bom đạn, xe quân sự và nhiều hàng hóa quân sự khác.


Đến trận đánh của Tiểu đoàn đặc công 407 anh hùng


Tiểu đoàn 407 đặc công anh hùng của ta đã từng lập nhiều chiến công vang dội tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Buôn Ma Thuột, An Khê, Pleiku, được Quân khu V tin tưởng điều về Khánh Hòa để đánh căn cứ quân sự Mỹ ở bán đảo Cam Ranh. Tiểu đoàn 407 có 250 chiến sĩ, biên chế thành 2 đại đội đặc công bộ, 3 đại đội đặc công nước, và 1 đại đội pháo cốt, 1 bộ phận lo sản xuất lương thực tại Ba Cụm, Khánh Sơn. Đồng chí Bùi Hữu Lịch, Đại đội phó Đại đội 3 trực tiếp chỉ huy trận đánh khu an dưỡng Lỗ Đất. Sau khi trinh sát, vẽ sơ đồ địa hình căn cứ quân sự Mỹ, đồng chí Lịch chia hai mũi tiến công. Mũi 1 do đồng chí Nguyễn Xuân Lâm, Trung đội trưởng Trung đội 1 chỉ huy 3 tổ gồm 6 chiến sĩ. Mũi 2 do đồng chí Nguyễn Văn Nhĩ, Trung đội trưởng Trung đội 2 chỉ huy 3 tổ gồm 6 chiến sĩ. Ngoài 6 tổ trên, còn có 1 tổ khác trang bị súng đạn, mìn chống tăng để diệt quân Mỹ và Nam Triều Tiên tuần tra ở các trục đường, tạo điều kiện cho đặc công ta rút quân trở ra an toàn sau trận đánh. Cách điểm đánh 5km, có một bộ phận phục vụ gồm y sĩ, y tá, trinh sát… do đồng chí Tiểu đoàn trưởng chỉ huy.


Phương án chiến đấu là đánh địch bất ngờ bằng thủ pháo theo cách “nở hoa”, tức là đánh từ ngay trung tâm Lỗ Đất đánh ra, làm địch hoảng hốt cứ ngỡ ta pháo kích từ xa vào căn cứ, chỉ lo nằm trốn pháo mà không tìm đặc công ta đánh. Kết quả đúng như ta dự tính, trận đánh khu an dưỡng Lỗ Đất trên căn cứ quân sự Mỹ ở bán đảo Cam Ranh vào đêm ngày 6, rạng ngày 7-8-1969 giành thắng lợi lớn. Đặc công Đại đội 3, chỉ sau 10 phút đã phá hủy 9 kho chứa 360 tấn hàng quân sự, 2 kho xăng 1 triệu lít, 5 xe quân sự, 25 căn trại, tiêu diệt nhiều tên địch, hầu hết là sĩ quan, giặc lái Mỹ. Đặc công ta thoát khỏi căn cứ quân sự Mỹ một cách an toàn qua hướng Bắc cầu Long Hồ, nơi vịnh hẹp, địch còn sơ hở.


Sau trận này, Đại đội 3 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, đồng chí Bùi Hữu Lịch được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và 4 đồng chí khác được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.


Năm 1995, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định bảo vệ di tích Lỗ Đất. Trung tâm Quản lý di tích-danh thắng đã cắm biển bảo vệ di tích Lỗ Đất để mọi người mãi mãi tự hào về truyền thống đánh địch rất thông minh, sáng tạo, gan dạ của Tiểu đoàn 407 đặc công anh hùng.


Dương Linh