03:03, 20/03/2013

Trung tâm tư liệu cho người học và nói tiếng Pháp

Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp và tỉnh Morbihan, từ năm 1996 đến nay, Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang và Thư viện tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận một nguồn sách tiếng Pháp phong phú về thể loại. Đây là 2 trung tâm tư liệu dành cho giảng viên, học sinh và những người nói tiếng Pháp trong tỉnh.

Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp và tỉnh Morbihan, từ năm 1996 đến nay, Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang và Thư viện tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận một nguồn sách tiếng Pháp phong phú về thể loại. Đây là 2 trung tâm tư liệu dành cho giảng viên, học sinh và những người nói tiếng Pháp trong tỉnh.

Tại Thư viện tỉnh hiện có khoảng 6.500 đầu sách tiếng Pháp do tỉnh Morbihan (Pháp) trao tặng nhân các kỳ Khánh Hòa tổ chức Festival Biển. Trong đó, đa số là sách văn học, chính trị, khoa học kỹ thuật, y học, giáo trình dạy và học tiếng Pháp, truyện thiếu nhi... Đặc biệt, Thư viện có những bộ sách tra cứu, từ điển bách khoa toàn thư bằng tiếng Pháp rất có giá trị. Còn tại Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang (nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm - CĐSP  Nha Trang) hiện có hơn 4.000 đầu sách tiếng Pháp và 500 băng cassette, video, CD-Rom liên quan đến tiếng Pháp. Phần lớn nguồn sách này do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cung cấp theo chương trình ký kết giữa Phòng Hợp tác và Hoạt động văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Trường CĐSP Nha Trang. Đây là 2 địa chỉ, 2 trung tâm tư liệu dành cho giảng viên, sinh viên, học sinh và những người nói tiếng Pháp trong tỉnh.

IMG-0109: Độc giả đến tìm sách tại Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang.
 Độc giả đến tìm sách tại Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang.

Có mặt tại Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang, Khánh Thơ - sinh viên năm thứ 2 môn Tiếng Pháp du lịch, Khoa Ngoại ngữ Trường CĐSP Nha Trang cho biết: “Ở các nhà sách, giá những loại sách, tài liệu bằng tiếng Pháp rất đắt, sinh viên không thể mua nổi. Vì vậy, có một Trung tâm Tiếng Pháp ở trong trường rất thuận lợi, giúp chúng em rất nhiều trong việc tra cứu tài liệu, làm bài tập. Có rất nhiều người Pháp sống tại Nha Trang đến Trung tâm mượn sách, nhờ đó, chúng em có cơ hội được giao tiếp, trao đổi bằng tiếng Pháp”. Còn ông Fabre Henri - người Pháp, đang sống ở Nha Trang cho biết, cứ 2 - 3 ngày, ông lại đến Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang để mượn truyện về đọc. Ở đây có rất nhiều cuốn tiểu thuyết của Pháp rất hay mà ông chưa đọc.

Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang hiện có 730 độc giả, trong đó có 35 độc giả là người Pháp. Trong khi đó, ở Thư viện tỉnh, tuy có nguồn sách tiếng Pháp phong phú hơn nhưng lượng độc giả đến đọc và mượn sách tiếng Pháp rất ít. Bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Năm 2004, khi tỉnh Morbihan tặng sách, thời điểm đó, một số trường có giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp còn đưa học sinh đến Thư viện tham quan, đọc sách. Bây giờ, chỉ có một vài người Pháp sinh sống tại Nha Trang đến mượn truyện để đọc”. Chia sẻ về điều này, ông Lê Quang Du - một độc giả lâu năm của Thư viện tỉnh nói: “Hiện nay, thói quen đọc sách đang có xu hướng giảm. Tỉnh có nhiều trường dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp, vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách khai thác kho tài liệu sách tiếng Pháp hiện có ở 2 địa chỉ trên để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu”.

Ngoài ra, theo góp ý của các độc giả người Pháp, ở Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang và Thư viện tỉnh không có những cuốn sách văn hóa Việt Nam viết bằng tiếng Pháp để người Pháp đến đọc và tìm hiểu về Việt Nam. Nói về vấn đề trên, ông Lê Trung - Trưởng Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang cho biết: “Hàng năm, Trung tâm vẫn bổ sung nguồn sách bằng tiếng Pháp theo nhu cầu của độc giả. Tuy nhiên, sách văn hóa Việt Nam viết bằng tiếng Pháp rất ít vì các nhà xuất bản trong nước không xuất bản”. Cũng theo ông Trung, hoạt động từ năm 1996 đến nay, Trung tâm Tiếng Pháp Nha Trang không chỉ là trung tâm về ngôn ngữ mà còn là một trung tâm hợp tác. Nhiệm vụ của Trung tâm không chỉ giới hạn tại Trường CĐSP Nha Trang mà còn bao gồm các hoạt động Pháp ngữ khác của tỉnh như: Tổ chức những lớp tiếng Pháp tại các trường học; tổ chức thi bằng DELF; giới thiệu thông tin du học Pháp; làm cầu nối thông tin liên lạc và dịch thuật qua lại giữa Pháp và tỉnh Khánh Hòa... Sự tồn tại của Trung tâm như là một hình ảnh sinh động của sự hợp tác Pháp - Việt.

LÊ NGUYÊN