Khi tấm màn nhung của đêm trao giải Cánh diều lần thứ 10 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh khép lại vào tối 9-3, đó cũng là lúc nhiều người làm nghề và công chúng yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy cảm thấy nhớ thời “hoàng kim” của phim Việt.
Khi tấm màn nhung của đêm trao giải Cánh diều lần thứ 10 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh khép lại vào tối 9-3, đó cũng là lúc nhiều người làm nghề và công chúng yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy cảm thấy nhớ thời “hoàng kim” của phim Việt.
Có quá nhiều cảm xúc vui, buồn khi điện ảnh cách mạng nước nhà đang kỷ niệm 60 năm thành lập với nhiều thách thức bề bộn song hành cùng tín hiệu lạc quan cho tương lai.
10 năm vui, buồn
Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) có 2 giải thưởng chính: Bông sen Vàng - liên hoan phim (LHP) quốc gia, với 17 kỳ LHP (trước đây tổ chức 3 năm/lần, sau là 2 năm/lần) tính từ năm 1971 đến 2011; và Cánh diều - giải hàng năm của Hội ĐAVN (giải có từ năm 1993, nhưng chính thức mang tên Cánh diều từ năm 2003). 2 giải thưởng, 2 tiêu chí riêng nhưng cùng chung mục đích đưa ĐAVN phát triển. Trong 3 kỳ LHP quốc gia 15, 16, 17, Ban tổ chức đưa ra một tiêu chí: “Vì một nền ĐAVN đổi mới và hội nhập”; trong khi tiêu chí của giải Cánh diều là: “Đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
Vui vì khi giải thưởng Cánh diều đầu tiên tổ chức vào năm 2003, được VTV truyền hình trực tiếp lễ khai mạc, bế mạc, tạo luồng gió mới hân hoan trong giới làm nghề và cả công chúng yêu phim Việt. “Gió” đã cho Cánh diều phim Việt bay cao, bay xa, thoát ra khỏi phạm vi “nội bộ” như các kỳ giải của Hội ĐAVN trước đó. Mỗi năm, đến hẹn tháng 3, công chúng lại hào hứng ngóng giải. Bao người tò mò năm nay ai sẽ là chủ nhân của Cánh diều Vàng, háo hức vì đây là dịp để được xem miễn phí hầu hết phim Việt được sản xuất trong năm. Nghệ sĩ thì coi đây là dịp gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp, giao lưu với công chúng, cùng sống trong không khí điện ảnh như trong ngôi nhà thân thuộc của mình.
Phim “Chiếc hộp Pandora” mang về cho đạo diễn Đặng Việt Đức Cánh diều Vàng cho thể loại phim ngắn. |
Năm 2008, Luật ĐAVN có nhiều thay đổi tích cực, góp phần mang lại cho giải Cánh diều tính đa dạng, phong phú khi có sự góp mặt toàn diện của các hãng phim tư nhân, các đạo diễn Việt kiều. Tuy mỗi năm quy chế giải có thay đổi, tuy có năm hụt hẫng vì “vàng” không được trao, nhưng giải đã tạo nên một “khoảng trời lộng gió” cho phim Việt có dịp đến với công chúng nhiều hơn. Rồi cũng từ giải thưởng này mà nhiều phim đã được “định danh” trong giới làm nghề cũng như trong tình cảm của công chúng. Một số phim Việt đoạt giải Cánh diều đã góp phần làm nên diện mạo ĐAVN trong thời kỳ mới như: “Thời xa vắng”, “Chuyện của Pao”, “Hà Nội, Hà Nội”, “Áo lụa Hà Đông”, “Đừng đốt”, “Long Thành cầm giả ca”...
Bởi thế, cũng đáng ngẫm ngợi khi vài năm trở lại đây, giải Cánh diều như chao nghiêng, như không thể bay lên hết tầm, rơi vào cảnh hờ hững, lạnh nhạt... Có tình trạng ấy là do nhiều phim dự giải nặng yếu tố giải trí, dễ dãi về nghề, thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh thể hiện sự tìm tòi và tinh thần bứt phá... Một số phim đoạt giải còn thiếu thuyết phục cả về mặt nghề lẫn tầm ảnh hưởng xã hội.
Cánh diều năm thứ 10
Phim mang dấu ấn Nhà nước trong mùa giải này không những chiếm tỷ lệ thấp - 3/11, mà còn không để lại được ấn tượng tốt cho cả người trong giới và khán giả. “Cát nóng” như một sự nâng cấp của phim truyền hình. “Đam mê” không thể khiến cho khán giả “mê” được. “Lạc lối” - bộ phim từng được coi là ẩn số lại ra mắt giám khảo với một bản phim chưa hoàn chỉnh.
Điểm mặt 21 phim truyện nhựa làm trong năm 2012, cuối cùng chỉ có 11 phim nhận lời tham dự. Có vẻ như giải Cánh diều đã không còn thu hút ngay cả với giới làm nghề dù đây là giải chuyên môn mang tính nghề nghiệp cao. Bên cạnh đó, năm 2012 có hơn 7.000 tập phim truyền hình được sản xuất, nhưng chỉ có 460 tập phim (của 18 phim) dự giải. Phim ngắn cũng chỉ có 24 phim. Trong khi đó, số phim ngắn được sản xuất trong năm lên đến cả trăm phim, nhưng nhiều đại diện không có mặt chỉ vì hạn chế về tuổi tác.
Có thể nói, sự bộc lộ hạn chế khiến người làm nghề và công chúng có phần nản, song, về mặt nào đó có thể là dự báo những đổi thay tất yếu của ngành Điện ảnh. Phía trước là một quy hoạch ngành với tầm nhìn đến năm 2030 đang được xây dựng, là ý tưởng thành lập Quỹ Điện ảnh nhằm huy động nguồn lực, tạo đà cho nghệ sĩ; rồi là những quy định liên quan đến cơ chế đầu tư, đặt hàng, đấu thầu các tác phẩm chất lượng...
Không riêng gì giải Cánh diều, các hoạt động khác của điện ảnh đang đòi hỏi những chuyển động thực sự có tính hệ thống.
Theo Dân Trí