Qua 40 năm hoạt động, ngành Điện ảnh Khánh Hòa đã góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân… Hiện tại, Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa đang nỗ lực vượt qua khó khăn, chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất để bắt nhịp với sự trỗi dậy của hoạt động phổ biến phim ở các đô thị lớn.
Qua 40 năm hoạt động, ngành Điện ảnh Khánh Hòa (ĐAKH) đã góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân… Hiện tại, Trung tâm ĐAKH đang nỗ lực vượt qua khó khăn, chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất để bắt nhịp với sự trỗi dậy của hoạt động phổ biến phim ở các đô thị lớn.
Ngày 15-3-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và Nhiếp ảnh Việt Nam, thuộc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ. Không lâu sau đó, những nhà làm phim cách mạng Việt Nam đã có được những thành công bước đầu với những bộ phim tài liệu giàu ý nghĩa như: Giữ làng giữ nước (1953), Điện Biên Phủ (1954)…, mở ra một chương mới cho lịch sử điện ảnh nước nhà.
Dấu ấn ngày đầu
Ở Khánh Hòa, hoạt động điện ảnh cách mạng bắt đầu từ các đội chiếu phim ở chiến khu. Ông Nguyễn Đình Thảng - Giám đốc Trung tâm ĐAKH cho biết: Tháng 10-1971, đội chiếu phim đầu tiên của Khánh Hòa được thành lập tại chiến khu Tà Gộc (Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh). Từ đó đến tháng 3-1973, các đội chiếu phim của tỉnh đã thực hiện 200 buổi chiếu với hàng chục vạn người xem. Những bộ phim như: Vợ chồng A Phủ, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu và những phim tài liệu về Bác Hồ... đã giúp cán bộ, chiến sĩ và người dân vững thêm niềm tin, vượt qua gian khổ để hướng đến ngày thống nhất đất nước.
Các thành viên của đội chiếu bóng Khánh Hòa năm xưa về lại thôn Tà Gộc (xã Khánh Thượng, Khánh Vĩnh), nơi diễn ra buổi chiếu phim đầu tiên vào tháng 10-1971. |
Tháng 4-1975, Nha Trang - Khánh Hòa được giải phóng. Các đội chiếu phim cách mạng nhanh chóng tiếp quản những cơ sở chiếu phim ở đô thị, tổ chức các buổi chiếu phục vụ nhân dân, góp phần ổn định cuốc sống ở vùng mới giải phóng. Ông Đinh Xuân Thặng - nguyên Giám đốc Công ty ĐAKH (nay là Trung tâm ĐAKH) nhớ lại: “Ngày 3-4-1975, chúng tôi về đến Diên Sơn, Diên Điền (Diên Khánh) và tiến hành buổi chiếu đầu tiên trong niềm vui giải phóng. Sau đó, đội chúng tôi xuống tiếp quản Nha Trang, chiếu phim phục vụ đồng bào nơi đây. Ban ngày, chúng tôi tổ chức chiếu tại rạp Tân Tân, ban đêm chiếu ở chợ Đầm, cảng, cửa nhà ga Nha Trang và ở những khu đông dân”. Giữa thành phố vừa im tiếng súng, những chàng trai, cô gái phố biển chen vai vào rạp, cảm xúc dâng trào theo những thước phim: Nổi gió, Bài ca ra trận... Hình ảnh ấy mãi vẫn còn trong ký ức của lớp người làm công tác chiếu bóng ngày ấy.
Người dân xã Khánh Thượng xem phim “Mùi cỏ cháy”. |
Đầu năm 1976, Quốc doanh Chiếu bóng và Phát hành phim của tỉnh ra đời. Trong một thời gian ngắn, hoạt động điện ảnh ở Khánh Hòa đã lớn mạnh về nhiều mặt. Toàn tỉnh có 11 rạp chiếu phim, 14 đội chiếu phim lưu động, hơn 200 cán bộ, công nhân viên. Các rạp và đội chiếu phim được triển khai rộng khắp, hàng năm thực hiện hàng vạn buổi chiếu... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng xa xôi hẻo lánh. Ở Nha Trang, những bộ phim như: Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Mối tình đầu, Tội lỗi cuối cùng... đã làm các rạp phim chật cứng khán giả. Điện ảnh trở thành hạt nhân để xây dựng nhiều hoạt động văn hóa khác như: Trại hè “Thiếu nhi với điện ảnh” với phần thi kể chuyện phim, vẽ theo phim; các câu lạc bộ điện ảnh. Đặc biệt, Câu lạc bộ Điện ảnh trẻ thuộc Tỉnh đoàn thường xuyên có những buổi nói chuyện phim rất sôi nổi, hào hứng... Sự yêu mến phim ảnh của các tầng lớp khán giả đã thúc đẩy guồng máy điện ảnh Nhà nước ở Khánh Hòa chạy hết công suất, doanh thu chiếu phim của điện ảnh rất lớn.
Vượt qua khó khăn
Với bề dày truyền thống hơn 40 năm, Trung tâm ĐAKH đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1991; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1998, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2011… Ngoài ra, nhiều cá nhân và đơn vị trực thuộc Trung tâm cũng được khen thưởng. |
Thế nhưng, thời kỳ vàng son của điện ảnh chỉ kéo dài hơn 10 năm. Từ cuối thập niên 80, hoạt động điện ảnh đi xuống. Phim video được sản xuất hàng loạt đã lất át phim nhựa, dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, các rạp chiếu dần đóng cửa... Trong tình hình đó, Công ty ĐAKH đã có nhiều nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn. “Bên cạnh việc duy trì chiếu phim nhựa, chúng tôi đã tổ chức làm dịch vụ video, in nhân băng có nội dung lành mạnh để đánh bật các loại băng trôi nổi, có nội dung xấu; phát hành băng đến các đại lý, phục vụ đến từng gia đình. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động vốn, mua máy nhân băng, máy chiếu phim 300inch, chiếu phim video...”, ông Thặng nhớ lại.
Năm 1995, Công ty ĐAKH tái lập các đội chiếu phim lưu động. Các đội lại lên đường mang phim về phục vụ bà con ở các bản làng, những điểm dân cư hẻo lánh. Theo thống kê của Trung tâm ĐAKH, từ năm 1995 đến nay, các đội chiếu phim lưu động đã thực hiện hơn 27.000 buổi chiếu, phục vụ cho triệu lượt người xem, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống cơ sở... Ở Nha Trang, Trung tâm ĐAKH đã nỗ lực duy trì hoạt động chiếu phim có thu ở rạp số 10 Hoàng Hoa Thám (được xây dựng năm 1990 nhân dịp Liên hoan phim Việt Nam tổ chức ở Nha Trang). Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm đều tổ chức các tuần phim, đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị - xã hội theo kế hoạch của tỉnh và ngành Điện ảnh.
Năm 2012, tại TP. Nha Trang đã ra đời 2 cụm rạp chiếu phim mới thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Sự xuất hiện các rạp mới đã làm hoạt động chiếu phim ở Nha Trang có bước phát triển mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho Trung tâm ĐAKH thách thức mới trong hoạt động. Theo ông Nguyễn Đình Thảng, sắp tới, Trung tâm ĐAKH sẽ triển khai dự án liên doanh “Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt” tại số 10 Hoàng Hoa Tham, Nha Trang. “Với số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, khi hoàn thành, cơ sở này sẽ có 3 - 4 phòng chiếu phim 2D, 3D, kỹ thuật số với khoảng 600 ghế. Ngoài ra còn có 1 sân khấu đa năng dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại”, ông Thảng cho biết.
Hy vọng, với sự đầu tư này, thời gian tới, hoạt động của Trung tâm ĐAKH sẽ có nhiều bước phát triển mới.
NHẬT LỆ