10:02, 16/02/2013

Sưu tầm và xuất bản sử thi tại Tây Nguyên: Cần được đầu tư và dành nhiều tâm sức

Theo Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” đã cho thấy, vùng đất này đã tồn tại và đang lưu giữ một kho tàng sử thi vào loại phong phú, đồ sộ và hiếm có trên thế giới.

Theo Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” đã cho thấy, vùng đất này đã tồn tại và đang lưu giữ một kho tàng sử thi vào loại phong phú, đồ sộ và hiếm có trên thế giới. Tuy nhiên, việc phiên âm, biên dịch và bảo tồn kho tàng văn hoá dân gian quý báu này không phải chỉ tiến hành một sớm một chiều, của một cá nhân mà cần sự chung tay cả cộng đồng để tiếp tục hoàn chỉnh hơn nữa bộ sử thi quý giá này.

 

Bộ sử thi có một không hai

 

Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận thực hiện từ tháng 10/2001 với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Đến nay, đã sưu tầm được 801 tác phẩm với tổng số 5.679 băng ghi âm loại 90 phút; điều tra và lập danh sách 388 nghệ nhân hát kể sử thi và văn nghệ dân gian.

 

Cho đến nay, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã tiến hành dịch nghĩa được 123 tác phẩm thuộc 7 dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên; công bố 75 tác phẩm sử thi của 6 dân tộc, trong đó gồm 30 tác phẩm của dân tộc Ba Na, 26 tác phẩm của dân tộc M’Nông, 10 tác phẩm của dân tộc Ê Đê, 4 tác phẩm của dân tộc Xê Đăng, 3 tác phẩm của dân tộc Gia Rai và 2 tác phẩm của dân tộc Chăm, bình quân mỗi tác phẩm có độ dày 1.000 trang khổ lớn và được in song ngữ.

 

Các nhà điều tra chuyên môn đã tiến hành khảo sát thực địa ở hàng nghìn, bon, buôn, làng thuộc 530 xã, phường, thị trấn của 56 huyện, thành phố khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận như Khánh Hoà, Phú Yên, Quảng Nam… Qua đó, đã gặp được gần 400 nghệ nhân còn nhớ, biết hát và kể sử thi của các dân tộc tại chỗ. Quý giá nhất là có ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn (sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ) đồ sộ được phát hiện. Đó là các sử thi Ốt Drông (của người M’Nông), Dông (của người Ba Na) và Dăm Diông (của người Xê Đăng)...

 

Khó khăn trong thực hiện dự án

 

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, Giám đốc điều hành dự án cho biết: “Hiện mới có 62 tập sách với 60.000 trang in chứa 75 tác phẩm sử thi của 6 dân tộc: Ba Na, Xê Đăng, M’Nông, Ê Đê, Chăm và Ra Glâi được phiên âm, biên dịch, xuất bản bằng song ngữ. Và chừng đó chỉ như “muối bỏ bể” so với khối lượng đã sưu tầm 822 tác phẩm”.

 

Còn GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viện Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết thêm: “Tình trạng thưa thớt và tuổi tác của các nghệ nhân, khiến công tác phiên âm, biên dịch trở thành khâu khó khăn nhất hiện nay”. Công tác phiên âm và biên dịch chủ yếu dựa vào các nghệ nhân và trí thức người dân tộc thiểu số, trong khi đó một thực tế lực lượng này quá mỏng.

 

 

Bộ sử thi đồ sộ của người M’Nông do nghệ nhân Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn.
Bộ sử thi đồ sộ của người M’Nông do nghệ nhân Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn.

 

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu văn hoá thì số lượng nghệ nhân, trí thức có khả năng phiên âm dịch nghĩa trong quá trình thực hiện dự án chỉ còn khoảng 35 người. Riêng dân tộc Gia Rai hiện chưa tìm được người nào có khả năng biên dịch sử thi”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tỉnh Kon Tum chỉ có 2 người có khả năng phiên âm và biên dịch sử thi là A Ja (cả Xê Đăng và Ba Na) và A Thút (Xê Đăng), trong khi số lượng sưu tầm sử thi lên đến hàng trăm tác phẩm. Về chất lượng, mặc dù được đánh giá là người khá giỏi như ông A Ja thì mới dịch chính xác được khoảng 70% nội dung của tác phẩm.

 

Với sử thi M’Nông, trong khi sưu tầm được hàng trăm tác phẩm nhưng lâu nay chỉ trông chờ vào mỗi nghệ nhân Điểu Kâu ở xã Đắk Rung, huyện Đăk Song (Đắk Nông), trong khi đó nghệ nhân này đã qua đời vào năm 2008 do bị ung thư phổi nặng nên có nhiều tác phẩm mà ông đang thực hiện đành phải gác lại.

 

Theo thống kê, từ khi triển khai dự án đến nay, hơn 10 nghệ nhân biết hát kể, phiên âm và biên dịch do tuổi cao sức yếu lần lượt qua đời. Qua đó, cho thấy nếu không làm khẩn trương, chẳng bao lâu nữa, những pho sử thi sống về với tổ tiên ông bà, đó là tổn thất rất lớn không thể bù đắp được.

 

Nghệ nhân Điểu Klung ở buôn Tul A, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) là người thuộc nhiều và có khả năng diễn xướng được sử thi khi ông có thể hát kể được hơn 100 sử thi. Hơn 10 năm qua, Điểu Klung đã hát kể, ghi băng cung cấp cho các nhà nghiên cứu hơn 90 sử thi… Giờ thì Điểu Klung đã bước vào tuổi cao, sức yếu, trí nhớ đã mai một.

 

Các chuyên gia luôn trăn trở khi dân tộc thiểu số Tây Nguyên xuất phát từ buôn làng để rồi trở lại buôn làng. Nhưng liệu các tác phẩm sử thi đã được phiên âm, biên dịch và in thành sách có sống lại được, trở về được với buôn làng hay không?...

 

Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” đã khẳng định sự phong phú, giá trị to lớn của kho tàng sử thi Tây Nguyên. Nhưng để sử thi Tây Nguyên mãi mãi trường tồn thì cần phải thực hiện các dự án về biên dịch, xuất bản và nghiên cứu sử thi Tây Nguyên; đưa sử thi vào cuộc sống, cũng như mở các lớp truyền dạy sử thi vào trong các trường dân tộc nội trú, cao đẳng và đại học ở Tây Nguyên.

 

Đặc biệt, mới đây, Sở VHTT&DL Đắk Lắk đã hoàn tất và gửi Bộ VHTT&DL Báo cáo khoa học “Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Đắk Lắk đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Trên cơ sở đó kiến nghị Bộ VHTT&DL có kế hoạch cho việc bảo tồn và lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Sử thi Tây Nguyên là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đã mở ra một hy vọng mới cho cho sự tồn tại của dòng văn hóa có một không hai này tại Việt Nam.

Theo CAND