Tuy xa rời sàn diễn đã lâu nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang vẫn luôn đau đáu với sân khấu ca kịch bài chòi. Với anh, ca kịch bài chòi đã ăn vào máu thịt!
Tuy xa rời sàn diễn đã lâu nhưng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hoàng Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch (VHNT-DL) Nha Trang vẫn luôn đau đáu với sân khấu ca kịch bài chòi. Với anh, ca kịch bài chòi đã ăn vào máu thịt!
Duyên với ánh đèn sân khấu
Có lẽ nghiệp sân khấu đã chọn Hoàng Minh Tâm - khi chàng trai người Thanh Hóa, vốn không biết gì về dân ca Khu V lại trúng tuyển lớp diễn viên do Đoàn Ca kịch giải phóng Khu V tuyển chọn và tốt nghiệp loại xuất sắc hệ trung cấp diễn viên ca kịch bài chòi. Đầu năm 1974, Đoàn Ca kịch giải phóng khu V được tung vào chiến trường phục vụ chiến sĩ và đồng bào Nam Trung bộ. Sau ngày đất nước giải phóng, đoàn được chuyển thành Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm gắn bó với Khánh Hòa từ đó.
Ngay từ lúc khởi nghiệp, với ngoại hình ăn sân khấu, giọng hát truyền cảm, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm đã được giao đảm nhận những vai nam chính (kép hoa) trong các vở diễn của đoàn. Trong những năm tháng vàng son của Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh, anh là một trong những tên tuổi sáng giá nhất, được chọn đóng cặp cùng các nghệ sĩ: Khánh Ngọc, Thanh Bình, Hạnh Nguyên. Cho đến bây giờ, nhiều người yêu ca kịch bài chòi ở Khánh Hòa vẫn chưa quên những vai diễn ấn tượng của anh qua các vở: Tiếng đàn thuở xa xưa (vai Pinăng Hiêng), Mối tình qua Tết Lirboong (vai K’ty), Đôi dòng sữa mẹ (vai Anh Đức), Nàng Sita (vai Pơ Liêm), Vua hóa hổ (vai Từ Đạo Hạnh)... Năm 1985, vở ca kịch Mối tình qua Tết Lirboong đã gây tiếng vang lớn tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm được tặng Huy chương Vàng với vai K’ty. 2 năm sau, anh tiếp tục giành giải A với vai diễn Anh Đức trong vở dân ca kịch Đôi dòng sữa mẹ. “Ngày ấy, đời sống khó khăn, nhưng chúng tôi đã luôn sống hết mình cho vai diễn. Khi đảm nhận vai K’ty, tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu cách đi đứng, nói năng, cách bày tỏ cảm xúc của người đàn ông dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tôi đã tập luyện rất nhiều để có được tiếng thét đau đớn của K’ty khi nghe tin người vợ yêu dấu bị địch bắt”. Nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức nhận xét: “Nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm là một diễn viên ca kịch bài chòi tài năng hiếm có ở khu vực miền Trung. Cho đến bây giờ, tuy xa rời sàn diễn khá lâu nhưng khán giả vẫn nhớ những vai diễn của anh”.
Cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” do Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm dàn dựng. |
Năm 1988, Hoàng Minh Tâm thi đậu vào lớp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Trong gần 4 năm, anh vừa học, vừa dựng vở cho các đoàn nghệ thuật. Năm 1992, khi tốt nghiệp lớp đạo diễn, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm đã có vốn liếng về nghề đạo diễn khá dày dặn. Do trưởng thành từ nghiệp diễn, nên anh có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, vũ đạo... để hướng dẫn cho diễn viên làm chủ sân khấu. Nhiều người trong nghề nhận xét, các vở diễn do anh dàn dựng đều rất chắc tay, luôn khuyến khích sự sáng tạo của diễn viên, có những nét riêng. Các vở diễn: Ba giọt máu đào (Sự tích nàng muỗi), Chiếc bóng oan khiên của Đoàn Ca múa kịch Nghệ An do anh đạo diễn trước khi tốt nghiệp đã được trao Huy chương Bạc ở kỳ hội diễn sân khấu năm 1992. Tiếp đó, năm 1995, vở Trả lại tên cho con của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 do anh dàn dựng được nhận Huy chương Vàng ở Hội diễn Nghệ thuật toàn quân. Với những thành tích đó, năm 1992, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Nặng nợ với bài chòi
Năm 1992, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm chia tay Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa về công tác ở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Khánh Hòa (nay là Trường Cao đẳng VHNT-DL Nha Trang). Bao nhiêu tâm huyết, nỗi nhớ sàn diễn được anh dồn vào việc truyền dạy cho học viên các lớp dân ca kịch, bài chòi. Giờ đây, các học sinh của anh ngày ấy đã có nhiều người đã thành danh như các nghệ sĩ: Nhật Lệ, Bích Vương, Ngọc Tâm...
Hiện nay, tuy bận rộn với công tác quản lý nhưng nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm vẫn tranh thủ thời gian đứng lớp để giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Những năm gần đây, việc tuyển sinh học viên ngành sân khấu truyền thống rất khó khăn, không đủ chỉ tiêu (mỗi lớp chỉ có 2, 3 học viên) nhưng trường vẫn cố gắng duy trì. “Chúng tôi đã phải chấp nhận bù lỗ, điều phối nguồn thu từ các ngành đào tạo khác để lấy chi phí đào tạo hai lớp diễn viên tuồng và dân ca”, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm cho biết. Trong các cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm đã nhiều lần đề nghị tỉnh có chính sách quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, nhất là ca kịch bài chòi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm luôn đau đáu với sự tồn vong của ca kịch bài chòi. Sân khấu truyền thống đi xuống có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong đó vẫn có trách nhiệm của người nghệ sĩ. Anh tâm sự rằng mình rất buồn khi thấy các diễn viên trẻ bây giờ ít chịu đầu tư cho nghề. “Người nghệ sĩ muốn thành công, đứng được trong lòng khán giả phải vắt kiệt sức trên sàn tập, phải suy nghĩ, tìm tòi nét riêng cho nhân vật... Nếu người nghệ sĩ không trân trọng vai diễn của mình thì làm sao đòi hỏi khán giả trân trọng. Nghệ sĩ trên sân khấu mà nhàn nhạt thì ca kịch bài chòi còn cũng như mất”, nghệ sĩ Hoàng Minh Tâm nhắn nhủ.
XUÂN THÀNH