11:12, 14/12/2012

Không làm khó các họa sĩ trẻ

Lâu nay, khi đề cập đến đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, nhiều người vẫn quan niệm đó là một bài toán hóc búa đối với các họa sĩ trẻ.

Lâu nay, khi đề cập đến đề tài lực lượng vũ trang (LLVT), chiến tranh cách mạng (CTCM), nhiều người vẫn quan niệm đó là một bài toán hóc búa đối với các họa sĩ trẻ. Nhưng thực tế sáng tác cho thấy, mảng đề tài này không những không làm khó các họa sĩ trẻ mà còn là nơi để họ thỏa sức sáng tạo.

Những góc nhìn từ một trại sáng tác

Từ ngày 1 đến 14-12, tại Nha Trang, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức trại sáng tác về đề tài LLVT, CTCM cho 15 họa sĩ trẻ trong cả nước. Sau thời gian tập trung sáng tạo, các họa sĩ đã cho ra đời 26 tác phẩm. Những tác phẩm của các họa sĩ đến từ các tỉnh thành phía Nam cho thấy tình yêu quê hương, đất nước, con người. Tác phẩm Hoa bàng vuông của họa sĩ Siu Quý khắc họa hình tượng người chiến sĩ hôm nay. Với cái nhìn lãng mạn, bằng hình thức nghệ thuật bán trừu tượng, các tác phẩm Đảo xa, Tiêu điểm, Cõi phong ba, Biển của ta, Trường Sa không xa của các họa sĩ Minh Tâm, Phạm Tuấn Cường, Mai Anh Dũng, Phan Đình Phúc đã dẫn dắt người xem đến với hình tượng người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Cùng chung nội dung trên, các họa sĩ ở Nha Trang cũng có những cái nhìn khá sắc sảo về đề tài LLVT, CTCM. Những tác phẩm như Trước ban bay, Trong bão, Thư nhà, Trường Sa trong tôi, Ký ức chiến tranh của các họa sĩ Lưu Thành Quả, Phạm Xuân Điềm, Đặng Văn Đức, Nguyễn Lưu phần nào nói được tư thế chủ động trước mọi tình huống của các chiến sĩ. Họa sĩ Phạm Chinh Nam trình làng 2 tác phẩm Quân y về bản, Làm dân vận thể hiện cảm xúc, ấn tượng của anh về tình quân dân ở vùng miền núi phía Bắc.

Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang xem những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng do các họa sĩ trẻ thực hiện.
Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang xem những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng do các họa sĩ trẻ thực hiện.

Sử dụng cái nhìn trừu tượng về chiến tranh, 2 họa sĩ Nguyễn Đình Dàng, Nguyễn Ánh Dương đến từ Huế đã diễn tả trang sử hào hùng của dân tộc bằng cái nhìn mới về chiến tranh. Nắng trong mưa, Hào khí Bạch Đằng, Chiến sĩ Trường Sơn, Chiều Trường Sơn là những tác phẩm thể hiện được tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của các thế hệ ông cha. Các họa sĩ đến từ Hà Nội tiếp cận đề tài khá linh hoạt. Họa sĩ Bùi Anh Hùng gợi lại không khí hào hùng, oanh liệt của các chiến sĩ tự vệ Thủ đô năm xưa với các tác phẩm Bất diệt, Xung kích. Họa sĩ Đỗ Khải lại vẽ về cây cầu Long Biên như một chứng nhân cho thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tiếng chim rừng của họa sĩ Việt Anh là khát vọng tình yêu cháy bỏng trong chiến tranh và niềm tin vào một tương lai rực sáng….

Có thể nói, các họa sĩ đã phản ánh được chiều sâu tình cảm và trách nhiệm của người nghệ sĩ trước đề tài LLVT, CTCM. “Qua trại sáng tác lần này, chúng tôi đã phát hiện thêm một thế hệ họa sĩ mới, trẻ trung, sung sức, sáng tạo. Những tác phẩm từ trại sáng tác đã nhen nhóm lên ý tưởng táo bạo, cách đặt vấn đề mới mẻ về đề tài LLVT, CTCM”, Đại tá Đinh Tiến Dược - Bí thư Đảng ủy Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhận xét.

Biết cách làm mới đề tài

Các họa sĩ tham dự trại sáng tác lần này đều sinh ra, lớn lên trong thời kỳ đất nước đã hòa bình. Những cảm nhận về chiến tranh chỉ đến với họ thông qua sách, báo, phim, ảnh và lời kể của thế hệ đi trước. Không có sự trải nghiệm trong môi trường thực tế nên họ có nhiều khó khăn khi sáng tác. Trước họ, đã có quá nhiều tên tuổi ghi dấu ấn ở mảng đề tài LLVT, CTCM như Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ, Văn Đa, Lư Toàn, Lê Duy Ứng, Tạ Quang Bảo, Hoàng Trầm, Huỳnh Phương Đông…Vậy, vẽ về đề tài chiến tranh, các họa sĩ trẻ thể hiện bằng cách nào? “Khi tiếp cận với đề tài LLVT, CTCM, chúng tôi không sa vào việc phản ánh hiện thực của cuộc chiến, mà vẽ bằng ý tưởng thông qua các hình tượng mang tính biểu tượng cao để diễn đạt cái nhìn của những người trẻ hôm nay về cuộc chiến năm xưa”, họa sĩ Bùi Anh Hùng tâm sự. Còn với họa sĩ Siu Quý, anh đã có được một cái nhìn mới: “Đề tài LLVT, CTCM là một đề tài lớn, nhưng mang tính cụ thể nên cần có cách tiếp cận phù hợp. Tôi đã khai thác được những khía cạnh khác nhau và đã tìm được hứng thú trong đề tài này”.

Cái khó trong đề tài về LLVT, CTCM còn nằm ở sự khô khan của nó. Nếu họa sĩ không có nghề thì dễ rơi vào tình trạng vẽ minh họa, cổ động mà ít tính nghệ thuật. Cùng với đó, tranh vẽ về đề tài thường ít khi bán được, không được giới chơi tranh yêu thích nên rất khó để kích thích họa sĩ trẻ theo đuổi. “Họa sĩ vốn chỉ vẽ những gì mình thích nên đề tài này ít khi được các họa sĩ trẻ để ý tới. Chính vì thế, chúng ta phải có những hành động thiết thực để khuyến khích, động viên các họa trẻ tìm tòi, sáng tạo ở mảng đề tài này. Những ý tưởng của các họa sĩ trẻ cần được kịp thời đầu tư để cho ra đời những tác phẩm hoàn thiện”, họa sĩ Lê Huỳnh - Trưởng khoa Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang) chia sẻ.

Có thể thấy, nhiều họa sĩ trẻ đã tìm cách làm mới đề tài LLVT, CTCM để nó không trở nên cũ và vẫn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Làm được điều đó, các họa sĩ trẻ hôm nay đã và đang thể hiện sự tri ân của mình đối với thế hệ cha ông đi trước.

Nhân Tâm