10:12, 18/12/2012

Cầu nối để xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Năm 2011, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) triển khai xây dựng thí điểm mô hình các câu lạc bộ văn hóa tộc họ nhằm phát huy giá trị truyền thống của gia tộc và góp phần xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Năm 2011, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH-TT) huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) triển khai xây dựng thí điểm mô hình các câu lạc bộ (CLB) văn hóa tộc họ nhằm phát huy giá trị truyền thống của gia tộc và góp phần xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Phát huy vai trò của mỗi gia tộc

Một buổi sinh hoạt của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn.
Một buổi sinh hoạt của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn.

Đến CLB văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn ở thị trấn Diên Khánh, chúng tôi được Ban chủ nhiệm cũng là hội đồng gia tộc kể về truyền thống lâu đời của tộc họ Huỳnh Tấn. Đây là tộc họ lớn và lâu đời vào bậc nhất nhì ở làng Phú Lộc (Diên Khánh). Ông Huỳnh Tấn Xượt - Tộc trưởng, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Tộc họ Huỳnh Tấn có mặt tại đây từ năm 1839, đến nay đã hơn 170 năm. Cụ tổ của dòng họ là ông Huỳnh Tấn Lễ tự Lộc từng giữ chức Chánh xuất đội trưởng tại Thành Diên Khánh dưới thời vua Minh Mạng thứ 19. Ông cũng là người khai lập nên làng Phú Lộc này. Giữ gìn và phát huy truyền thống lâu đời của gia tộc, được sự hướng dẫn của Phòng VH-TT huyện, chúng tôi đã thành lập CLB văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn nhằm giáo dục và vận động con cháu xây dựng đời sống ngày càng tốt đẹp, lành mạnh”.

Cùng với tộc họ Huỳnh Tấn, tộc họ Huỳnh Trung (xã Diên Điền) và tộc họ Phạm (xã Diên An) cũng thành lập các CLB văn hóa tộc họ. Trong hoạt động chung của tộc họ, CLB luôn lồng ghép nhiều hoạt động giáo dục ý thức, nhận thức cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống tốt đẹp, khuyên nhủ con cháu sống lành mạnh. Vào ngày Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, Ban chủ nhiệm CLB Huỳnh Tấn vận động con cháu đến nhà thờ họ để học nhóm, chơi thể thao; cử người có trình độ học vấn đến hướng dẫn cho các cháu. Đồng thời, trong nhà thờ họ, Ban chủ nhiệm CLB còn xây dựng tủ sách, báo với nhiều đầu sách về văn học, sức khỏe, pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... để con cháu tham khảo, học hỏi.

Một buổi sinh hoạt của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn.
Ông Huỳnh Tấn Xượt - Tộc trưởng tộc họ Huỳnh Tấn giới thiệu lịch sử lâu đời của dòng họ.

Trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, CLB văn hóa tộc họ Phạm luôn quan tâm và nêu cao vai trò đi đầu của dòng họ trong việc làng, việc nước như: xây dựng công trình công cộng, đóng góp hoạt động từ thiện, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự thôn xóm... CLB còn trực tiếp đứng ra giải quyết kịp thời và có hiệu quả những xung đột, xích mích trong gia tộc, dòng họ; giữa người trong và ngoài dòng họ; khuyên nhủ, giáo dục kịp thời những thanh, thiếu niên trong dòng họ có biểu hiện tiêu cực như uống rượu bia, cờ bạc...

Nhân rộng trên địa bàn toàn huyện

Theo số liệu thống kê của Phòng VH-TT huyện Diên Khánh, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 120 dòng tộc. Trong đó, nhiều dòng tộc có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Các gia tộc, dòng họ là chủ thể chính trong việc giải quyết những xung đột, xích mích trong gia tộc, dòng họ; đảm trách những công việc lớn như tế lễ, cưới xin, tang ma... Chính các hoạt động trên làm cho văn hóa của các làng xã thêm phong phú, giàu bản sắc; đồng thời gắn kết

1
Tủ sách mini đặt tại nhà thờ họ do Câu lạc bộ văn hóa tộc họ Huỳnh Tấn xây dựng.

và củng cố mối quan hệ cộng đồng làng xã vừa bền chặt, vừa rộng mở. Ông Đặng Chí Thiệu - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Diên Khánh cho biết: “Trong đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của người Việt, dòng họ, gia tộc có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, huyện Diên Khánh lại là địa phương có nhiều tộc họ lớn và lâu đời. Vì vậy, Phòng VH-TT huyện đã thành lập các CLB văn hóa tộc họ thí điểm ở 3 đơn vị: thị trấn Diên Khánh, xã Diên Điền và xã Diên An. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực được lồng ghép trong hoạt động chung của dòng họ như: thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài; đoàn kết, tương trợ trong dòng tộc, xây dựng tủ sách mini..., các CLB đã cho thấy hiệu quả bước đầu sau hơn 1 năm hoạt động. Đây được coi là mô hình mới, góp phần xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở bền vững hơn”.

Ông Thiệu cho biết thêm, từ hiệu quả của 3 CLB thí điểm, huyện đã nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Đây chính là cầu nối giữa gia đình với xã hội nhằm xây dựng thiết chế văn hóa bền vững ở cơ sở. Quan trọng hơn, thông qua việc giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ con cháu của mỗi dòng tộc sẽ có ý thức cao hơn trong giữ gìn tiếng thơm cho gia tộc mình và cũng là xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tốt đẹp hơn.

HOÀNG DUNG