Giữa đại dương mênh mông, Trường Sa hôm nay hiện ra thật gần gũi, thân thương. Đó là những ngôi làng nhỏ với lũy tre, mái chùa, tiếng trẻ ê a đánh vần trên lớp học ven chân sóng… Và nơi đó đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân ta, minh chứng sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc tự bao đời.
Giữa đại dương mênh mông, Trường Sa hôm nay hiện ra thật gần gũi, thân thương. Đó là những ngôi làng nhỏ với lũy tre, mái chùa, tiếng trẻ ê a đánh vần trên lớp học ven chân sóng… Và nơi đó đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân ta, minh chứng sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc tự bao đời.
Không gian làng nơi đảo xa
Đêm Trường Sa sóng vỗ rì rào. Chập chờn giấc ngủ, tôi chợt tỉnh, đồng hồ điểm 4 giờ sáng, tiếng gà gáy vang lên khắp đảo, xen lẫn là tiếng chuông chùa, một cảm giác thanh bình khó tả. Thấp thoáng giữa những tán lá bàng vuông, gần chục nóc nhà mái ngói đỏ tươi mờ ảo trong sương sớm. Nơi ấy là ngôi làng nhỏ bé, bình dị nằm nép mình bên bờ sóng. Ở đó có những cặp vợ chồng trẻ, với 2 con nhỏ, sống trong những ngôi nhà san sát nhau. Mỗi hộ đều có không gian riêng để trồng rau, nuôi gà, heo...
Hàng ngày, những người đàn ông trong các gia đình tham gia đội ngũ dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, cùng bộ đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo. Còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn trồng rau, nuôi heo, gà và chăm con học hành. Cuộc sống bình dị cứ trôi qua mỗi ngày, không ồn ào, vội vã, tấp nập như nơi phố thị. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống trên đảo, chị Nguyễn Thị Phương Dung - một hộ dân tại thị trấn Trường Sa cho biết: “Cuộc sống ở đây rất thanh bình, dù không được như đất liền song sinh hoạt hàng ngày cũng tương đối đầy đủ. Các con đều được học hành trong điều kiện tốt. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, cũng như đồng bào khắp cả nước”.
Tuy còn những khó khăn nhất định nhưng cuộc sống nơi đây luôn ấm áp tình người, tình quân dân. Những mái ấm được chính quyền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chở che, tạo điều kiện về mọi mặt. Anh Lâm Ngọc Vinh chia sẻ: “Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cách đất liền hàng trăm hải lý, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp. Bởi nơi đây tràn ngập tình yêu thương, tình cảm hàng xóm, láng giềng gắn bó; tình quân dân trên đảo đoàn kết, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi vẫn chia nhau những mớ rau, cân thịt. Đặc biệt là các dịp lễ, Tết, quân và dân trên đảo tổ chức nhiều hoạt động, ai cũng cảm thấy ấm lòng”.
Ngôi làng nhỏ còn có những mái chùa cong vút thoang thoảng mùi hương trầm ngọt ngào. Không gian tâm linh này không chỉ giúp quân dân trên đảo xa cảm thấy gần gũi hơn với đất liền mà giữa không gian tĩnh lặng còn làm ấm lòng vong linh những người đã khuất và tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người đang sống.
Lớp học đặc biệt ven chân sóng
Giữa chốn bình yên, trong trẻo ấy còn có những lớp học thật đặc biệt nơi chân sóng. Nó đặc biệt ở chỗ học trò phải học ở những lớp ghép “6 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 5. Khó khăn là vậy, nhưng 4 năm nay, thầy giáo Bành Hữu Tình (ở thị trấn Trường Sa) vẫn luôn cần mẫn “gieo chữ” cho những đứa trẻ nơi đây.
Trước khi ra thị trấn Trường Sa công tác, thầy Tình đã dạy học tại Trường Tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm) 10 năm và có 3 năm giảng dạy tại huyện miền núi Khánh Vĩnh. Khi có thông tin tuyển giáo viên công tác tại Trường Sa, anh đã viết đơn tình nguyện để thực hiện hoài bão của tuổi trẻ. “Trong một lần đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm), tôi có cảm giác rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, đọc tư liệu về lịch sử anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma ngay trên mảnh đất quê hương, lòng tôi cuộn lên những cảm xúc thật lạ kỳ. Cảm phục các anh, tôi càng mong muốn được làm điều gì đó cho Trường Sa. Vì thế, khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển giáo viên công tác tại Trường Sa, tôi đăng ký ngay và may mắn trúng tuyển”, thầy Tình nhớ lại.
Tháng 6-2018, thầy Tình được đến với Trường Sa, bắt đầu chặng đường công tác đặc biệt trong cuộc đời mình. Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu ra nhận công tác, anh nhắc mãi về lớp học vỏn vẹn sáu học trò, trong đó có một em lớp 4, hai em lớp 2 và ba em học mầm non. Ở lớp học ấy, trong lúc các học sinh tiểu học làm bài tập, thầy lại hướng dẫn các cháu lớp mẫu giáo chơi. Lớp học lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười. Việc dạy học ở đảo khá khó khăn và khác với đất liền bởi cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nhiều đồ dùng dạy học thầy Tình phải tự sáng tạo. “Với tôi, những ngày dạy học ở Trường Sa sẽ là những năm tháng đẹp nhất trong đời giáo viên. Cứ mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, bọn trẻ lại làm tôi thêm xúc động. Những món quà tuy đơn sơ, nhưng tình cảm, đầm ấm vô cùng. Em thì kết hoa bàng vuông, phong ba, hoa dại, em thì vẽ tranh, hát múa tùy theo năng khiếu để tặng các thầy”, thầy Tình hạnh phúc tâm sự.
Qua đánh giá, kết quả học tập của các học sinh tại thị trấn Trường Sa từng năm học đều đạt khá, giỏi trở lên; kiến thức cũng đảm bảo để khi các em vào đất liền có thể theo kịp các bạn cùng trang lứa.
Và những đổi thay
Đến Trường Sa lần này, chúng tôi còn cảm nhận được những đổi thay rất lớn ở nơi đây. Hiện nay, các công trình trên đảo đều được xây kiên cố, sạch, đẹp; đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và người dân, như: Điện, nước, truyền hình...
Ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cùng chúng tôi đi quanh đảo, tự hào chia sẻ: “Đời sống của quân và dân thị trấn bây giờ đã tốt hơn nhiều. Trước đây, ở đây còn thiếu thốn về điện, nước, rau xanh, nhưng nay đã không còn là vấn đề nữa. Hiện nay, ở đây đã có các bể chứa nước lớn, rau xanh được trồng, chăm sóc rất tốt. Điện cũng được dùng tương đối thoải mái cho sinh hoạt hàng ngày bởi hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời”. Đến thăm khu nhà chiến sĩ, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của đời sống cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Các phân đội, cụm chiến đấu đều có ti vi, đầu máy karaoke để theo dõi thông tin thời sự, giải trí…
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, huyện Trường Sa đã được đầu tư các công trình văn hóa, tâm linh, như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà truyền thống Trường Sa, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10 ngôi chùa; các công trình dân sinh phục vụ sinh hoạt cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các xã và thị trấn, như: Nhà khách Thủ đô, hệ thống điện mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất lớn... cùng hệ thống cây xanh bao phủ, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Quyển - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 khẳng định, để Trường Sa được như hôm nay là cả chặng đường dài nỗ lực, phấn đấu không ngừng của quân và dân huyện đảo; đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào khắp cả nước. Dù còn nhiều khó khăn song đến nay, Trường Sa đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, tạo môi trường sống và làm việc tốt cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn đau đáu lời thề giữ biển, đảo, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm bảo vệ biển, đảo, giữ từng tấc đất, sải biển của cha ông ta.
Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ song quân và dân Trường Sa vẫn luôn coi mảnh đất “nơi đầu sóng ngọn gió” này là quê hương của mình. Bởi như lời bài hát Nơi ấy là Trường Sa của nhạc sĩ Xuân Nghĩa: “Mảnh đất quê hương nơi giữa muôn trùng/từng bão giông gió mưa mịt mùng/mà vẫn luôn sáng nơi chân trời/cùng với bao chàng trai ra nơi ấy/ngăn sóng gió biên thùy/Nơi ấy là Trường Sa”.
THÀNH NAM