Ở huyện đảo Trường Sa, phương tiện truyền thông, giải trí không đa dạng như ở đất liền nên mỗi cuốn sách, tờ báo luôn được quân và dân trên đảo xem như người bạn tâm tình. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân..., sách, báo liên tục được mang ra các điểm đảo, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc ở Trường Sa.
Ở huyện đảo Trường Sa, phương tiện truyền thông, giải trí không đa dạng như ở đất liền nên mỗi cuốn sách, tờ báo luôn được quân và dân trên đảo xem như người bạn tâm tình. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân..., sách, báo liên tục được mang ra các điểm đảo, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc ở Trường Sa.
Người bạn tâm tình của lính đảo
Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi tham gia đoàn công tác đến thăm 8 đảo của huyện Trường Sa (gồm 4 đảo nổi: Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Trường Sa; 4 đảo chìm: Đá Lát, Cô Lin, Núi Le A, Tốc Tan B) và Nhà giàn DK1. Điều chúng tôi ghi nhận là mỗi nơi đoàn công tác đến thăm, dù đảo chìm hay đảo nổi luôn có một tủ sách, báo được đặt gọn gàng, ngăn nắp. Nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Lát được 4 tháng, binh nhất Nguyễn Phúc Thịnh (21 tuổi, quê huyện Cam Lâm) chia sẻ, thời gian đầu mới ra đảo, Thịnh không tránh khỏi nỗi nhớ gia đình. Cùng với sự động viên của cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì sách báo chính là người bạn tâm tình, giúp anh vượt qua được thời gian bỡ ngỡ ban đầu. Tủ sách ở đảo có hơn 500 đầu sách, rất đa dạng chủ đề về lịch sử, văn hóa, pháp luật… Càng đọc sách, báo, anh càng biết nhiều thêm về chủ quyền biển đảo quê hương, về những tấm gương đã hy sinh quên mình cho đất nước, qua đó nâng cao quyết tâm bám biển, bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Được biết, ở quần đảo Trường Sa, tùy từng không gian, mỗi đảo có từ hàng trăm đến hàng ngàn cuốn sách. Như điểm đảo Sinh Tồn có phòng đọc sách, báo với 3.500 đầu sách và hơn 30 tờ báo, tạp chí các loại: pháp luật, giáo dục, y tế… Ở Nhà giàn DK1, dù không gian nhỏ giữa biển khơi, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn bố trí riêng một tủ sách về Bác Hồ ở ngay sát phòng họp. Sách ở Trường Sa chủ yếu là nguồn ở trên cấp bổ sung định kỳ và các cơ quan, tổ chức, chính quyền các địa phương gửi tặng. Định kỳ 6 tháng một lần, Phòng Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân sẽ luân chuyển sách ở các điểm đảo với nhau để bộ đội được đọc nhiều loại sách hơn.
Nguồn tri thức quý giá
Thầy Bành Hữu Tình - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ, ở Trường Sa, nơi không có sóng 3G, 4G thì giá trị của sách, báo vô cùng quan trọng. Thư viện sách, báo trở thành trung tâm văn hóa tinh thần cho mỗi đảo; là kho tri thức hiệu quả để hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, thầy đến để tham khảo, tìm những nội dung phù hợp phục vụ quá trình dạy học cho học sinh.
Đại úy Hoàng Văn Thảo - Chính trị viên đảo Đá Lát (huyện Trường Sa) cũng cho biết, ngoài thời gian huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, thể dục thể thao, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường đến các phòng đọc sách mượn sách để đọc. Đơn vị còn tổ chức xem băng, đĩa về truyền thống của Quân chủng Hải quân. Hàng tuần, các cán bộ, chiến sĩ ở đảo đều được nghe các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước thông qua thông tin từ Ban Tuyên huấn Quân chủng Hải quân tổng hợp. Các hoạt động đọc sách, báo; sinh hoạt chi đoàn, văn hóa văn nghệ… diễn ra sôi nổi đã kịp thời động viên, cổ vũ những người giữ đảo yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THÁI THỊNH