Cuối tháng 4 vừa qua, đoàn công tác số 5 của chúng tôi có dịp đến thăm 8 đảo của huyện Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hòa trong không khí thi đua của quân và dân nơi đảo xa lập thành tích chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đều có chung cảm giác xúc động như có Bác ở bên mình.
Cuối tháng 4 vừa qua, đoàn công tác số 5 của chúng tôi có dịp đến thăm 8 đảo của huyện Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hòa trong không khí thi đua của quân và dân nơi đảo xa lập thành tích chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đều có chung cảm giác xúc động như có Bác ở bên mình.
Thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trường Sa
Đã thành thông lệ, mỗi đoàn công tác trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đều đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa (hay còn gọi là đảo Trường Sa Lớn, “thủ đô” của quần đảo Trường Sa). Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác (ngày 19-5-2010). Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An (quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh) xây dựng. Công trình có tổng diện tích gần 800m2 ở vị trí trung tâm trên đảo.
Khi chúng tôi đến đảo Trường Sa, nhìn từ xa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa như một đóa sen nở giữa đảo xa. Bên trong nhà tưởng niệm đặt tượng đồng Bác Hồ, bên trên là dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Có mặt trong đoàn dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Võ Đức Tùng - Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Lần đầu tiên được đến với Trường Sa, bắt gặp hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ở nơi thiêng liêng này, bản thân tôi là người con xứ Nghệ rất xúc động và tự hào. Sau chuyến đi này, tôi tự hứa sẽ nỗ lực rèn luyện, tích cực học tập và làm theo Bác. Với cương vị Bí thư Huyện đoàn, sau chuyến đi này, tôi sẽ có những đổi mới trong tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên quê nhà về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Tùng chia sẻ.
Từ khi hoàn thành đến nay, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hàng ngàn lượt khách đến thăm. Mỗi dịp Quốc khánh, kỷ niệm ngày sinh của Bác, những dịp lễ trọng đại, quân và dân Trường Sa đều tề tựu về đây làm lễ dâng hương lên Bác. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp, thế hệ quân và dân Trường Sa.
“Chúng con đi, có Bác ở bên mình”
Tại các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, ban thờ Bác Hồ luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Cùng với ban thờ Bác Hồ là hình ảnh Người đội chiếc mũ Hải quân nhân dân Việt Nam nở nụ cười rạng rỡ được treo trang trọng trong các phòng họp, hội trường, nhà tưởng niệm ở các đảo, điểm đảo, nhà giàn. Nơi biên đảo, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật ấm áp và gần gũi đến diệu kỳ.
Đại úy Hoàng Văn Thảo - Chính trị viên đảo Đá Lát (huyện Trường Sa) chia sẻ, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thắp hương trên ban thờ Bác mỗi ngày. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo khi nhìn thấy hình ảnh Bác như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Mặt khác, nhiều ngư dân khi vào đảo cũng đến thắp hương ở ban thờ Bác để cầu mong cho những chuyến hải trình đánh bắt ở Trường Sa được may mắn, thuận buồm xuôi gió.
Bắt gặp những hình ảnh của Người ở Trường Sa, chúng tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Bác ở Điện Biên, Bác ở Trường Sơn/Bác ở Trường Sa, Bác ở rừng biên giới/Đất nước gian nan mỗi lần gặp tới/Chúng con đi, có Bác ở bên mình” (Những khúc ca về Bác).
Học tập và làm theo Bác, quân và dân huyện Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 luôn quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo như lời Bác Hồ từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
THÁI THỊNH