09:06, 26/06/2017

Những bằng chứng vững chắc về chủ quyền biển đảo

Diễn ra từ ngày 23 đến 27-6 tại Vùng 4 Hải quân, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ hải quân - những người đang tiếp tục hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Diễn ra từ ngày 23 đến 27-6 tại Vùng 4 Hải quân, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ hải quân - những người đang tiếp tục hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam


Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, đã lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để giới thiệu với công chúng. Những bằng chứng này bao gồm các phiên bản, văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam, chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản của triều Nguyễn có ghi rõ việc khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền ở 2 quần đảo này. Phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi việc quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Bộ sưu tập bản đồ của Việt Nam và các nước phương Tây công bố từ thế kỷ XVI đến nay đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt là 4 tập bản đồ (atlas) do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933) thể hiện cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề có Hoàng Sa và Trường Sa như Trung Quốc tuyên bố hiện nay.  


Triển lãm còn trưng bày một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo này được xuất bản từ năm 1975 đến nay. Ngoài ra, triển lãm còn có nhiều hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, giai đoạn 1930 - 1974 như: hình ảnh về các trạm khí tượng, các chuyến đi khảo sát thực tế; hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân Việt Nam trong chiến dịch CQ 1988 (ống nhòm, bình tông đựng nước, cáng thương chuyển cán bộ, chiến sĩ bị thương…). Triển lãm đã khẳng định một cách chắc chắn, Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam được nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục trong suốt hàng trăm năm nay. Người Việt Nam luôn có ý thức về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước và sẵn sàng hành động vì chủ quyền của đất nước.

 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tặng quà cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tặng quà cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân

 

Gieo thêm tình yêu biển đảo


Trong những ngày diễn ra triển lãm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã đến xem rất kỹ lưỡng những tấm bản đồ, hình ảnh lịch sử... “Qua triển lãm, tôi càng hiểu hơn về công lao của các thế hệ đi trước trong việc xác lập, giữ gìn chủ quyền biển đảo của dân tộc. Là một người lính hải quân, tôi thấy mình phải nỗ lực học tập, rèn luyện để góp phần vào việc gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam”, chiến sĩ Cao Đăng Hiếu - Lữ đoàn 146 chia sẻ.

 

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Vùng 4 Hải quân (từ ngày 23 đến 27-6) là lần thứ 85 cuộc triển lãm này được tổ chức. Lần này, Ban tổ chức còn giới thiệu triển lãm bằng công nghệ thực tế ảo 3D (số hóa các tư liệu, hình ảnh, hiện vật... để xây dựng thành triển lãm “ảo” trong không gian 3 chiều), từ đó sẽ bù đắp được những hạn chế của triển lãm truyền thống (có thể mang đi xa, không có thuyết minh, dễ dàng cập nhật thông tin mới...) để đến rộng rãi với công chúng. 

Có mặt tại triển lãm, Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào vì được Bộ TT-TT chọn làm nơi tổ chức triển lãm. Các tấm bản đồ, hình ảnh, tư liệu... đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn tính lịch sử và pháp lý về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Qua triển lãm có thể thấy, các thế hệ cha ông ta đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Triển lãm giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm niềm tin vào cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.


Tại buổi khai mạc triển lãm, đại diện Bộ TT-TT đã tặng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân một số bản đồ và  tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, những tư liệu này không chỉ được tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ, mà còn được sử dụng để tuyên truyền đến người dân trong khu vực và các đoàn khách đến Vùng 4 Hải quân để đi thăm Trường Sa.  


Nói cách khác, triển lãm này không chỉ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn góp phần gieo thêm tình yêu biển đảo. Phần trưng bày hình ảnh, tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế” là minh chứng hùng hồn cho tình yêu biển đảo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị, các tầng lớp nhân dân đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


THÀNH NGUYỄN