Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng mùa xuân này, những người vợ lính Trường Sa cảm thấy ấm áp hơn bởi tình cảm, sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng mùa xuân này, những người vợ lính Trường Sa cảm thấy ấm áp hơn bởi tình cảm, sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Những ngày này, căn phòng trọ chưa đầy 20m2 tại phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh của gia đình chị Trần Thị Thu (vợ Đại úy Lê Văn Tưởng, đang công tác tại đảo Tốc Tan) rộn tiếng cười. Khi chúng tôi đến, chị đang cùng con gái trang hoàng, chuẩn bị những thứ thiết yếu nhất cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Chị Thu cho biết, dù chồng đang công tác tại đảo nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, chị vẫn luôn chuẩn bị chu đáo từ bánh chưng, bánh tét, dưa hành, giò chả… để cùng con gái đón Tết vui vẻ, ấm áp. Đây là năm đầu tiên chị đón Tết mà không có chồng bên cạnh. “Yêu nhau 2 năm, đến năm 2012, chúng tôi tổ chức đám cưới. Sau 1 năm, tôi chuyển từ quê Hà Nam vào ở cùng chồng tại phường Cam Nghĩa. Đây là lần thứ 2 anh đi đảo, cảm giác không được đón xuân cùng chồng đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng tôi xác định đã là vợ lính thì khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Trước khi đi, tôi cũng động viên chồng yên tâm công tác, vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ở nhà 2 mẹ con luôn là hậu phương vững chắc”, chị Thu nói. Được biết, gần 5 năm vào sống ở Cam Ranh, vì còn nhiều khó khăn nên gia đình chị vẫn chưa có nhà riêng. Năm 2015, chị trúng tuyển công chức tại TP. Cam Ranh và được phân công về dạy tại Trường Mầm non Cam Nghĩa.
Ông Nguyễn Tấn Tuân thăm hỏi, động viên gia đình chị Hoàng Thị Minh |
Với chị Hoàng Thị Minh, đây đã là năm thứ 2 Đại úy Doãn Ngọc Ân, chồng chị đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Chị Minh tâm sự: “Trước đây, bố tôi cũng là bộ đội, thường xuyên phải công tác xa nhà. Nay lấy chồng bộ đội Trường Sa, 2 cái Tết xa chồng, 3 mẹ con ở cùng nhau đã quen. Sau mỗi giờ tăng gia, nhất là vào buổi tối, anh thường xuyên gọi điện thoại về nhà nói chuyện với 3 mẹ con nên cảm giác cả gia đình đều ở rất gần nhau, đảo và đất liền không còn xa. Trong suốt thời gian anh đi công tác, lãnh đạo, chỉ huy và các đoàn thể Vùng 4 Hải quân, nhất là Lữ đoàn 146 rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên để mẹ con vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách”. Hoàn cảnh gia đình anh Ân cũng rất khó khăn, chị Minh chưa có việc làm, ở nhà chăm sóc hai con. Mọi gánh nặng lo toan cuộc sống đều trông chờ vào đồng lương của anh. Thế nhưng, căn nhà ấy vẫn rộn rã tiếng cười.
Trên đây là 2 trong số hàng trăm hoàn cảnh khác nhau của những người vợ lính Trường Sa mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Dẫu biết còn nhiều gian nan vất vả khi không có chồng bên cạnh, nhưng các chị vẫn vững vàng vượt qua. Ông Bùi Đình Dương - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, phần lớn cán bộ, chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ đều có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dịp Tết đến, lữ đoàn và vùng đều tổ chức thăm, động viên các gia đình bộ đội Trường Sa. Đồng thời, hàng năm đều rà soát, xét duyệt các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ xây nhà đồng đội. Năm 2016, lữ đoàn đã xây 2 căn nhà đồng đội tặng cho các gia đình chiến sĩ Trường Sa. Riêng đối với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa, huyện cùng với tỉnh, các cấp, ngành cả nước rất quan tâm. Nhờ vậy, cuộc sống vật chất và tinh thần của những người lính nơi tiền tiêu Tổ quốc ngày càng được nâng cao, anh em yên tâm công tác.
Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp đi thăm, tặng quà một số thân nhân bộ đội Trường Sa tại TP. Cam Ranh. Bên cạnh ghi nhận những hy sinh, đóng góp của những người lính đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, ông Nguyễn Tấn Tuân đã chia sẻ những khó khăn, vất vả mà những người vợ, người mẹ ở đất liền đang phải trải qua; mong các gia đình luôn là hậu phương vững chắc để những người lính nơi tiền tiêu vững vàng tay súng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
MẠNH HÙNG