11:03, 10/03/2016

Những người lính quân y tận tụy

Đến đảo Song Tử Tây huyện đảo Trường Sa, trò chuyện với Đại úy,  bác sĩ Trần Tuấn Linh - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Song Tử Tây, chúng tôi phần nào hiểu thêm những khó khăn, vất vả trong công việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. ...

Đến đảo Song Tử Tây huyện đảo Trường Sa, trò chuyện với Đại úy,  bác sĩ (BS) Trần Tuấn Linh - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Song Tử Tây, chúng tôi phần nào hiểu thêm những khó khăn, vất vả trong công việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) và người dân trên đảo. Ở đây chỉ có 2 BS, 4 y sĩ và 1 điều dưỡng nhưng vẫn luôn làm tốt công tác khám, chữa bệnh trên đảo. Năm qua, bệnh xá đảo đã khám, chữa bệnh cho 1.041 lượt CB-CS, người dân trên đảo và ngư dân, cấp cứu 14 trường hợp, phẫu thuật 7 ca.

 

Đại úy, bác sĩ Trần Tuấn Linh khám bệnh cho chiến sĩ trên đảo
Đại úy, bác sĩ Trần Tuấn Linh khám bệnh cho chiến sĩ trên đảo


BS Linh cho biết, những ca bệnh nặng phải cấp cứu đa số là ngư dân gặp tai nạn lao động khi đang đánh bắt trên biển. Các ca phẫu thuật thường gặp ở đây là mổ ruột thừa, chấn thương về tay, chân. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp cứu chữa ngư dân bị hội chứng giảm áp do lặn sâu, tăng huyết áp… Tất cả bệnh nhân khi nhập bệnh xá đều được các BS chăm sóc tận tình, đồng thời sử dụng các biện pháp, kỹ thuật tốt nhất có thể để cứu chữa. Điển hình như một ngư dân của tàu cá Bình Định bị gãy hở 2 xương cẳng chân, khi đưa vào bệnh xá đã được cấp cứu, cố định xương tạm thời và chuyển vào bờ xử lý; hay trường hợp tàu cá bị nổ bình gas khiến các thuyền viên bị bỏng, các y, BS ở đây đã sơ cấp cứu, giúp giảm thiểu thương tích, sau đó đưa vào bờ… “Cơ sở vật chất ở đảo không được đầy đủ nên để đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh, chúng tôi phải thường xuyên trau dồi thêm kiến thức, kỹ thuật chuyên môn. Hiện nay, bệnh xá đảo đang được xây mới, có thêm các phòng chức năng, trang bị thêm máy siêu âm thế hệ mới. Trong năm 2016, đơn vị triển khai thêm máy tăng áp suất để cứu chữa các trường hợp gặp tai nạn do lặn sâu, góp phần tăng chất lượng phục vụ của bệnh xá” - BS Linh nói.


Tại các đảo chìm như: Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát… không có bệnh xá mà chỉ có y, BS phụ trách đảm bảo sức khỏe cho CB-CS. Căn phòng ngủ nhỏ nhắn, gọn gàng cũng là phòng làm việc của Trung úy Đoàn Sỹ Hùng - y sĩ đảo Đá Nam. Anh Hùng chia sẻ, vì trang thiết bị ở đảo chìm chưa đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và các ca nặng nên khi có những ca nặng cần cấp cứu, anh tiến hành sơ cứu tạm thời, đồng thời hướng dẫn đưa người bệnh sang đảo nổi gần đó để chữa trị. Năm qua, anh đã tiến hành sơ cấp cứu cho 3 trường hợp ngư dân bị chấn thương, cấp thuốc cho 70 lượt ngư dân.


Đến công tác ở Trường Sa, các BS đều thực hiện công việc đa khoa, phải điều trị từ các bệnh thông thường đến phức tạp, kể cả trực tiếp cầm dao mổ khi cần thiết. Cáng đáng công việc gian khó, không ngại khổ, luôn đảm bảo sức khỏe cho CB-CS, ngư dân nên đội ngũ y, BS ở Trường Sa luôn nhận được tình cảm đặc biệt của người dân trên đảo, được lãnh đạo các đơn vị đánh giá cao. Đại tá Bùi Hải Phước - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Những năm qua, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng như đời sống của CB-CS, người dân và ngư dân ở Trường Sa luôn được đảm bảo là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các y, BS đang công tác tại đây. Các ca bệnh, chấn thương đều được cứu chữa thành công, kịp thời nên chúng tôi rất yên tâm”.


Ở hải đảo xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, màu áo blouse trắng của các y, BS ở Trường Sa đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người lính kiên trung giữ vững chủ quyền biển, đảo, giúp ngư dân ngày đêm vững tâm bám biển.


V.T