Tuy điều kiện sống còn thiếu thốn, nguồn thực phẩm chưa đa dạng, nhưng bằng nhiều cách làm sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa đã nỗ lực tăng gia sản xuất, trồng được những vườn rau xanh ngát, góp phần cải thiện bữa ăn...
Tuy điều kiện sống còn thiếu thốn, nguồn thực phẩm chưa đa dạng, nhưng bằng nhiều cách làm sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa đã nỗ lực tăng gia sản xuất, trồng được những vườn rau xanh ngát, góp phần cải thiện bữa ăn...
Đại úy Đinh Cao Toan - Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, đảo Song Tử Tây cho biết, từ tháng 10 đến khoảng tháng 6 năm sau là mùa gió muối, ít mưa nên nước ngọt trên đảo rất khan hiếm. Để khắc phục, CB-CS phải tận dụng lại nước thải sinh hoạt để tưới rau. Bên cạnh đó, một diện tích nhỏ rau được trồng trong nhà kính để che chắn hơi muối từ biển thổi vào, giúp rau xanh tốt hơn. Các loại rau thường được trồng là rau cải, rau muống, mồng tơi… “Đối với CB-CS ở đảo, tăng gia được xem là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực khắc phục, lượng rau tăng gia được cũng đảm bảo nhu cầu rau xanh cho mọi người”, Đại úy Toan nói.
Rau được trồng trong lồng kính ở đảo Song Tử Tây |
Được biết, hiện nay, diện tích trồng rau của đảo Song Tử Tây hơn 1.000m2; đàn bò, heo gần 40 con; đàn gia cầm hơn 420 con. Năm qua, đảo đã sản xuất được 12.575kg rau củ quả các loại; tăng gia chăn nuôi và đánh bắt được gần 3.500kg thịt, cá; trồng được 2.900kg giá đỗ…, tổng trị giá đạt hơn 280 triệu đồng.
Ở các đảo nổi, việc tăng gia rau xanh có nhiều thuận lợi. Mỗi đơn vị ở đảo nổi đều có công trình cây xanh riêng. Tuy nhiên, tại các đảo chìm như: Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát…, để trồng được vườn rau cung cấp cho CB-CS ở đây quả là kỳ công. Tại đây, rau được trồng trong các khay, thùng xốp, chậu, túi ni lông… Theo các chiến sĩ ở đảo chìm, ngoài chắt chiu từng ca nước, các anh còn phải để ý đến đất trồng rau, từng hạt phân để cho rau sinh trưởng, phát triển bình thường, bởi ở đảo chìm không có đất tự nhiên, phải chuyển từ bờ ra để trồng nên đất cũng cần phải tiết kiệm. Đại úy Đào Bá Sơn - Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết, để che chắn cho rau, các anh tận dụng thùng, bạt, các miếng ván thừa làm bờ rào. Mùa hè, các anh phải dùng màn, chiếu cũ để che bớt nắng cho rau khỏi bị héo. “Khi trời mưa to gió lớn, chúng tôi lo rau chết do nước biển đánh vào. Thế nên khi gió thổi từ hướng này, mỗi người lại ôm thùng rau chạy qua hướng khác để cứu rau khỏi chết”, Đại úy Sơn kể.
Chiến sĩ đảo Đá Thị tăng gia |
Những ngày đi Trường Sa, đặt chân lên các đảo nổi, đảo chìm, chúng tôi mới thấu hiểu mỗi cây rau mọc lên là mồ hôi, tâm huyết của các chiến sĩ ngày đêm chăm sóc, vun trồng. Đó không chỉ là công việc giúp cải thiện bữa ăn cho CB-CS và người dân trên đảo, mà còn giúp mọi người khuây khỏa sau những giờ huấn luyện căng thẳng.
HẠ PHONG