Chuyến tàu nào đi Trường Sa cũng thật đặc biệt, bởi chất chứa nhiều tình cảm từ đất liền dành cho đảo xa. Lần đầu tiên có mặt trên con tàu HQ561 trong chuyến hải trình thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ huyện đảo vào dịp cuối năm 2014, chuyến đi để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc.
Chuyến tàu nào đi Trường Sa cũng thật đặc biệt, bởi chất chứa nhiều tình cảm từ đất liền dành cho đảo xa. Lần đầu tiên có mặt trên con tàu HQ561 trong chuyến hải trình thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ huyện đảo vào dịp cuối năm 2014, chuyến đi để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc.
Những dòng địa chỉ, số điện thoại được các chiến sĩ viết vội trước lúc chia tay |
Lần này, tàu HQ561 có hải trình tới 9 điểm đảo gồm: đảo Đá Lát, đảo Trường Sa Lớn, cụm đảo Đá Tây, cụm đảo Thuyền Chài và kết thúc lượt đi ở đảo cực Nam là An Bang. Tàu vừa rời vịnh Cam Ranh cũng là lúc chúng tôi được biển cả “đón tiếp” bằng những con sóng cấp 5, 6. Cả đoàn đều “nín thở” đối mặt với những trận say sóng mùa biển động trên một hải trình dài. Đang lơ mơ, vật vã vì những cơn say sóng, bỗng một hồi còi tàu hú vang, tiếng một chiến sĩ chạy trên boong tàu nói to: “Tới Trường Sa rồi anh em ơi!”. Không ai bảo ai, tất cả đều choàng dậy, quên hết mệt nhọc, nhảy lên boong rồi cùng nhau hò reo, vui mừng khôn tả. Chỉ mới nhìn thấy, chưa kịp đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, tôi đã cảm nhận được sự gần gũi và thân thương. Từ những chiến sĩ, các hộ dân đến anh cán bộ khí tượng, nhà đèn... đều tập trung ra cảng, vẫy tay hò reo đón đoàn công tác vào đảo.
Mặc cho thời tiết xấu, những chuyến xuồng chuyển hàng Tết vẫn vượt sóng để vào đảo |
Tết trên đảo luôn ngập tràn tiếng cười. Nơi đây như một gia đình lớn, quân và dân cùng tham gia chơi các trò chơi dân gian, văn nghệ, cùng lên chùa thắp hương cầu một năm mới an lành, hạnh phúc, mọi người cũng lì xì cho nhau để lấy lộc đầu năm... Ngoài mâm ngũ quả, Tết ở Trường Sa có những cành mai được làm từ cành của cây phong ba, hoa mai được cắt ra từ vải, giấy màu. Tết trên đảo cũng có bánh kẹo, bánh chưng, thịt heo..., nhưng bánh chưng ở Trường Sa đặc biệt được gói thêm bằng lá bàng vuông. Bánh chưng khi được gói bằng loại lá này sẽ có thêm một chút vị chát, bớt đi được độ ngấy của thịt mỡ. Lần đầu được đón Tết ở Trường Sa, binh nhì Lã Tuấn Minh - đảo Trường Sa Lớn không giấu được xúc động: “Tuy ở đây không đầy đủ vật chất như đất liền, nhưng lại chan chứa tình đồng đội, đồng chí, quân dân”.
Phút chia tay đầy cảm xúc tại cầu cảng đảo Trường Sa Lớn |
Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết, mỗi dịp Tết đến, xuân về, các lực lượng trên đảo đều cố gắng khắc phục khó khăn, tạo ra không khí đón xuân như trên đất liền. “Tết ở đảo luôn có các trò chơi như: kéo co, bóng bàn, đấu bóng chuyền... nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho quân và dân trên đảo, không khác gì Tết ở đất liền”, Thượng tá Hòa nói.
Những ngày đến với Trường Sa, tất cả thành viên trong đoàn công tác đều có chung một niềm xúc động và tự hào. Bởi Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng đã thấm đẫm mồ hôi và máu của bao thế hệ. Dù có đối mặt với sóng gió, những con người dũng cảm, can trường vẫn quyết tâm ngày đêm bám biển, giữ gìn từng tấc đất, biển trời quê hương.
VĨNH THÀNH