10:11, 11/11/2012

Tâm nguyện Trường Sa

Tôi đã ra với Trường Sa rất nhiều lần. Và nghiệm ra rằng, Trường Sa là một vùng đất thật kỳ lạ. Mỗi một người đến; mỗi một lần đến đều mang trong mình một dấu ấn, một cảm xúc khác nhau.

Tôi đã ra với Trường Sa rất nhiều lần. Và nghiệm ra rằng, Trường Sa là một vùng đất thật kỳ lạ. Mỗi một người đến; mỗi một lần đến đều mang trong mình một dấu ấn, một cảm xúc khác nhau. Song, có lẽ, tất thảy đều xuất phát từ chung một mạch nguồn. Đó là được đến với nơi tuyến đầu biển mẹ Việt Nam, vùng đất thiêng của Tổ quốc.

Đảo Song Tử Tây. Đêm tịch mịch, yên ắng đến lạ lùng. Tôi mắc võng trên một cây phong ba, nằm đong đưa, mơ màng nghe đâu đó có tiếng chuông chùa thoảng đưa trong gió. Vừa xa. Vừa gần. Trong tôi, tiếng chuông chùa Hàn San lúc nửa đêm trên bến Cô Tô của Trương Kế thi sĩ ngày xưa luôn là một tiếng thơ huyền diễm, đầy sức gợi. Bây giờ, giữa Trường Sa điệp trùng sóng vỗ, tiếng chuông chùa thong dong, nền nã, nghe ấm cả không gian, ấm cả lòng người. Phải chăng, lời chuông trên đất thiêng nên cũng rất đỗi nhiệm màu trong sứ mệnh tỉnh thức của mình?

Chùa Trường Sa Lớn.
Chùa Trường Sa Lớn.

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 - tháng 4 âm lịch vừa rồi, các chùa ở Trường Sa lộng lẫy hẳn. Người dân cũng hân hoan lắm. Bởi, cuộc sống, công việc làm ăn của mọi nhà ngày một khấm khá. Bởi, đời sống tu tập, thực hành Phật sự của các tu sĩ nơi này cũng ngày càng tấn tới. Và, cũng bởi, giữa giông tố, phong ba, đời sống kinh tế - xã hội của Trường Sa đang chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ. Tôi gọi ấy là những khúc tráng ca tuyệt diệu về ý chí, nghị lực của mỗi con người nơi đây, từ cháu bé cắp sách đến trường trong nắng gió cho đến chị phụ nữ sớm khuya bên chồng cưỡi sóng khơi xa; từ chư tăng, Phật tử đêm ngày cần mẫn nguyện cầu cho dân giàu, nước mạnh cho đến những anh lính trẻ dãi dầu mưa nắng mà vững tay súng bên chiến hào...

Trên chùa ở Trường Sa, tôi được đọc những dòng ân tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tặng tượng Phật Ngọc Quan âm Bồ tát cho đảo Trường Sa: “Mong đức Phật phù hộ độ trì cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi...”.

Tôi gọi lời cầu nguyện của quân, dân Trường Sa và vọng ước của Thủ tướng là một tâm nguyện chân thành, tha thiết về một cuộc sống an lành của một dân tộc có truyền thống trọng nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình.

Một buổi lễ tại chùa Song Tử Tây.
Một buổi lễ tại chùa Song Tử Tây.

Chùa ở Trường Sa có nhiều điều rất đặc biệt. Đó là, các chánh điện đều hướng về Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, như đứa con xa đau đáu nhớ mẹ hiền. Đó là, trong chùa, các hoành phi, câu đối đều được viết bằng tiếng Việt, xác tín một nền văn hiến xưng vốn đã bấy lâu. Đó là, chùa lấy ngay tên gọi địa phương làm tên của mình, làm một keo sơn, gắn kết giữa đạo và đời. Đó là, sân chùa không chỉ có cây đa, bồ đề mà còn có cả những cây phong ba, bão táp, gợi liên tưởng hạnh từ bi cứu khổ chúng sinh... Những ngôi chùa ở Trường Sa đã và đang được tu bổ lại khang trang hơn, đẹp hơn. Và bóng dáng những chiếc áo vàng nhà Phật như thắp thêm lên niềm tin cho đạo, cho đời trong tâm thức những người dân nơi đây…

Trên thị trấn Trường Sa, tôi tình cờ gặp chị Trương Thị Quyên trên đường đến chùa, tay mang mấy nhánh chuối xanh, sản vật “cây nhà lá vườn”. Trái chuối không lớn, không xanh mơn mởn, bởi, ngay từ lúc non tơ,  nó đã phải chống chịu với khô khát, bão bùng. Cây mọc lên từ sỏi đá, gió giông. Mà trái ngọt đượm lên từ lòng thơm thảo. Cũng như con người Trường Sa, sớm hôm một sương hai nắng mà lòng dạ đinh ninh son sắt, thủy chung. Chị Quyên nói rằng, lên chùa là một việc làm không thể thiếu mỗi ngày. Chùa gần nhà. Và những vị sư ở chùa thân quen cũng như người nhà. Các tu sĩ nơi này, và chị, cùng những người lính thường xuyên làm lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc và đồng bào tử nạn trên vùng biển đảo quê hương; làm lễ cầu an cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo, cho đồng bào cả nước. Phó Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thư cho biết, bà con ngư dân của ta đánh bắt trong khu vực quần đảo Trường Sa thường xuyên ghé đến các đảo, lên chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong những chuyến biển được thuận buồm xuôi gió.

Rộn ràng chuyện đạo và đời trên đảo.

Rộn ràng chuyện đạo và đời trên đảo.

Ngồi cùng Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam Trần Đình Xuyên, ông tỏ ra hết sức tâm đắc về mối quan hệ như ruột thịt của những vị tu sĩ với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng như rất xúc động trước sự đóng góp to lớn, quý báu của Phật tử cả nước trong công việc xây dựng, trùng tu các ngôi chùa ở Trường Sa. Ông bảo, sự hiện diện của các tăng sĩ ở đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam; là sự thể hiện rất cụ thể, rất cao cả lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Vì vậy, ông căn dặn cán bộ, chiến sĩ trên đảo hết sức cố gắng giúp đỡ các vị tu sĩ, để họ có điều kiện tu tập tốt nhất.

Chiều Sinh Tồn lộng gió. Chúng tôi ngồi cùng Đại đức Thích Đạo Biện và Thích Đức Hỷ bên những chén trà ấm nóng. Hương trầm ngan ngát. Câu chuyện về đạo, về đời cứ kéo dài, dài mãi. Hai sư thầy có hai hoàn cảnh khác nhau, có thời gian tu tập khác nhau, nhưng có cùng một suy niệm được sống và tu luyện trên mảnh đất biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc là một diễm phúc lớn. Không gian, đời sống ở Trường Sa là môi trường rất tốt cho việc tu hành. Hơn nữa, do ngày ngày phải đối mặt với sóng to, gió lớn, vật chất cũng còn thiếu thốn nên việc vun đắp thêm một điểm tựa về tinh thần cho người dân ở đây là điều rất quý giá. Công việc Phật sự hàng ngày của thầy ở đây không khác mấy so với ở đất liền. Có chăng, đó là bên cạnh việc trồng cây, trồng rau, các thầy còn dành nhiều thời gian đến thăm, gặp gỡ từng hộ dân, trò chuyện cùng các chiến sĩ. Với các thầy, một ngày ở Trường Sa là vô cùng quý báu. Bởi có trải nghiệm cuộc sống ở đây mới cảm nhận được hết những nhọc nhằn, gian lao của đồng bào mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở biên cương. Chính từ tình cảm ấy mà hết sức cố gắng trong rèn tập, tu luyện.

“Mang ra tình cảm. Mang về niềm tin”. Một người lính nói vậy, với những người ra thăm Trường Sa. Đất liền mang tình cảm ra đảo. Và đảo tiếp thêm cho đất liền niềm tin, về bản lĩnh biên thùy. Tôi vẫn hằng tin rằng, những người dân, người lính nơi này đang được tiếp thêm sức mạnh trong đời sống tâm linh, vững thêm niềm tin mà vững bước đi lên phía trước.

Đêm Trường Sa tịch lặng đến vô cùng. Ngoài kia, biển vẫn thao thiết những điệu ru huyền hoặc ngàn đời của nó. Tiếng chuông chùa đâu đó lại vọng ngân. Tôi lặng nghe. Chuông thao thức nguyện hồn người, nguyện cho anh linh những anh hùng, tử sĩ được bằng an, siêu thoát. Và chuông man mác đưa xa bao nhiêu ước vọng khôn nguôi về một cuộc sống an lạc, thái hòa của những người dân Việt nơi biên đảo.

Tôi cùng một người lính ra vọng gác, vừa đi vừa nhẩm nhớ khẩu lệnh đêm nay. Trời đang sáng. Trường Sa yên bình quá! Ánh điện lung linh khắp đảo hòa dần trong ánh bình minh cứ sáng dần lên, hồng dần lên. Bát ngát.

Bút ký của PHONG NGUYÊN

Đại đức Thích Giác Nghĩa, người từng chủ trì nhiều lễ cầu siêu trên các đảo ở Trường Sa rất xúc động khi nói về công việc của mình. Ông cho rằng, ấy là những nén tâm hương thành kính tri ân, mang nhiều ý nghĩa, đối với những người đã khuất và cả những ai đang sống. Đại đức nói hành trang ra với Trường Sa của mình là sự toàn tâm, toàn ý hướng tới việc tu hành; và đó cũng chính là cách thực hành bổn phận của một công dân đối với dân tộc; của một người con Phật đối với Đạo pháp.