15 - 17% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 mà ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã đặt ra. Tuy nhiên, điều này khó trở thành hiện thực vì đến nay, mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt được 2,43%...
15 - 17% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 mà ngành Ngân hàng (NH) Khánh Hòa đã đặt ra. Tuy nhiên, điều này khó trở thành hiện thực vì đến nay, mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt được 2,43%...
Đẩy mạnh cho vay
Hiện nay, không chỉ các NH lớn như: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank… mà nhiều NH có quy mô nhỏ hơn như: HDBank, Sacombank, SeABank, VPBank, VIBBank…cũng đã giảm lãi suất (LS) cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng sinh lời của doanh nghiệp (DN), mở nhiều gói sản phẩm với hàng ngàn tỷ đồng để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn của NH. Ngoài việc giảm LS cho vay trực tiếp, một số NH còn áp dụng chương trình tặng quà, tiền sau khi vay tiền tại NH, hoặc có chính sách thưởng tiền cho người giới thiệu khách hàng vay. Bên cạnh đối tượng khách hàng là DN, các sản phẩm vay mới đối với khách hàng cá nhân cũng được nhiều NH triển khai. Hầu hết các NH đều đưa ra những hình thức khuyến mãi như: giảm LS cho vay cá nhân hoặc tặng quà khi vay vốn tiêu dùng... Nhờ vậy, dư nợ toàn tỉnh đã tăng nhẹ trở lại. Tính đến đầu tháng 10, tổng dư nợ cho vay đạt 20.630 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng (tăng 2,43% so với đầu năm). 20/35 NH có dư nợ tăng, chủ yếu ở khối NH thương mại Nhà nước; trong khi đó, khối NH thương mại cổ phần có dư nợ giảm. NH có dư nợ tăng mạnh nhất là NH Ngoại thương Chi nhánh Nha Trang tăng 18,16% với 413 tỷ đồng, ACB tăng 28,65% với hơn 143 tỷ đồng, Eximbank tăng 12,38% với 42 tỷ đồng...
Ngân hàng tập trung đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm (ảnh có tính chất minh họa). |
Theo NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa: Doanh số cho vay của các DN từ tháng 4 đến 7-2012 liên tục giảm. Trong những tháng gần đây, doanh số có tăng lên nhưng không đáng kể. Dư nợ cho vay tăng trưởng ở mức thấp là do giá nguyên liệu tăng cao, hàng tồn kho lớn, cầu tiêu dùng giảm sút dẫn đến khả năng hấp thụ vốn và hiệu quả sử dụng vốn của DN không cao. Tài sản của DN được thế chấp cho các khoản vay trước đây đang trong tình trạng nợ xấu nên DN khó đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định để được NH tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất kinh doanh. Số lượng DN vay vốn tại các chi nhánh tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục giảm. Đến đầu tháng 10, có 2.152 DN vay vốn với dư nợ 13.275 tỷ đồng, chiếm 64,4% dư nợ cho vay toàn tỉnh, so với đầu năm giảm 30 DN. Mặc khác, do nền kinh tế đang suy yếu, rủi ro tín dụng và nợ xấu tăng cao nên một số NH đang áp dụng chuẩn cho vay chặt chẽ hơn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, tập trung thu hồi nợ xấu.
Hiện nay, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tại những NH thương mại tăng trưởng liên tục qua các tháng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm đến 61,7%, chủ yếu gửi bằng tiền đồng. Điều này cho thấy, trước tình trạng nhu cầu tiêu dùng giảm sút, tỷ suất lợi nhuận thấp, một số DN giảm vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để gửi vào NH. Tính đến đầu tháng 10, tiền gửi của TCKT là 6.607 tỷ đồng, tăng 1.544 tỷ đồng so đầu năm (với 30,49%).
Chú trọng chất lượng tín dụng
Ông Phạm Đức Nhân - Giám đốc ACB chia sẻ: “Tín dụng tăng trưởng không phải do bản thân NH mà còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để hỗ trợ vốn cho khách hàng, từ đầu năm đến nay chỉ có vài trường hợp không đáp ứng đủ yêu cầu mới bị NH từ chối. Đặc biệt, nhờ mở thêm thị trường tại Cam Ranh, Ninh Hòa, đồng thời tập trung tiếp cận vào đối tượng DN nhỏ và vừa nên việc tăng trưởng tín dụng tại ACB có những tín hiệu khả quan. Nhu cầu vốn của khách hàng hiện vẫn có và đang có dấu hiệu tăng lên vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, cũng như những NH khác, chúng tôi cũng chọn lọc khách hàng để hạn chế nợ xấu và tập trung chú trọng đến tiêu chí chất lượng tín dụng hơn là tăng trưởng”.
Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Tuy NH Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đã đặt ra là rất khó. Với mức tăng trưởng dưới 3% như hiện nay, việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10% trong vòng 2 tháng nữa rất khó khăn cho dù các chi nhánh NH thương mại trên địa bàn không khống chế về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”. Trong thời gian đến, NH Nhà nước sẽ tiếp tục nắm tình hình hoạt động của các DN theo từng ngành kinh tế để đề xuất kịp thời giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương để tìm giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xử lý nợ xấu của DN và NH, tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, cái khó trong phát triển tín dụng hiện nay là DN muốn vay vốn lại ra sức che điểm yếu của mình. Do vậy, NH ngại trao vốn khi chưa biết rõ về DN (vì lo ngại rủi ro nợ xấu). Hiện nay, các NH khó có thể nới lỏng điều kiện tín dụng, trong khi DN vẫn kỳ vọng LS giảm thêm mới tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, mặt bằng LS khó có thể giảm thêm, bởi dịp cuối năm, nhu cầu chi tiêu của DN cũng như người tiêu dùng đều gia tăng.
BÍCH KHUÊ