Kỳ cuối: Cần chấn chỉnh, xử lý, quan tâm phát triển bóng đá trẻ
Vụ việc huấn luyện viên (HLV) các đội bóng đá trẻ Khánh Hòa có nhiều sai phạm diễn ra trong thời gian dài (từ năm 2021 - 2023) đã cho thấy sự buông lỏng, thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các đơn vị liên quan. Ngành Thể thao tỉnh cần có sự chấn chỉnh, xử lý; đồng thời có sự thay đổi, xây dựng phương án tối ưu, tận dụng triệt để nguồn lực để công tác đào tạo bóng đá trẻ thật sự hiệu quả.
Chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan
Bóng đá là môn thể thao tập thể có tính đối kháng cao, nằm trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao. Công tác tuyển chọn, quản lý, sử dụng, ký kết, chấm dứt hợp đồng, chuyển tuyến đào tạo đối với các vận động viên (VĐV) đều phải theo quy định, quy trình và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chính sự thiếu sót, buông lỏng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các đơn vị đã vô hình trung tạo điều kiện cho HLV các đội bóng tuyến trẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự ý chi trả chế độ tiền công, tiền lương, lập quỹ riêng của đội bóng, khai khống ngày tập luyện, danh sách VĐV tập luyện để tư lợi.
Kết luận thanh tra nêu rõ, hành vi vi phạm của các HLV là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm thất thoát ngân sách nhà nước, vi phạm cố tình, có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Do vậy, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị lãnh đạo sở cần xử lý trách nhiệm đối với Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, trong đó kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; Văn phòng sở tham mưu việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của giám đốc sở và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao khi để xảy ra thiếu sót, vi phạm ở trên.
Đối với Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, cần xử lý, chấn chỉnh, quán triệt, nghiêm cấm HLV giữ thẻ ATM và giữ mật khẩu thẻ ATM của VĐV, trực tiếp rút tiền của VĐV; thực hiện việc chi trả tiền công và tiền ăn của VĐV chưa đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng phải do VĐV trực tiếp ký nhận hoặc người giám hộ ký nhận; niêm yết công khai, minh bạch việc chi trả tiền công và tiền ăn cho VĐV tại nơi tập luyện để thực hiện giám sát nội bộ. Đồng thời, bố trí nguồn lực cho Phòng Đào tạo - Huấn luyện để đảm bảo chức năng của phòng trong việc theo dõi các hoạt động tuyển dụng, quản lý và sử dụng VĐV tại trung tâm; bố trí chấm công tập luyện của VĐV, giao bộ phận độc lập thực hiện việc chấm công để đảm bảo khách quan trong việc theo dõi, quản lý, không để HLV kiêm luôn việc chấm công.
Các cầu thủ đội bóng đá U17 Khánh Hòa. |
Đối với Phòng Quản lý thể dục thể thao, tham mưu thực hiện tuyển chọn VĐV, thực hiện đánh giá việc đảm bảo từng tiêu chí VĐV của trung tâm theo kế hoạch được phê duyệt trong lần tuyển dụng tiếp theo; tham mưu sửa đổi Quy chế tuyển chọn, quản lý và sử dụng VĐV, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật về lao động và phân cấp cho trung tâm (nếu cần thiết).
Riêng hành vi vi phạm của ông Đặng Đạo (HLV đội U19) và ông Nguyễn Tý (HLV đội U17), Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định. Theo một thanh tra viên, trong quá trình thanh tra, ông Nguyễn Tý và ông Đặng Đạo đã tích cực khắc phục hậu quả, chi trả lại một phần tiền công và tiền ăn cho các VĐV trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, hoàn trả lại nộp vào ngân sách số tiền gây thất thoát. Hiện nay, các VĐV xác nhận đã nhận được tiền và không tiếp tục tố cáo, bản thân ông Nguyễn Tý được các VĐV có nhận xét tích cực. Tuy vậy, những vi phạm của 2 HLV này diễn ra trong thời gian dài, cố tình và có dấu hiệu hình sự nên cần phải xử lý nghiêm.
Cần tận dụng triệt để nguồn lực bóng đá trẻ
Từ trước đến nay, công tác đào tạo các đội bóng đá tuyến trẻ Khánh Hòa được thực hiện theo cách thức “xoay vòng”. Nghĩa là, một đội bóng trẻ, chẳng hạn như U15 chỉ có một HLV trưởng phụ trách, theo đội bóng từ lứa U15 cho đến U21, sau đó xoay tua trở lại huấn luyện một lứa U15 khác và cứ như thế tiếp tục. Khi dẫn dắt các đội bóng trẻ, mục tiêu quan trọng nhất của các HLV là đội bóng của mình tham gia các giải đấu ở các cấp độ được lọt vào vòng chung kết quốc gia được coi như hoàn thành nhiệm vụ. Sau lứa đào tạo, cầu thủ được đôn lên đội tuyển thì tốt, không được cũng chẳng sao, HLV vẫn tiếp tục huấn luyện lứa cầu thủ khác. Chính với cách thức này, các HLV đã tự cho mình quyền giữ tiền ăn, tiền công, rồi phân theo các mức, phát lại cho VĐV không đúng quy định, lập quỹ đội bóng với các nguồn chi không công khai minh bạch, lập danh sách khống ngày tập, VĐV hưởng lợi, gây thất thoát ngân sách…
Theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, mỗi năm, nguồn kinh phí đơn vị được cấp khoảng 60 tỷ đồng, được chi trả cho hoạt động của đơn vị, phân bổ cho 22 đội tuyển, với hơn 550 VĐV (bao gồm cả VĐV tập trung và nghiệp dư). Đối với các đội bóng đá trẻ, bên cạnh việc chi trả tiền ăn, tiền công cho VĐV, tùy theo kế hoạch hoạt động của các đội (thời gian, địa điểm tham dự giải quốc gia các cấp độ), đội bóng sẽ được cấp kinh phí ít hoặc nhiều. Hiện, trung tâm không có kinh phí cho các đội đi tập huấn, chữa trị chấn thương cho VĐV...
Theo tìm hiểu, chính những khó khăn về kinh phí nên từ trước đến nay, các đội bóng đá trẻ ở trung tâm thường tập “chay”, mỗi năm đội bóng chỉ có thể tham dự 1 giải đấu cấp độ của mình. Việc không đủ kinh phí cho các chuyến tập huấn, thi đấu đã khiến các cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, do vậy các cầu thủ sau khi hết tuổi đào tạo (lứa U21) trình độ vẫn giậm chân tại chỗ. Để rồi khi hết hợp đồng đào tạo, lứa VĐV này hoặc thất nghiệp, hoặc tìm công việc khác, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Minh Đạt - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh thừa nhận, với thực trạng công tác đào tạo trẻ của các đội bóng như hiện nay, để có được cầu thủ đủ trình độ đôn lên đội tuyển thi đấu đỉnh cao là rất khó. Vì thế, cần có phương án tháo gỡ, tìm đầu ra cho VĐV.
Bóng đá Khánh Hòa từng rất thành công trong công tác đào tạo trẻ với sự xuất sắc của lứa cầu thủ từng khoác áo đội tuyển quốc gia như: Tấn Tài, Quang Hải, Duy Nam… Không chỉ vậy, cách đây 12 năm, lứa cầu thủ trẻ dưới sự dẫn dắt của HLV Võ Đình Tân thi đấu giải hạng nhì quốc gia đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc sau khi giành quyền thăng hạng nhất mùa giải 2014 và V.League 1 chỉ trong vòng 2 năm. Cũng từ sự thành công của lứa trẻ này, bóng đá Khánh Hòa dần được nhiều người biết đến với lối chơi đầy nhiệt huyết, cống hiến và mang đậm bản sắc riêng. Tuy vậy, trải qua nhiều biến cố, bóng đá Khánh Hòa giờ đây đã không còn như trước khi cứ mỗi mùa giải, câu chuyện eo hẹp kinh phí, khó khăn về lực lượng… cứ mãi đeo bám.
Mùa giải 2023 - 2024, đội bóng Khánh Hòa FC có 8 VĐV trẻ được đôn lên thi đấu chuyên nghiệp, có lẽ không ít người cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, nếu xét tình hình đội bóng gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng ở thời điểm đó và kết quả đội bóng Khánh Hòa phải xuống hạng, số VĐV được đôn lên nói trên không khác gì “nho ép chín”. Chính vì vậy, để công tác đào tạo VĐV bóng đá trẻ Khánh Hòa đạt được hiệu quả đòi hỏi cần có sự thay đổi, tận dụng triệt để nguồn lực hiện có.
Tin vui là mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý với phương án của Sở Văn hóa và Thể thao về việc vừa giữ đội bóng chuyên nghiệp hạng nhất, vừa tổ chức đội bóng Khánh Hòa tham gia giải hạng ba, lấy lực lượng nòng cốt là lứa VĐV bóng đá U21. Với phương án này, đội bóng đá trẻ U21 Khánh Hòa sẽ được tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn (tại giải hạng ba và U21 quốc gia), qua đó tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các đội bóng chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, với phương án này, đội bóng đá tỉnh thuộc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh khi tham gia giải hạng ba sẽ chủ động được nguồn kinh phí ngân sách cấp; đồng thời tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu, cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, cung cấp, bổ sung nguồn cầu thủ cho Câu lạc bộ bóng đá Khánh Hòa thi đấu các giải chuyên nghiệp, giải quyết được bài toán đầu ra cho các tuyến đào tạo trẻ.
Sau vụ việc HLV các đội bóng đá U15, U17, U19, U21 bị thanh tra về các hành vi vi phạm trong công tác tuyển chọn, quản lý và sử dụng VĐV tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, hiện các đội U15, U19 và U21 được giao lại cho các trợ lý phụ trách. Riêng đội bóng U17, theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, do không có trợ lý nên hiện đội bóng được giao cho cầu thủ đội trưởng quản lý, chờ bố trí, sắp xếp HLV mới.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Quan điểm của sở là không bao che đối với những sai phạm. Ngay sau khi có kết luận của thanh tra, sở đã chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh thành lập hội đồng kỷ luật, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm. Sở cũng thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, tùy theo mức độ sai phạm sẽ có hướng xử lý đối với cá nhân, tập thể của các đơn vị liên quan.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin