Năm 2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 2 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt, để hoàn thành mục tiêu này cần có những bước đi phù hợp.
Nhiều thách thức
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt hơn 1,75 tỷ USD, tăng 5,94% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 59%, đạt hơn 1 tỷ USD; tiếp theo là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 37,4%, đạt hơn 654,6 triệu USD; kinh tế nhà nước đạt 60,7 triệu USD; kinh tế tập thể đạt 1,94 triệu USD. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, trị giá hơn 729 triệu USD (với 101.750 tấn các loại), tuy nhiên giảm 1,75% về giá trị. Mặt hàng dệt may kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 77 triệu USD, giảm 20,18%. Các mặt hàng khác như: Cà phê, sản phẩm thuốc lá, tàu biển… đều tăng về giá trị.
Hàng hóa xuất khẩu được đưa lên tàu tại Cảng Quốc tế Nam Vân Phong. |
Trong công tác triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2023, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa đã cấp 3.983 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (C/O), giảm 6,84% so với cùng kỳ năm trước, cấp chủ yếu sang thị trường Liên minh Châu Âu (30,59%), thị trường Hàn Quốc (23,37%), Trung Quốc (8,46%), Nhật Bản (10,02%), các nước Asean (13,86%).
Ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2024, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2 tỷ USD, tăng hơn so với kế hoạch 7% (1,87 tỷ USD). Tuy nhiên, năm nay hoạt động xuất khẩu dự báo vẫn đối diện với nhiều rủi ro. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về nội địa, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Những quốc gia phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Do đó, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán "xanh" trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như: Xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải. Bên cạnh đó, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn khó khăn do thiếu hụt đơn hàng; chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao; xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Cùng với đó, quá trình hội nhập sâu rộng, các hiệp định FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới… Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các DN Khánh Hòa trong năm 2024 tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Đa dạng hóa thị trường
Bàn về hướng đi cho xuất khẩu của Khánh Hòa, đa phần các DN đều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp C/O; giảm chi phí logistics; hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu; giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu. Cùng với đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ DN trong vốn vay, thu hút nguồn lao động…
Rong nho là mặt hàng xuất khẩu chính của DT Group. |
Đại diện Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho rằng, để đạt hiệu quả xuất khẩu cao nhất, DN cần phải cơ cấu lại mặt hàng, tập trung sản xuất các mặt hàng thế mạnh; khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có với những đơn hàng đã ký để tiếp tục nâng cao sản lượng và kim ngạch xuất khẩu những tháng còn lại. Các DN vừa và nhỏ phải cùng các DN lớn hình thành những chuỗi để thực hiện các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, ngoài các thị trường truyền thống, DN phải tìm kiếm thị trường mới; nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc khai thác thị trường phi hạn ngạch như EU, Nhật Bản và những sản phẩm phi quota vào Mỹ. Đối với thị trường nội địa, hệ thống phân phối, các kênh quảng cáo, dịch vụ hậu mãi... các DN phải đặc biệt quan tâm, nếu không sản phẩm của Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc sẽ tràn vào làm DN mất thị phần.
Ông Huỳnh Vĩnh Phước - Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Nam Vân Phong cho biết, hiện nay, Khánh Hòa thiếu cảng vận chuyển container quốc tế chuyên biệt. Điều này khiến cho các DN xuất khẩu gặp khó khăn, tăng chi phí logistics (quá trình quản lý, lập kế hoạch, triển khai, điều phối các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ, quản lý hàng hóa và dịch vụ). Để giảm bớt chi phí vận chuyển từ Khánh Hòa đi TP. Hồ Chí Minh hoặc Hải Phòng, Cảng Quốc tế Nam Vân Phong đề xuất hình thành tuyến hàng vận chuyển tập trung bằng đường thủy tại Khánh Hòa. Các DN chuyên xuất khẩu có thể cùng với các cảng bàn hướng sắp xếp hàng hóa xuất khẩu đóng container đi qua các cảng vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Hải Phòng thay vì vận chuyển từng container bằng đường bộ như lâu nay. Một tháng sẽ đi 2 - 3 chuyến tập trung tùy theo lượng hàng. Nếu vận chuyển theo phương thức này, DN sẽ giảm được 20 - 30% chi phí logistics.
Hoạt động sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods. |
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, để xuất khẩu năm 2024 đạt được mục tiêu đề ra, Sở Công Thương phải thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các DN, hội DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các DN những mặt hàng có thể gặp rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại. Các DN cần tích cực tham gia các hội nghị tập huấn, phổ biến các FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt các FTA thế hệ mới. Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường chuyển đổi số, thương mại điện tử; sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng quy định; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu bền vững.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin