Kỷ niệm 78 năm Ngày Thể thao Việt Nam, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về những thành tựu trong xây dựng và phát triển thể dục, thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. |
- Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực TDTT cũng đạt được những kết quả khích lệ. Ông có thể cho biết rõ hơn về những thành tựu của ngành?
- Những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh, các địa phương đã dành sự quan tâm chu đáo, từ đầu tư cơ sở vật chất đến yếu tố con người nên phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Đến nay, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trong toàn tỉnh đạt 35,9%, số gia đình thể thao đạt 36,5%. Toàn tỉnh hiện có 480 câu lạc bộ thể thao cơ sở được thành lập theo quy định, với hơn 1.000 cộng tác viên TDTT; có 16 liên đoàn, hội, câu lạc bộ thể thao cấp tỉnh. Các tổ chức liên đoàn, hội, câu lạc bộ thể thao đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng, phát triển phong trào TDTT quần chúng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Trong năm 2023, ngành đã tổ chức 18 giải thể thao cấp tỉnh, 126 giải thể thao cấp huyện và 896 giải thể thao cấp xã. Trong đó, nổi bật là phối hợp với các đơn vị tổ chức các giải quốc gia, quốc tế, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài nước tham gia, tạo được hiệu ứng xã hội cao như: Giải Marathon VnExpress Nha Trang với số lượng vận động viên (VĐV) kỷ lục là 11.500 người; Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 với hơn 1.200 người tham gia; Giải bơi biển quốc tế Oceanman Cam Ranh Việt Nam thu hút 700 VĐV đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ; Giải golf quốc tế tại Vinpearl với sự góp mặt của 27 VĐV golf quốc tế và gần 100 VĐV trong nước. Qua các giải đấu đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, đồng thời quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa đến du khách trong và ngoài nước; khơi dậy tiềm năng phát triển mạnh mẽ loại hình mới phù hợp, hấp dẫn là du lịch thể thao.
Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, các đội tuyển của tỉnh đã tham gia thi đấu 68 giải thể thao quốc gia và quốc tế, đạt 249 bộ huy chương các loại, gồm: 59 huy chương vàng, 77 huy chương bạc, 113 huy chương đồng; có 46 VĐV được phong cấp kiện tướng, 76 VĐV đạt đẳng cấp I quốc gia. Trong đó, nổi bật là đội bóng chuyền trong nhà đoạt chức vô địch quốc gia; đội bóng chuyền bãi biển (nam, nữ) đoạt huy chương vàng giải vô địch quốc gia; đội bóng rổ Nha Trang Dolphin giành ngôi Á quân Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA. Thể thao thành tích cao cũng đóng góp 2 huấn luyện viên (HLV) và 23 VĐV cho một số đội tuyển quốc gia, điển hình là đội tuyển bóng chuyền bãi biển, bóng chuyền trong nhà, Taekwondo, điền kinh, Muay, cử tạ, thể hình và Karate. Các HLV, VĐV của tỉnh được tập trung đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 32 và đạt được 4 huy chương (điền kinh 1 huy chương vàng, Muay 1 huy chương bạc, bóng chuyền 2 huy chương đồng); đạt 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại Giải bóng chuyền Đông Nam Á 2023.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, thể thao Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Hoạt động TDTT quần chúng tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp… tuy được duy trì thường niên, nhưng do hạn chế về kinh phí hoặc chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức nên quy mô tổ chức còn nhỏ hẹp (số lượng môn ít, số VĐV tham gia chưa nhiều). Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên việc đầu tư xây dựng các công trình thể thao trọng điểm công lập và ngoài công lập còn nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế trong việc tập luyện và tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng. Đến nay, một số tiêu chí về công trình TDTT cấp huyện theo quy định vẫn chưa thực hiện được. Cụ thể, công trình sân vận động huyện Cam Lâm và Khánh Sơn chưa có; ở các địa phương Ninh Hòa, Vạn Ninh, sân vận động đã xuống cấp hoặc không sử dụng được. Hiện nay, chỉ có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Nha Trang có hồ bơi đạt chuẩn, các địa phương còn lại chưa có hồ bơi theo tiêu chí thể thao cấp huyện. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu cán bộ, cộng tác viên TDTT ở cơ sở; chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng làm nhiệm vụ (công an, y tế, phục vụ, trọng tài…) còn thấp, chưa phù hợp với mặt bằng chung; tỷ lệ ngân sách đầu tư cho hoạt động TDTT còn thấp, nhất là tại các địa phương.
- Để khắc phục những tồn tại nói trên cần những giải pháp gì, thưa ông?
- Ngày 30-1-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70 về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh triển các nội dung của kết luận này. Trong đó, tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTT; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực TDTT; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sớm ban hành chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động, tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT; rà soát hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt chuẩn; phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT.
- Xin cảm ơn ông!
AN NHIÊN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin