22:02, 12/07/2023

Chuyện ở làng thể thao thành tích cao

AN NHIÊN

Nhiều năm nay, khu nội trú dành cho vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh Khánh Hòa (đường Nguyễn Khuyến, TP. Nha Trang) luôn trong tình trạng quá tải, xuống cấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, tập luyện, tâm lý, thành tích chung của các đội tuyển và công tác quản lý VĐV.

Khuôn viên khu nhà ở nội trú của các vận động viên thể thao tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh.

Khu nội trú xuống cấp, chật chội 

Trong thời tiết oi bức của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến khu nhà ở dành cho các VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh. Từ hành lang lối đi vào đến các phòng, chúng tôi thấy cửa phòng cái có, cái không; kính vỡ được dán chằng chịt bởi băng keo, thậm chí che tạm bằng các tấm gỗ. Tại phòng số 106, vừa mở cửa bước vào, dù trên đầu có chiếc quạt trần cỡ lớn chạy hết công suất, cộng thêm 1 chiếc quạt đứng cũng đang quay đều, nhưng không khí trong phòng vẫn nóng bức, ngột ngạt. Đang nằm chợp mắt buổi trưa sau những giờ tập luyện mệt nhọc ngoài sân tập, thấy chúng tôi bước vào, mặc vội chiếc áo, VĐV Phạm Quốc Hội - đội tuyển điền kinh cho biết, mới đầu vào ở thấy nóng bức, chật chội, nhưng ở lâu cũng dần quen. Thường mỗi phòng ở khu nội trú có 3 giường ngủ (mỗi VĐV 1 giường), nhưng có những phòng chỉ có 1 giường như phòng 106 này. Chiếc giường duy nhất trong phòng đã có một VĐV vào trước nằm, còn các VĐV trẻ mới vào trung tâm như Hội phải trải nệm nằm phía dưới. Vì là khu nhà ở tập trung, diện tích các phòng ở dành cho VĐV là như nhau, khoảng 15 m²/phòng, gồm: 1 lối đi, 1 phòng vệ sinh và khoảng không gian chứa 1 hoặc 3 giường 1m - 1,2m. 

Bên trong khu nhà ở.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết thiết kế ban đầu của khu nhà ở nội trú công suất tối đa mỗi phòng ở 3 người, nhưng vào những tháng cao điểm (thời điểm các đội tuyển quân, đưa các VĐV trẻ về thử việc) có đông VĐV thì một phòng nhét 6 - 8 VĐV là chuyện thường. Riêng phòng 106 của Hội hiện có 5 VĐV đang ở, sinh hoạt.

Bên trong căn phòng ở của các vận động viên.

Ông Trần Quốc Tiến - Huấn luyện viên (HLV) phó Đội tuyển Karate cho biết, trong đợt tuyển quân dịp hè vừa qua, đội tuyển đem về 7 VĐV, ngoại trừ 2 em nhà ở Nha Trang có gia đình đưa đón, số còn lại chủ yếu ở Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… nên việc bố trí chỗ ở cho các em gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi đội tuyển tại trung tâm đều có suất phòng ở nội trú dành cho VĐV môn mình. Hàng năm, ngoài những suất chính thức ở trung tâm tập luyện, vào các dịp hè, các HLV đi khắp nơi tuyển thêm quân về cho thử việc 1 - 3 tháng. Số VĐV mới này chưa có chế độ gì nên việc ăn, ở, đi lại đều do các HLV lo liệu. Do khu nội trú thiếu chỗ ở, lại đang xuống cấp khiến các HLV rất khó khăn trong việc xoay xở.

Đành "liệu cơm gắp mắm"

Khu nhà ở nội trú dành cho VĐV thể thao thành tích cao của Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012. Theo thiết kế ban đầu, khu nhà này có 5 tầng, gồm: Tầng trệt là khu nhà ăn và các phòng tập; 4 tầng còn lại là phòng ở (mỗi phòng khoảng 15m²), mỗi tầng có 16 phòng với công suất ở tối đa khoảng 200 VĐV. Tuy nhiên, đây là thiết kế đã hơn 10 năm, khi mà thể thao Khánh Hòa chỉ tập trung cho một số môn trọng điểm được coi là thế mạnh của tỉnh. Còn hiện tại, với định hướng của ngành và đòi hỏi ngày càng cao về mặt thành tích, số VĐV từng môn, theo từng nội dung thi đấu, tuyến VĐV cũng tăng theo.

Lối cầu thang nối giữa các tầng tối, ẩm thấp do xuống cấp.

Ông Nguyễn Minh Đạt - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh cho biết, hiện nay, trung tâm có tất cả 13 môn thể thao, 22 đội tuyển các tuyến (vô địch, trẻ) với 566 VĐV, trong đó có hơn 400 VĐV tập trung và hơn 100 VĐV nghiệp dư. Tuy nhiên, công suất phòng ở nội trú như hiện tại chỉ mới đáp ứng đủ một nửa nhu cầu về chỗ ở dành cho các VĐV. Không chỉ vậy, hiện nay, trung tâm có tình trạng các HLV giữ chỗ cho đội tuyển của mình, mặc định đó là phòng dành riêng cho đội mình, dù không có quân. Đến nỗi, Ban Giám đốc trung tâm phải ra tay dàn xếp, can thiệp. Về nguyên tắc, VĐV các đội tuyển phải ở tập trung thì HLV mới dễ quản lý, huấn luyện. Song với thực trạng thiếu chỗ ở và điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế của trung tâm như hiện nay, chỉ có những VĐV tập trung là người các địa phương không phải ở TP. Nha Trang mới có suất ở nội trú trong trung tâm. Bên cạnh đó, còn có hơn 100 VĐV bóng chuyền, 1 đội bóng đá tuyến trẻ và đội bóng đá bãi biển đang được bố trí ở tại số 10 Yersin (trước đây là khu hành chính) và Câu lạc bộ Bóng đá Khánh Hòa. Đối với các VĐV có gia đình ở Nha Trang, để giảm tải áp lực về chỗ ở, trung tâm đã tạo điều kiện cho các em ở nhà, gia đình đưa đón chăm sóc. Dù biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, song để giải quyết khó khăn về chỗ ở cho VĐV tập trung thì không còn cách nào khác.

Theo lãnh đạo ngành thể thao, thực trạng thiếu chỗ ở cho VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc. Trước đây, khu nhà ở nội trú này cùng với Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh được một đơn vị ngoài ngành làm chủ đầu tư và chuyển giao. Trong quá trình thiết kế thi công công trình, chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của đơn vị chuyên môn nên dẫn đến tình trạng nêu trên. Trong các cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và ngành thể thao, trung tâm có ý kiến đề xuất xây thêm 1 khu nhà ở nội trú bên cạnh khu đang có, song hiện nay chưa có chủ trương.

AN NHIÊN