Sân vận động (SVĐ) 19-8 Nha Trang là SVĐ lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa được giao cho Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý theo cơ chế tự thu tự chi. Tuy nhiên, hiện nay, SVĐ này đang trong tình trạng xuống cấp…
Sân vận động (SVĐ) 19-8 Nha Trang là SVĐ lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa được giao cho Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý theo cơ chế tự thu tự chi. Tuy nhiên, hiện nay, SVĐ này đang trong tình trạng xuống cấp…
Sân vận động xuống cấp
Hiện nay, tại khán đài A của SVĐ 19-8 Nha Trang, nhiều tấm mái che đã bị hư hỏng, có nguy cơ rớt xuống khán đài; các cửa ra vào bằng tấm sắt lớn ở khán đài D không ai dám mở, nhà vệ sinh cũng nhếch nhác, không được đầu tư, nâng cấp… SVĐ đang được làm lại mặt cỏ để tiếp tục phục vụ cho các trận đấu giải Vô địch quốc gia V-League. Trước các ngày thi đấu, đội bóng Sanna Khánh Hòa thường có buổi tập tại sân nhà của mình, các cổ động viên cũng đến sân cỏ theo dõi. Ông Nguyễn Minh Tiến (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) thường xuyên đến cổ vũ đội bóng cho biết: “Mới Tết xong, ít trận đấu, nên cỏ mọc ra kịp, nhìn còn ra dáng sân cỏ. Còn trước đây, mặt sân thường hay bong tróc, phía trước 2 cầu môn thì toàn đất”.
Sân vận động 19-8 Nha Trang xuống cấp |
Ông Nguyễn Minh Đạt - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao cho biết, hàng ngày, nhân viên trung tâm đều phục hồi lại sân bãi; hàng tháng phải sửa chữa, bảo trì các hạng mục… Kinh phí duy tu bảo dưỡng đều lấy từ nguồn thu dịch vụ thi đấu thể thao của trung tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn thu này chủ yếu để duy trì việc quản lý, sửa chữa nhỏ chứ không thể sửa chữa, thay thế các hạng mục lớn. Trước đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã nhận xét SVĐ 19-8 Nha Trang không đủ độ sáng. Vì không có kinh phí, trung tâm phải nhờ đội bóng Sanna Khánh Hòa đầu tư nâng cấp giàn đèn. “Một trận đấu V-League, Sanna Khánh Hòa hỗ trợ kinh phí tổ chức khoảng 49 triệu đồng. Số tiền trên được chi trả cho công tác an ninh, cứu hỏa, cứu thương, điện nước… Số dư còn lại cũng không còn nhiều để sửa chữa”, ông Đạt nói.
Ông Võ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thừa nhận một số hạng mục của SVĐ 19-8 Nha Trang đang xuống cấp. Sở đã giao toàn bộ việc quản lý, bảo trì sân bãi cho Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao nên số tiền bảo trì khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm do trung tâm này chi trả chứ không lấy tiền ngân sách. Tuy nhiên, với kinh phí này thì không thể sửa chữa lớn được.
Nơm nớp lo phạt
Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Sắp tới, Khánh Hòa tổ chức giải bóng đá U19 quốc tế trên SVĐ 19-8 Nha Trang. Sở đã đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí 930 triệu đồng để nâng cấp sửa chữa mái che, nhà vệ sinh, quét vôi lại SVĐ. |
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã giao toàn bộ kế hoạch tổ chức thi đấu năm 2017 trên SVĐ 19-8 Nha Trang cho trung tâm với 21 giải thể thao cấp tỉnh; 2 giải bóng đá cấp quốc gia là V-League và vòng loại bảng B giải U19 quốc gia năm 2017; giải bóng đá U19 quốc tế Báo Thanh Niên.
Theo ông Đạt, từ ngày 4 đến 16-1 vừa qua, trên SVĐ diễn ra lượt đi vòng loại bảng B giải U19 quốc gia năm 2017 trúng dịp mưa nhiều. Trong khi đó, mật độ thi đấu dày (3 trận/ngày), thời gian nghỉ chỉ 2 ngày khiến sân cỏ ở đây không kịp phục hồi nên trung tâm rất lo bị phạt. “Ban tổ chức giải V-League trong 2 trận đấu liên tiếp vừa rồi đã lập biên bản đối với trung tâm vì sân cỏ không đảm bảo chất lượng”, ông Đạt cho hay.
Để gỡ khó, có nhiều ý kiến cho rằng cần xã hội hóa, cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư sân bãi như nhiều nơi đã thực hiện. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh rất khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực văn hóa - thể thao bởi các hoạt động này khi xây dựng, tổ chức tốn kém ngân sách rất nhiều. Vấn đề là xã hội hóa như thế nào? Ở Khánh Hòa, chỉ có bóng đá, bóng chuyền có doanh nghiệp tài trợ còn các mảng khác thì chưa. Vì thế, muốn làm được thì cơ quan chức năng và chủ đầu tư phải có tiếng nói chung. Việc xã hội hóa SVĐ 19-8 Nha Trang, nếu có phương án, đề xuất cụ thể, tỉnh sẽ xem xét để tính toán hiệu quả.
NAM AN