05:03, 15/03/2017

Mục tiêu cần sát với thực tiễn

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Quy hoạch phát triển thể dục thể thao tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng một số mục tiêu phát triển đưa ra chỉ tiêu cao, khó thực hiện, cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Quy hoạch phát triển thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng một số mục tiêu phát triển đưa ra chỉ tiêu cao, khó thực hiện, cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.


Theo nhận định của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Thể thao - Trường Đại học TDTT TP. Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn, TDTT Khánh Hòa những năm qua có bước phát triển khá mạnh song chưa bền vững, còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém và thiếu đồng bộ. Cụ thể, hệ thống tổ chức quản lý TDTT cấp cơ sở có chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, nội dung hình thức hoạt động nghèo nàn, kinh phí còn hạn chế, công tác vận động xã hội hóa gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo trong việc phát triển phong trào TDTT. Công tác quản lý nhà nước về TDTT các cấp duy trì hoạt động theo thời vụ, thiếu sự chủ động. Thể thao thành tích cao phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư… Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra các chỉ tiêu phát triển ngành TDTT tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Giải việt dã Sacombank tạo được sức hút cộng đồng trong dịp Festival 2015
Giải việt dã Sacombank tạo được sức hút cộng đồng trong dịp Festival 2015


Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số mục tiêu phát triển, đơn vị tư vấn đưa ra chỉ tiêu cao và khó thực hiện trong thực tế. Theo ông Võ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025, thể thao Khánh Hòa có 14 - 20 vận động viên (VĐV) tham dự SEA Games, đạt từ 6 đến 8 huy chương; kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022, sẽ có từ 250 đến 300 VĐV tham gia thi đấu, đạt 85 huy chương các loại, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành cả nước là không thực tế. Bởi, 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao của tỉnh đang trên đà tụt dốc. Tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần đây nhất (năm 2014), thể thao tỉnh chỉ đạt được 24 huy chương và xếp vị trí 25/65 tỉnh, thành.

 

Các chỉ tiêu phát triển ngành TDTT tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:

Tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên đạt từ 42 đến 44% trên tổng số dân; hộ gia đình thể thao là 41 - 43% tổng số hộ; tỷ lệ học sinh tập luyện nội khóa 100%, ngoại khóa từ 95 đến 100%. Về thể thao thành tích cao, số VĐV thành tích cao từ 628 đến 728 người, trong đó VĐV đạt cấp kiện tướng từ 143 đến 165 người, cấp 1 từ 77 đến 89 người; số môn thể thao chuyên nghiệp được các tổ chức xã hội đầu tư từ 9 môn trở lên…

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho rằng, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 70 đến 100% thôn, tổ dân phố, trường học có sân bóng, khu thể thao… cũng cần xem lại. Bởi, ngoài khó khăn về kinh phí, quỹ đất, việc đầu tư cơ sở vật chất thể thao dàn trải liệu có mang lại hiệu quả, vì hiện không ít các khu, trung tâm thể thao cấp xã đang trong tình trạng bỏ không, gây lãng phí.


Trong khi đó, ông Phạm Cao Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, quy hoạch tuy có sự đánh giá thực trạng, đề ra định hướng phát triển song thiếu sự so sánh với các địa phương khác nên thiếu tính thực tiễn trong việc đề ra các mục tiêu ở từng giai đoạn cụ thể.


Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và các thành viên cơ bản nhất trí với các nội dung quy hoạch, nhưng yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh một số chỉ tiêu, giải pháp cho phù hợp với điều kiện thực tế phát triển ngành TDTT của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu các nội dung góp ý, chỉnh sửa và đưa ra giải pháp phù hợp, dự kiến đến đầu tháng 4 trình UBND tỉnh thông qua.


AN NHIÊN